| Hotline: 0983.970.780

'Thần chết' mang tên... ong

Thứ Bảy 08/09/2018 , 14:50 (GMT+7)

Ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các cháu sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc. Tùy theo loài ong với những độc tính trong nọc ong mà mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ khác nhau. Tuy nhiên cũng có loại gây chết người chỉ với mươi vết chích …

Tiếp nhận 3 ca liên tiếp

Chỉ trong một ngày (20/8), Bệnh viện Nhi  Trung ương tiếp nhận 3 trẻ nhập viện do bị ong đốt trong đó có 2 bé đang trong tình trạng suy đa phủ tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn và phải lọc máu liên tục.

1-132714223233473
Ảnh minh họa

Trường hợp đầu tiên là bé H. (5 tuổi, Hải Dương). Nguyên nhân trẻ bị ong đốt là do các bạn chọc phá tổ ở trường. Sau khi bị đốt, bé H. có dấu hiệu tím tái, khó thở. Cháu được thầy giáo đưa đến Bệnh viện Nhi Hải Dương cấp cứu. Tại đây, mặc dù đã các bác sĩ đã tiến hành xử trí hỗ trợ hô hấp, truyền dịch nhưng tình trạng sức khỏe của H. không cải thiện. Cháu được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất nguy kịch. Trẻ được chẩn đoán sốc phản vệ do biến chứng ong đốt, có suy đa phủ tạng (vô niệu, suy thận cấp, suy gan, rối loạn chức năng đông máu). Các bác sĩ đã chỉ định cho trẻ thở máy, điều trị sốc phản vệ và lọc máu liên tục.

Nhập viện cùng ngày với bé H. là hai anh em cháu T. (10 tuổi) và V. (8 tuổi) dân tộc Mông đến từ Lào Cai. Theo lời gia đình, do bò làm vỡ tổ ong nên cả hai bé đều bị ong đốt sưng nề vùng mặt, đau đớn và mệt mỏi. Gia đình đã đưa các cháu đến bệnh viện tỉnh điều trị. Xét nghiệm chức năng thận cho thấy cả hai cháu đều suy thận. Các cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng vẫn tỉnh táo, tự thở, tiểu tiện được.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm thăm dò chức năng, các bác sĩ nhận thấy tình trạng sức khỏe của cháu T. khả quan hơn: trẻ vẫn tiểu tiện được, qua theo dõi 24h thấy trẻ vẫn đáp ứng điều trị nội khoa nên đã chuyển cháu về khoa Thận - Tiết niệu để theo dõi suy thận. Bé gái 8 tuổi không may mắn như anh mình: cháu bị hơn 50 vết ong đốt. Sau 7 tiếng nhập viện, cháu xuất hiện khó thở thanh quản do phù nề đường hô hấp, phải hỗ trợ thở máy. Thêm vào đó, bệnh nhân còn có biến chứng suy đa phủ tạng: suy thận, suy gan, rối loạn đông máu. Cháu được chỉ định lọc máu liên tục và chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu.
 

Sơ cứu thế nào?

Theo Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, tai nạn do ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các cháu sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với mươi vết chích như ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu.

Để tránh hậu quả thương tâm có thể xảy đến với trẻ do tai nạn ong đốt, người lớn cần trang bị kiến thức xử trí khi gặp ong đốt:

Trước hết, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn. Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Vì vậy, trong trường hợp trẻ bị bị ong chích, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và theo dõi điều trị.

Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, cần nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng cách: Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng như povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần; uống nhiều nước để loại thải các độc tố; đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề khoảng 15-20 phút có thể giúp giảm đau giảm đau và giảm phù nề. Sau đó cần theo dõi và đưa người bị ong đốt đến cơ sở y tế.

Trong trường hợp nạn nhân bị ong độc đốt khiến mệt mỏi, tay chân lạnh, da nổi ban, nước tiểu đỏ, tiểu ít, khó thở thì người thân nên đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác; phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim và sau đó nhanh chóng gọi cấp cứu hỗ trợ.

Để phòng tránh ong đốt, BS Tuấn cũng khuyến cáo người cũng như trẻ nhỏ không tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Không chọc phá tổ ong; không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động; không dùng nước hoa, dầu gội đầu có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong.

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.