| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Đừng tiếp tục xẻ thịt những ngọn núi và ăn vào tương lai

Thứ Bảy 28/10/2023 , 14:28 (GMT+7)

Sẽ thật bi hài nếu sau này con cháu muốn nhìn thấy núi thì phải đắp những hòn non bộ trong sân nhà, vì núi đã bị cha ông chúng san phẳng cả rồi!

Đầm Húng nằm giữa làng Trúc Khóa (nay là Trúc Thịnh) Tượng Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa.

Đầm Húng nằm giữa làng Trúc Khóa (nay là Trúc Thịnh) Tượng Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa.

Trong hình đầu là làng Trúc Khóa (nay là Trúc Thịnh) thuộc xã Tượng Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa. Tôi chưa từng thấy một ngôi làng nào đẹp đến vậy.

Bốn bề là núi, lạc vào đây bất giác nhớ ngay đến Thánh địa Mỹ Sơn, nơi những đền tháp trầm mặc gửi mình trong một thung lũng sâu và rộng với nguy nga núi đá bốn bề.

Làng Trúc Khóa khép một vòng tròn, dựa lưng vào núi cùng nhìn ra một đầm nước mênh mông rộng hàng mấy chục ha, biêng biếc trong trời chiều. Khoảng cách giữa hồ và nhà là cánh đồng với rau, lúa, ngô, hành hẹ xanh mướt.

Tôi đã đi nhiều, lang thang qua những biền bãi, làng mạc, núi non, nhưng lần đầu tiên ngỡ ngàng với phong cảnh vừa hữu tình vừa hoang sơ kỳ vĩ này. Tôi đã lên hồ Sông Mực trong Vườn quốc gia Bến En, cũng không thấy đẹp bằng nơi đây, vì ngoài cảnh thiên tạo mê đắm, Trúc Khóa còn có sự sống đã thành hồn cốt của con người với những nếp nhà thanh bình gửi mình giữa nước non xanh.

Nhìn cảnh, nhìn người và cuộc sống nơi đây, thấy hiện lên những mô hình du lịch đẹp đẽ có thể làm trù phú cho một vùng non nước đắm say.

Núi Gò Chan bên đầm Húng đang bị đào bới.

Núi Gò Chan bên đầm Húng đang bị đào bới.

Nhưng. Phóng tầm mắt ra bốn bề núi đồi, thì ôi thôi! Những lưng núi đang bị vạc phơi xương, xe cuốc, xe ben rầm rộ. Cảnh tượng tang thương đau xót.

Cách làng Trúc Khóa khoảng 1 cây số là đường cao tốc Nghi Sơn - Sao Vàng. Phải chăng vì sự thuận tiện này mà người ta đã ký cho xẻ thịt một dãy quần sơn thanh tú đẹp như tranh họa đồ của một vùng đất?

Trên đây chỉ là một trường hợp ví dụ.

Từ cầu Trạp thuộc xã Thanh Sơn, Nghi Sơn, Thanh Hóa nếu đi về hướng Tây lên phía Nông Cống trong vòng bán kính khoảng 5km thôi, ôm một nửa vòng cung sẽ gặp liên tiếp cảnh tượng những ngọn núi đã và đang bị tàn phá như thế.

Núi Phú Viên (Trường Sơn, Nông Cống) đang bị đào lên gần tới đỉnh.

Núi Phú Viên (Trường Sơn, Nông Cống) đang bị đào lên gần tới đỉnh.

Cách cầu Trạp khoảng 2 cây số là núi Sắm của xã Trường Sơn, ngọn núi đẹp thơ mộng có ngôi làng nhỏ tựa lưng vào và nhìn ra cánh đồng cũng đã bị đẽo gọt nham nhở từ nhiều năm trước. Cách đó không xa là núi Phú Viên nằm giữa bốn bề bát ngát đồng lúa với 2 ngôi làng xinh đẹp tọa lạc lâu đời, cũng đang bị máy cuốc và xe ben đào đất chở đi, mặt hướng Tây của núi gần như đã phá lên tới đỉnh, trơ ra giữa trời một màu vàng nhức nhối của đất.

Từ Phú Viên nhìn về hướng Nam chính là núi Thiên Thần, núi Bạc và một dãy quần sơn ôm lấy làng Trúc Khóa, cũng đang bị biến thành những mỏ đất như đã nói ở trên. Núi non bị xẻ thịt, lở lói nham nhở.

Sát lưng làng Trúc Khóa, bên trên đầm Húng, núi Bạc cũng đang bị rầm rộ khai thác đất.

Sát lưng làng Trúc Khóa, bên trên đầm Húng, núi Bạc cũng đang bị rầm rộ khai thác đất.

Tình trạng khai thác tràn lan, biến những ngọn núi thành mỏ đất đang diễn ra khắp nơi mà ví dụ điển hình chính là huyện Nông Cống - Thanh Hóa. Đã đến lúc cần phải gióng lên hồi chuông thống thiết trước khi cảnh quan, môi trường cho đến các giá trị văn hóa, tâm linh bị phá hủy hoàn toàn.

Việc thực hiện các dự án tất nhiên là cần đất đá để san lấp mặt bằng, nhưng quyết không thể tùy tiện, cẩu thả. Làm đường ở đâu thì xúc luôn ngọn núi ở đó cho tiện, bất chấp làng mạc, xóm thôn đã an cư ngàn đời dưới chân núi, đó là hành động hủy hoại môi sinh, tàn phá vẻ đẹp trời ban đã hàng triệu năm.

Phá rừng đã là hành động không thể tha thứ, nhưng phá núi còn tai hại hơn. Vì rừng còn có cơ hội tái sinh, trồng lại, chứ núi thì vô phương. Phá hủy một quả núi là vĩnh viễn mất đi cả một hệ sinh thái, làm đảo lộn khí hậu, tiêu hủy nguồn nước ngầm, gây ra biết bao nhiêu tai họa tiềm ẩn về khô hạn, lũ lụt...

Không những thế, với nông thôn thuộc đồng bằng và bán sơn địa [như Nông Cống], những ngọn núi có giá trị mỹ quan vô giá. Chính sách phát triển bền vững cần dứt khoát phải giữ gìn núi non để vừa bảo vẻ đẹp của làng quê Việt, vừa giữ ổn định của nguồn nước và hệ sinh thái hài hòa.

Xe tải vào chở đất trong các mỏ bên cạnh đầm Húng.

Xe tải vào chở đất trong các mỏ bên cạnh đầm Húng.

Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hiếm có và đáng tự hào. Nhưng thay vì gìn giữ để phát triển thì hiện nay nhiều vùng trên khắp cả nước đang bị khai thác bừa bãi, phá hủy một cách không thương tiếc.

Đã đến lúc cần quản lý đất đai chặt chẽ, không thể vì lợi ích trước mắt của một số cá nhân mà lấy sự tiện đường và giảm chi phí trong thi công để tàn phá những ngọn núi xanh ngàn đời. Trước mắt, phải dừng ngay những hoạt động khai thác sai trái, tiến hành đánh giá tác động môi trường, xây dựng đề án quy hoạch lâu dài cho việc khai thác. Và cần xử lý thích đáng những hành động trái phép đang diễn ra.

Sẽ thật bi hài nếu sau này con cháu chúng ta nếu muốn nhìn thấy núi thì phải đắp những hòn non bộ trong sân nhà, vì núi đã bị cha ông chúng san phẳng cả rồi!

Đừng tiếp tục ăn vào tương lai.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.