| Hotline: 0983.970.780

Thanh Ngoan “điên loạn” với chèo, xẩm, chầu văn…

Thứ Hai 22/07/2013 , 10:50 (GMT+7)

35 năm theo đuổi nghệ thuật truyền thống, trong vai trò Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Thanh Ngoan vẫn chưa thôi miệt mài với những đam mê của mình.

35 năm theo đuổi nghệ thuật truyền thống, trong vai trò Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Thanh Ngoan (ảnh) vẫn chưa thôi miệt mài với những đam mê của mình. Khán giả lúc thì thấy chị hát xẩm ở chợ Đồng Xuân, khi thì hóa thân vào những vai đào lẳng ở “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Chèo Việt Nam.

Khán giả thấy Thanh Ngoan từ chiếu chèo sang chầu văn, rồi ca trù, xẩm… Tài năng đã đành, nhưng không biết là chị có quá vất vả để “ôm” nhiều loại hình nghệ thuật đến thế?

Lao động nghệ thuật thì không thể nhàn nhã. Nhưng vất vả quá cũng không phải. Nếu bạn đã xem các vở diễn chèo thập ân, những người đang có địa vị rất cao mà gặp biến cố phải đi ăn mày, ăn xin thì sẽ thấy những bài hát xẩm ở trong đó.

Bởi vì xuất phát điểm của câu hát xẩm là từ cuộc đời của một người rất khổ, cho nên người ta kiếm câu hát xẩm đó để làm kế mưu sinh. Trong chèo cũng có câu hát xẩm đó, lựa theo tình cảm của người hát mà người ta phổ làn điệu cho phù hợp.

Với tôi, là người làm về nghệ thuật truyền thống, vừa làm nghệ sĩ biểu diễn, vừa là đạo diễn nên tôi có thể chủ động đưa các loại hình này hòa quyện vào nhau được. Và điều đó đòi hỏi tôi phải nắm được các loại hình nghệ thuật này để viết cho người khác có thể hát được làn điệu đó.

Từ khi chuyển sang quản lý - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cuộc sống của chị và gia đình có thay đổi nhiều không?

Nói thực, sự thay đổi thì không có nhiều. Bởi mặc dù là nghệ sĩ nhưng bấy lâu nay mình luôn là người tổ chức và luôn là người không ngồi một chỗ để chờ việc. Có khác chăng là nếu trước kia mình chỉ chạy show cho cá nhân mình, cho câu lạc bộ của mình thì bây giờ đòi hỏi phải lo cho tất cả những con người trong nhà hát, gần 160 người.

 Tôi ví đây như một gia đình lớn, Ban Giám đốc là phụ huynh phải chăm lo cho đời sống của các "thành viên trong gia đình”.

Chị đã có gần cả cuộc đời theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Giữa thời mà công chúng không mặn mà gì với loại hình này, có bao giờ chị thấy mình như “dã tràng xe cát”?

Đến nay, Thanh Ngoan đã có 35 năm theo nghệ thuật truyền thống. Thời gian quá dài để trải qua đủ những bước thăng trầm. Giai đoạn tôi thấy mình nản nhất là chục năm về trước (cuối thế kỷ 20, đầu thể kỷ 21).

Phải chăng sự giao thoa ấy khiến công chúng cũng có những biến đổi, văn hóa truyền thống bị xem nhẹ. Có những nơi khi tôi xuất hiện để hát, giới trẻ không quan tâm thì đã đành, nhưng nhiều câu nói cũng đến tai khiến mình buồn, không tự tin như “giời ơi, ì à ì èo, mất thời gian”…

Nhưng rồi ngay cả những người làm quản lý- những người đáng ra động viên anh em nghệ sỹ thì họ cũng có cách nhìn nhận như vậy, nên có lúc chán nản. Nhưng vì làm văn hóa truyền thống, tôi nghĩ, mình hiểu nó mà mình còn không say, mà chỉ vì một vài cá nhân nào đó mà mình hủy diệt đi đam mê của mình thì mình có tội.

Vì vậy, tôi lại tự tiếp sức cho mình để tiếp tục con đường. Và cho đến giờ, tôi có thể khẳng định, nghệ thuật truyền thống đã nuôi sống Thanh Ngoan, chỉ trừ khi Ngoan không hát được nữa thì mới không hát nghệ thuật truyền thống, còn lại thì còn hát được thì chỗ nào bảo hát vẫn cứ hát.

Giữa các loại hình nghệ thuật mà chị theo đuổi, chị dành tình yêu cho loại hình nào nhất?

Khó có thể nói yêu loại hình nghệ thuật nào nhất. Xuất phát điểm của tôi là chèo rồi sang chầu văn, ca trù và xẩm… tất cả hòa quyện vào nhau. Bởi vì những vai diễn chèo của tôi có đủ cả, có lúc hát xẩm trên sân khấu chèo, có lúc hát văn... những loại hình nghệ thuật đó bổ trợ cho rất nhiều. Không có cớ gì mà không yêu nó.

Tôi tiếp cận nghệ thuật truyền thống từ rất sớm. Năm 1979 thì bắt đầu đi biểu diễn chèo rồi, năm 1984 học hát chầu văn, 1985 học ca trù. Năm 1988 đi hội diễn chèo với vai chủ quán Hồng Châu có hát ca trù và được đánh giá rất cao.

 Cái say trước tiên là say nghệ thuật, nhưng bảo say từ bao giờ và say cái nào nhất thì chả biết. Nó cứ ngấm vào người dần dần và giờ như “điên loạn”. Chỗ này mời hát xẩm thì hát xẩm, chỗ kia mời hát văn thì hát văn… chỗ khác cần hát ca trù thì cũng đến. Cứ quanh quẩn thế thì cũng chả còn thời gian mà làm cái khác.

Khi bước sang vai trò quản lý chị vắng mặt nhiều hơn trên sân khấu, có khi nào chị bỏ chiếu chèo?

Thanh Ngoan bước sang vai trò quản lý nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ nghệ thuật. Dù là với vai trò là giám đốc hay làm gì đi chăng nữa, nếu như không làm nghệ thuật thì không còn là một Thanh Ngoan nữa.

Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Lương HLV Kim Sang-sik nhận được ở Việt Nam bao nhiêu?

HLV Kim Sang-sik không nhận mức lương quá cao như nhiều tin đồn khi dẫn dắt đội U23 và tuyển Việt Nam trong bản hợp đồng kéo dài 2 năm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.