Tại xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), gia đình bà Ngô Thị Hạnh đang phát triển mô hình cây sachi trên diện tích 2.000m2 vườn và có được thu nhập ổn định. Bà Hạnh cho biết, gia đình bắt đầu trồng sachi từ năm 2017.
Thời điểm đó, nắm bắt được thông tin cây sachi dễ trồng, giúp nông dân cải thiện nguồn thu nhập nên gia đình bà Hạnh đã tìm mua giống về trồng. "Hồi đó gia đình chuyển đổi 2.000m2 vườn cà phê già cỗi, kém hiệu quả qua trồng sachi. Cây hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên sau 6 tháng trồng đã cho thu hoạch", bà Hạnh chia sẻ.
Cũng theo bà Hạnh, cây sachi ít bị ảnh hưởng bởi sâu hại, dịch bệnh nên cách phòng trừ đơn giản. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, gia đình bà sử dụng nguồn phân chuồng để ủ và bón cho cây trồng. Hiện nay, cây sachi tại vườn của gia đình bà Hạnh ra hoa và đậu trái quanh năm.
"Tuổi thọ và thời gian kinh doanh cây sachi lên đến 15 năm, trong trường hợp chăm sóc tốt, cây cho kinh doanh đến 20 năm. Với diện tích 2.000m2, tuần nào gia đình cũng thu hoạch và bán sản phẩm cho đối tác. Đối với quả sachi khô, gia đình bán cho đối tác với giá 32.000 đồng/kg, hạt có giá hơn 60.000 đồng/kg. Ngoài 2 loại sản phẩm trên, gia đình tôi cũng bán lá tươi cho đơn vị thu mua với giá 10.000 đồng/kg tươi", bà Hạnh chia sẻ và cho biết thêm, với diện tích 2.000m2, mỗi năm gia đình bà có nguồn thu ổn định khoảng 50 triệu đồng.
Tại huyện Lâm Hà, Công ty TNHH Sachi Việt tổ chức liên kết với người dân trồng sachi. Mỗi năm, doanh nghiệp này thu mua trên 200 tấn nguyên liệu sachi để sản xuất các sản phẩm như: Cao sachi, kẹo bánh nhân sachi, sachi sấy các vị (vị tỏi ớt, sô-cô-la, cốt dừa, sầu riêng), dầu sachi ép lạnh nguyên chất, trà sachi…
Ông Dương Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Việt cho biết, do nguồn nguyên liệu đầu vào tại huyện Lâm Hà không đủ cho chế biến nên thời gian qua, doanh nghiệp này phải nhập sachi từ các tỉnh khác như Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Hòa Bình. "Hiện tại, chúng tôi đang hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật để người dân địa phương sản xuất sachi hiệu quả nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định để phục vụ chế biến", ông Cường chia sẻ.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà, cây sachi là loại cây leo, thân bán gỗ, thuộc họ thầu dầu. Loại cây này có nguồn gốc Nam Mỹ, khi trồng ở Lâm Hà cho quả quanh năm. Hiện nay, sachi đang được nhiều hộ dân trồng, phát triển tốt, lợi nhuận từ mô hình sachi được đánh giá cao hơn một số cây trồng truyền thống ở địa phương.
Đến nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà có khoảng 7ha sachi, trồng tập trung chủ yếu ở xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Nam Hà, Phi Tô. Việc phát triển cây sachi tại huyện Lâm Hà cũng thuận lợi khi có nhiều cơ sở thu mua, chế biến tổ chức liên kết với người dân.
Ông Lê Văn Thiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà cho hay, hiện nay, UBND huyện Lâm Hà đã phê duyệt kế hoạch xây dựng mô hình trồng cây sachi và giao cho Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà thực hiện tại xã Phú Sơn và Thị trấn Đinh Văn với tổng diện tích 5,5ha, tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Cũng theo ông Thiêm, ngày 15/7 vừa qua, UBND huyện Lâm Hà đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sachi, mắc ca với Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ du lịch - Xuất nhập khẩu Kim Thông có trụ sở ở Hà Nội.
Theo đó, dựa trên hợp đồng liên kết, Hợp tác xã sẽ thu mua toàn bộ các sản phẩm sachi, mắc ca cho các hợp tác xã, nông dân trên địa bàn huyện Lâm Hà. Cùng với đó, UBND huyện Lâm Hà tạo điều kiện để Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ du lịch - Xuất nhập khẩu Kim Thông tổ chức đầu tư, sản xuất trên địa bàn.
Theo ông Dương Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Việt, hạt sachi chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên được mệnh danh là "vua của các loại hạt". Trong hạt sachi có các loại axit béo không bão hòa, Omega 3, Omega 6, Omega 9. Hiện nay, các sản phẩm từ sachi được thị trường thế giới ưa chuộng. Các sản phẩm sachi của Công ty TNHH Sachi Việt hiện được xuất khẩu đi Hàn Quốc, Đài Loan.