| Hotline: 0983.970.780

Sóng ngầm với vợ vì bà chị 'cựu phu nhân' có 2 đứa con mất dạy

Thứ Sáu 17/07/2020 , 08:40 (GMT+7)

Không khi nào gặp tôi mà chúng biết chào hỏi thưa gửi, với tôi như thế là mất dạy. Vậy mà vợ tôi ép tôi đi thăm nhà bà chị ấy?

Thưa chị Dạ Hương!

Tôi làm trong ngành nông nghiệp, đọc NNVN và chị đã lâu. Nay đã về hưu và vẫn theo báo trên mạng. Đây là lá thư tâm sự đầu tiên của tôi, một gã đàn ông không đến nỗi vì chuyện của mình mà bêu ai trên báo, không hề.

Vì công việc, tôi vào Nam rất sớm và vợ tôi là một người trong này. Nam Bắc nếu có khác nhau thì cũng không nhiều, theo tôi, khẩu vị, cách xài tiền, cách ăn nói (không quan trọng, không khác biệt như Tây với ta).

Nhà vợ của tôi có quan chức, có nông dân, có người buôn bán vặt kiếm sống, thôi thì, cũng đủ kiểu như mọi gia tộc đông đúc, sinh đẻ thoải mái ở trong này do thiên nhiên dễ chịu và do quan niệm trước 1975 nữa.

Tôi và vợ đều là kỹ sư, các con theo con đường ăn học, có công có việc, có hiếu đạo lễ nghĩa. Hình như riêng nhà tôi thì yên, yên nhất.

Trong khi đó, nhà vợ tôi, quan chức lên voi rồi xuống chó, nông dân thì nợ nần mà bà con gọi vui là “viêm màng túi mãn tính”. Vợ tôi bứt rứt, tôi biết, cô ấy cũng có thu vén sau lưng tôi cho anh chị em của mình, biết nhưng vờ là không biết.

Gần đây, khi bà chị cả từng là phu nhân to của tỉnh ấy phải bán nhà đi ở thuê, vì sau khi góa thì con cái chị phá dữ, quen thói ăn không ngồi rồi. Vợ tôi than vắn thở dài đi thăm và muốn tôi “cũng phải biết đối xử”, nghĩa là cũng đi thăm.

Sao phải thế? Hai đứa con gái trai của chị ấy nào giờ có biết lễ nghĩa họ hàng là gì, sao tôi phải đi thăm chúng nó? Không khi nào gặp ở chỗ ngoại chúng dưới quê khi giỗ chạp mà chúng biết chào hỏi thưa gửi, với tôi như thế là mất dạy.

Tôi quan niệm anh chị em nhất thân nhất phận có đúng không khi tôi là rể của gia tộc người Nam này, thưa chị? Tôi có lỗi với người chị cựu phu nhân quan chức ấy không, thưa chị? Vợ bắt ép không được, giờ bắt đầu hay nói Bắc khác Nam khác, sao đang bình yên mà lại sóng gió ngầm thế, thưa chị?

--------------------

Bạn thân mến!

Tôi cũng là người Nam và lấy chồng Nghệ Tĩnh, có lẽ bạn cũng biết. Có khác không, khác nhiều không, khác đến mức không thỏa hiệp được không?

Bắc là đất gốc của mọi người Việt Nam. Nhờ rất đồng nhất mà dân tộc Việt phát triển và hùng mạnh.

Chúng ta ăn bún ăn xôi ăn nước mắm, ba miền đều gắn bó với những thứ đó để ẩm thực ta mang bản sắc Việt. Có khác tí ti là Bắc thì giỏi phở và các loại bún, Trung thì địa phương hóa chúng nhưng vẫn cốt lõi ấy ví như cháo lươn Nghệ Tình, bún hò Huế, bánh lá gai Bình Định, Nam bộ thì giao thoa với Hoa và Khmer nên có cơm tấm bì, bánh bao, bánh mì cà-ri…

Cách sống có khác chút, do thổ nhưỡng, Bắc mềm mại như nước sông Hồng, Trung gay gắt nắng gió, Nam phóng khoáng bao la ruộng rẫy. Vẫn đạo thờ ông bà, gia phong, cần cù, tiết kiệm.

Vấn đề mà nhà vợ bạn đang vướng là vấn đề của xã hội chứ không Bắc, không Nam gì cả. Bao nhiêu quan chức khi đang lên có coi bà con dòng họ là quý hay là cỏ rác?

Và nông dân mình, ở Nam thì lâm nạn nặng hơn do họ hay nhìn vào nhau để làm ăn lớn và lên bờ xuống ruộng nhiều lần, nợ nần chung thân.

Có những gia tộc mặc kệ, mạnh ai mấy bươn chải, có tù rạc cũng mặc. Cũng có những gia tộc ngược xuôi cứu nhau, níu nhau, chết lẻ hay chết chùm tính sau.

Tôi nghĩ vợ của bạn có lòng nhân, có tình ruột thịt lớn lao với những người thân của mình. Bằng chứng là sau lưng bạn, vợ của bạn có giúp đỡ nhiều cho anh chị em của cô ấy.

Riêng đối với người chị cựu phu nhân kia, tôi đồng ý với bạn. Sự mất dạy của những đứa con khiến chị ta mất nhà mất cửa đã làm cho bạn ngấy, bạn tràn đầy sự coi thường không riêng vì chị ấy (phàm người đàn ông trọng danh dự nào cũng khó chấp nhận gia đình quan chức sống kiểu ấy).

Bạn là em rể, ép bạn đi thăm, đã ép là có gượng gạo mà lý do bạn từ chối rất chính đáng về mặt xã hội của một trí thức về hưu.

Kệ đi bạn. Nhưng vợ nhân việc này mà bóng gió Bắc Nam và ly gián con cái với bố của chúng và gốc gác nhà nội chúng là vợ bạn đã đi quá trớn.

Bạn đã cùng vợ xây dựng gia đình yên nhất trong họ của cô ấy, sự thành công này không đáng ghi nhận hay sao?

Nếu vợ quá nữa, hãy đối thoại, hãy nói rõ, hãy nói hết, đừng vì chuyện bà chị ấy mất nhà và hai đứa con mất dạy của chị mà làm gia đình mình xào xáo nhé, em nhé, em nhớ đấy, không vì ai cả, chúng ta vì nhau, có lương tri, có lương tâm, là đủ, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.