| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ dứt điểm những tồn tại ở Nghị định 67

Thứ Tư 20/04/2022 , 08:59 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những dư luận xung quanh Nghị định 67.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Trung Quân.

Số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng trên 20%

Theo ông Nguyễn Văn Trung, so với các chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản trước đây, Nghị định 67 được ban hành đã quy định nhiều chính sách hỗ trợ có tính đồng bộ, toàn diện, mạnh mẽ cho ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng.

Trong đó, nổi bật là chính sách hỗ trợ đóng tàu cá mới công suất lớn, có khả năng hoạt động xa bờ dài ngày, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác, ưu tiên đóng mới tàu cá vỏ thép.

Theo ông Trung, Nghị định được xây dựng từ ngày 15/4 và ban hành ngày 7/7/2014, với mục tiêu khẩn trương xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại, vừa phát triển kinh tế biển, song song hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển sản xuất, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong quá trình thực hiện, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương kịp thời rà soát, đánh giá và tham mưu trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định sửa đổi, bổ sung: Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015; Nghị định số 172/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016; Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 để tháo gỡ khó khăn và điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Sau 7 năm triển khai thực hiện, các chính sách được Chính phủ quy định tại Nghị định 67 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng trên 20%, tai nạn tàu cá giảm đáng kể. Nhờ đó, góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã được hình thành và phát triển.

Nghị định 67 cũng góp phần đầu tư, nâng cấp 28 cảng cá, nâng lượng thủy sản qua cảng đạt 447.000 tấn/năm; 67 khu neo đậu tránh trú bão với tổng công suất neo đậu tăng thêm 37.400 tàu; 28 dự án hạ tầng sản xuất giống thủy sản; 89 dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thêm khoảng 48.000ha; 2 dự án tăng cường năng lực trong việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long và quan trắc cảnh báo môi trường phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc.

Đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị định. Ảnh: Trung Quân.

Đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị định. Ảnh: Trung Quân.

Vẫn còn những bất cập

Theo ông Nguyễn Văn Trung, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67, đa số các khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ và các bộ, ngành tích cực tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập tồn tại như: Đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đạt được theo mục tiêu của nghị định. Ngân sách bố trí để thực hiện chính sách này còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn ngân sách Trung ương, các công trình hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải.

Tổng dư nợ cho vay và dự nợ xấu ở mức cao. Đối với ngư dân vay vốn lưu động mức lãi suất 6,5% là tương đối cao, trong khi cơ chế cho vay, thủ tục phê duyệt qua nhiều cấp, phương thức cho vay theo mỗi chuyến biển không thuận lợi cho ngư dân.

Chính sách bảo hiểm mới đáp ứng được 62% tàu cá xa bờ tham gia chính sách bảo hiểm và 56% ngư dân đi khai thác trên biển được hưởng chính sách. Ngoài chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67, ngư dân còn  được lựa chọn chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Quyết  định 48/2010/QĐ-TTg.

Về các tàu vỏ thép bị hư hỏng, ngay sau khi các tàu vỏ thép xuất xưởng, bàn giao cho chủ tàu đưa vào hoạt động sản xuất, đã có 41 tàu bị hư hỏng (21 tàu bị hư hỏng nhẹ và 20 tàu bị hỏng nặng). Tranh chấp giữa chủ tàu và nhà máy đóng tàu kéo dài đến cuối năm 2017 đã giải quyết xong.

Hiện có 278 tàu (chiếm trên 65% tàu cá vỏ thép) chủ tàu không thực hiện duy tu, bảo dưỡng tàu cá theo quy trình, dẫn đến một số tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, hoạt động của tàu…

Ông Trung cho rằng, có những tồn tại này là do mục tiêu đầu tư cho cơ sở hạ tầng nghề cá không đạt được do nguồn vốn đầu tư cho xây dựng mới, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nghề cá còn thiếu, việc cấp vốn dàn trải.

Việc phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới cho một số trường hợp chưa đúng, chủ tàu không am hiểu về nghề. Một số chủ tàu không đủ năng lực để quản lý, vận hành, khai thác tàu mới đóng quy mô lớn, hiện đại. Vì vậy, khi tàu đóng xong đi vào hoạt động đạt hiệu quả thấp.

Việc phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh của địa phương chưa xem xét kỹ đến các yếu tố tác động đến ngành nghề khai thác, dịch vụ hậu cần hoặc biến động nguồn lợi, khi tàu đi vào hoạt động hiệu quả thấp. Việc ngư dân muốn chuyển đổi nghề gặp nhiều khó khăn do không cho vay vốn bổ sung, nếu chuyển đổi nghề lại không được hỗ trợ lãi suất do thay đổi phương án sản xuất kinh doanh đã phê duyệt.

Một số tàu dịch vụ hậu cần hoạt động không hiệu quả do không có bạn hàng, không có vốn tạm ứng cho chủ tàu khai thác nên không mua được cá trên biển. Công tác đào tạo ngư dân khi đóng mới tàu vỏ thép chưa làm tốt, dẫn tới người dân thiếu kiến thức giám sát quá trình đóng và sử dụng vận hành, duy tu bảo dưỡng tàu một cách hiệu quả.

Một số ngư dân cho rằng đây là chính sách hỗ trợ bằng nguồn vốn của nhà nước mà chưa hiểu đây là nguồn vốn ngư dân vay của ngân hàng thương mại và phải chịu trách nhiệm về khoản vay này. Dẫn tới phát sinh hiện tượng nhiều ngư dân cố tình chây ỳ, không trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ.

Bộ NN-PTNT đã báo cáo Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Ảnh: Trung Quân.

Bộ NN-PTNT đã báo cáo Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Ảnh: Trung Quân.

Nghị định mới thay thế 67 được kỳ vọng sẽ toàn diện

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, hạn chế tổn thất, rủi ro cho người dân và các ngân hàng cho vay, đảm bảo hiệu quả các chính sách ban hành, Bộ NN-PTNT đã báo cáo Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67.

Nghị định 67 mới sẽ được Bộ NN-PTNT trình Chính phủ trong quý 2/2022. Tại dự thảo nghị định, Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất Chính phủ xem xét quyết định một số nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, bổ sung phạm vi ngân sách Trung ương hỗ trợ 90% xây dụng hạ tầng thiết yếu cảng cá loại II, khu neo đậu cấp tỉnh.

Quy định cơ cấu lại nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.

Sửa đổi chính sách chuyển đổi chủ tàu, cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới, nấng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.

Dự thảo nghị định mới, Nhà nước đảm bảo duy trì mức hỗ trợ và phạm vi bảo hiểm đã được cam kết tại Nghị định 67. Hỗ trợ bảo hiểm trong suốt thời gian khách hàng còn dư nợ vay và nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên.

Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho thuyền viên làm việc trên tàu cá và 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu từ 15 mét trở lên. Thực hiện hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép nhằm thay thế cho việc thanh toán trước đây phải trải qua nhiều thủ tục.

Bên cạnh đó, nghị định cũng bổ sung đối tượng, nội dung chính sách đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá theo công nghệ tiên tiến.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.