Thưa cô Dạ Hương!
Chuyện đã năm năm rồi mà cháu vẫn còn nghẹt thở mỗi khi nhớ lại đó cô. Cháu tưởng mình sẽ quên nhanh nhưng ừ thì quên mà bao lâu thì sẽ quên hả cô?
Chồng cháu là người có chức vị vào hàng trẻ nhất tỉnh hồi ấy. Học ở nước ngoài về, rồi ở trong diện được học lên nữa. Trong số cùng với anh đi tu nghiệp tiếng Anh với anh ấy, chỉ có anh là học cao học ở nước ngoài về nên chỉ 1 tháng là anh được về, không ôn luyện tới 6 tháng như những người khác ở tỉnh khác.
Anh đi có 1 tháng, về cháu thấy anh khác hẳn. Nguội lạnh vợ, ngồi đâu thì mặt nghệt ra như là nhớ, tương tư. Người vợ là cảm được ngay, đúng không cô? Rồi khi anh đi họp ở ngoài kia cháu biết anh đã đi gặp cô ta đang ôn tiếng Anh ở nơi đó. Cháu cài định vị trong điện thoại mà anh không biết. Thế là hết chối. Anh về, cháu bay ra, lần ra khách sạn ấy và biết đăng ký phòng là cô ấy, giờ ấy đêm ấy.
Một cuộc chiến cô ơi. Cháu không thiết gì nữa. Cháu chỉ muốn ly dị thôi. Hai đứa con, cháu sẽ lột sạch từ anh mọi thứ, địa vị, nhà cửa, con cái. Nhưng ba mẹ hai bên xô vào, không ai bênh anh cả nhưng ai cũng khuyên chả lẽ mỗi lần đạp cứt là mỗi chặt chân. Đúng là một bãi cứt cô ạ. Không ra làm sao cả.
Cháu đã làm cô ta khỏi đi học nữa luôn. Người đâu có người đú đởn thế, vừa mới lấy chồng nữa chứ. Ở tỉnh ấy cô ta cũng sáng giá mới được đi học tiếng Anh để du học diện Nhà nước lo ấy chứ. Cháu làm tanh bành hết. Chồng cháu chỉ biết năn nỉ vợ thôi. Nghĩ lại cháu cũng thấy mới bập vào nhau, tòm tem chứ không phải một cuộc tình.
Khi chồng cháu bị kỷ luật và phải chuyển việc một chỗ bèo, mẹ chồng cháu khóc dữ quá. Vậy là thân tàn ma dại. Nhiều người nói cháu quá tay. Nhưng có gan làm có gan chịu, đúng không cô?
Từ đó đến nay, anh buông xuôi, không phấn đấu nữa, tà tà vậy. Mà thời nay tà tà có khi lại bình an à cô. Con cái lớn lên còn cha còn mẹ bình an nhưng sâu xa cháu thấy một sự thất vọng ghê gớm với đàn ông và với hôn nhân đó cô. Cháu có sai không và nếu sai thì sai chỗ nào cô?
----------------------
Cháu thân mến!
Lá thư không dài nhưng cho thấy cháu là hậu duệ của Hoạn Thư à cháu. Này nhé, định vị chồng mà chồng không biết, bay ra ngoài đó và lần ra khách sạn nơi họ ngủ với nhau, nhưng trước đó bằng tài nghệ thám tử cháu đã biết cô ta là ai, tên gì, mới lấy chồng, làm gì...Eo ơi cháu.
Nói chung ghen là bản năng là thuộc tính của con người, đàn ông cũng như đàn bà. Nhưng, tằng tịu cơm và phở cũng là bản năng của trai gái, đực cái. Vì sao ông bà mình ngày trước sống ổn là vì đàn bà các thế hệ truyền nhau kinh nghiệm về sự hiểu.
Đàn ông như gậy ăn mày, đi và chọc, đàn bà như chỗ lùi, chồng có chớm chơ rồi họ cũng về với mái nhà với bữa cơm vợ nấu. Ngày xưa yên là vậy, cũng có lúc vợ cả vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả, thậm chí có người không con nên đi hỏi vợ nhỏ cho chồng...
Nay thì chắc chắn nữ quyền mạnh, cái tôi lớn, luật hôn nhân gia đình văn minh tiến bộ. Nhưng ở các nước được coi là giàu có tiến bộ, đàn ông vẫn cô này cô kia đầy ra đó thôi. Và ly dị, ly dị ngày mỗi nhiều. Sau ly dị là nỗi buồn cho các con, cho chính mình, rất lâu, có thể là mãi mãi.
Vậy thì không ly dị được không? Chả lẽ mỗi lần đạp cứt như ông bà nói là mỗi lần chặt chân. Thực ra sau mọi thứ, có lẽ còn lại là sự bàng hoàng sao mình không tránh được bãi cứt này?
Cô nghĩ cháu quá yêu nên ghen dữ. Không ai ghen dữ mà thừa nhận mình yêu ghê gớm cả. Vì thế cháu làm tổn thương chính mình quá thể. Chồng bị kỷ luật, cô kia tơi tả, cháu được gì?
Chồng như con thú bị thương, sẽ chừa nhưng chắc chắn danh phận, sự nghiệp và ý chí không còn nữa. Cháu đã hốt lên một cái xác ư, có đúng thế không? Gái khôn ghen giữ được tất cả, giữ được chồng và nhà chồng, sự kính trọng của các con với ba nó. Cháu quá quẫn, cháu ghê gớm nên có lẽ, cháu đã làm cho chồng sợ mình luôn.
Đành vậy, mỗi nhà một kiểu. Có lẽ không có lần thứ hai nữa nhưng mọi thứ như bát nước đã hắt đi, hốt lại thì bụi cát và rác rến. Đành thôi. Nhưng đời còn dài, biết đâu khi đã xế, đã già thì muối lại mặn gừng lại cay. Đừng quên dịu dàng và vun vén nhé.