Tuyên bố gây sốc về phân bò
Không rõ thực hư của các sáng chế mới “Made in India” có công năng đến đâu nhưng việc công bố các phát minh làm từ phân bò đã khiến cư dân mạng được một phen sửng sốt và cho đây là chuyện khôi hài. Thậm chí một số người còn bỡn cợt rằng, đó là những nỗ lực mù quáng của Ấn Độ nhằm quảng bá ngành công nghiệp điện tử của quốc gia Nam Á.
Mọi việc bắt nguồn từ tuyên bố ngắn gọn về sáng chế mới được ông Vallabhbhai Kathiria, người đứng đầu Ủy ban Chăn nuôi bò Ấn Độ đưa ra và không giải thích đầy đủ phương cách hoạt động của con chip làm từ phân bò.
Trong một bài phát biểu tại cuộc họp báo ở trong nước hồi đầu tuần trước, ông Kathiria chỉ cho biết, sản phẩm chip chống bức xạ làm từ phân bò được nghiên cứu vào năm 2019 và nó được cấy một cách đơn giản ở bên trong lớp vỏ bảo vệ của chiếc điện thoại di động để bảo vệ mọi người khỏi bị nhiễm bức xạ phát ra từ điện thoại.
"Phân bò có khả năng chống lại bức xạ một cách tuyệt đối. Nếu bạn sử dụng nó để trang bị cho ngôi nhà, nơi ở của bạn sẽ không hề bị nhiễm bức xạ... Tất cả những điều này đều đã được giới khoa học phê chuẩn", ông Kathiria nói.
Ngay sau khi nghiên cứu của Ấn Độ được công bố rộng rãi trên báo chí, cư dân mạng khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Quốc đã bàn tán rần rần và chia sẻ kèm với nhiều dòng bình luận vừa bày tỏ sự ngạc nhiên pha lẫn hoài nghi và coi đây chỉ là một nghiên cứu tào lao giải trí, kiểu như giải thưởng Ig Nobel.
Hàng loạt các hashtag có liên quan đến chủ đề "Ấn Độ phát minh ra chip phân bò" đã tràn ngập trên khắp các trang mạng xã hội có đông người sử dụng tại Trung Quốc như Sina Weibo, Douyin (Tik Tok), WeChat, và Tencent QQ. Phần lớn các cư dân mạng đều cho biết, họ không tin đây là một phát hiện khoa học nghiêm túc.
"Có ai đó hiểu lý thuyết hoạt động của 'con chip' và làm ơn có thể giải thích cho tôi hiểu được không? Bạn có chắc đây không phải là một trò đùa?", một cư dân mạng chia sẻ.
Một cư dân mạng khác thì liên hệ “tin tức nóng sốt này” với việc ra mắt của chiếc điện thoại đời mới nhất iPhone 12 kèm theo lời bông đùa: "Lý do tôi sẽ không mua chiếc iPhone 12 là do nó không có gắn chip phân bò để chống bức xạ".
"Tôi hoàn toàn có thể hiểu nhu cầu cấp thiết của bạn trong việc phát triển các sản phẩm độc đáo, khác biệt nhưng đề nghị hãy lý trí hơn đi. Tôi thấy nó chỉ có vẻ như một trò đùa", cư dân mạng có tài khoản “gua83” viết.
Không có gì là không thể
Một sản phẩm khác được các chuyên gia Ấn Độ giới thiệu, cho biết làm từ phân bò là đèn chiếu sáng. Thậm chí Ấn Độ còn lên hẳn một kế hoạch sản xuất hơn 330 triệu chiếc đèn làm từ phân bò để cạnh tranh với các loại đèn gia dụng phổ biến hiện nay của Trung Quốc và sản phẩm này sẽ được trình làng tại lễ hội ánh sáng Diwali vào ngày 14 tháng 11 tới.
Trước đó vào tháng 9, nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ đã đồng loạt đưa tin có khoảng 90% các loại đèn chiếu sáng bán ở Ấn Độ được sản xuất tại Trung Quốc.
Không chỉ tại Trung Quốc, một số cư dân mạng ở các nước cũng “dội một gáo nước lạnh” vào ý tưởng đèn phân bò và chip chống bức xạ gắn trên điện thoại của Ấn Độ, đồng thời bày tỏ sự băn khoăn rằng liệu các loại sản phẩm này có gây ô nhiễm không khí hoặc có hại cho sức khỏe con người hay không.
Bên lề giải thưởng Ig Nobel
Giải Ig Nobel là giải thưởng thường niên nhằm nhại lại giải Nobel và cũng được trao tặng vào dịp gần với thời gian mà giải Nobel chính thức được công bố cho 10 thành tựu mà "trước tiên phải làm cho con người cười và sau đó khiến họ phải suy nghĩ". Mục đích chính của giải thưởng là tạo ra bầu không khí vui vẻ nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học.
Năm nay giải thưởng Ig Nobel được tổ chức trực tuyến vì đại dịch Covid-19 với 10 hạng mục được trao cho những thành tựu đáng chú ý trong các lĩnh vực như vật lý, hòa bình, tâm lý học, và kinh tế… Thay vì người trúng giải được nhận chiếc huy chương danh giá của giải Nobel thì người chiến thắng giải Ig Nobel được trao một hình lập phương bằng giấy có biểu tượng Ig Nobel và kèm một tờ tiền mệnh giá 10.000 tỷ đôla Zimbabwe.
Giải thưởng Ig Nobel Hòa bình 2020 vinh danh chính phủ Ấn Độ và Pakistan vì đã để các nhà ngoại giao của hai nước bấm chuông cửa nhà nhau vào lúc nửa đêm và sau đó tháo chạy trước khi có người ra mở cửa. Trong khi đó, giải Ig Nobel Y học trao cho nhóm nghiên cứu về chứng rối loạn nhịp tim và lo âu khi nghe tiếng người khác nhai.