| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang xem nông nghiệp là bệ đỡ để phát triển kinh tế

Thứ Hai 07/02/2022 , 05:47 (GMT+7)

Tiền Giang Trước những khó khăn và thách thức đó, trong năm 2022 ngành nông nghiệp Tiền Giang đưa ra các mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.

Nông nghiệp tăng trưởng

Năm 2021 là năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự đồng thuận, chung sức vượt khó và sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân dưới sự hỗ trợ, định hướng của chính quyền các địa phương... nên ngành nông nghiệp Tiền Giang đã trở thành bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế tỉnh nhà, từng bước khắc phục, vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, ngành nông nghiệp Tiền Giang đã xác định rõ vai trò của ngành nên đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, bảo đảm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như thị trường trong bối cảnh còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tính đến cuối tháng 12/2021, sản lượng hầu hết các loại cây trồng, thủy sản đều vượt kế hoạch đề ra (lúa đạt 105,6%, rau màu đạt 104,7%, trái cây đạt trên 102% và thủy sản đạt trên 103%). Lợi nhuận của người dân trồng lúa trung bình khoảng 24 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 6,2 triệu đồng/ha/vụ so với năm 2020. Kết quả này có phần nguyên nhân do giá lúa hàng hóa tương đối cao, cơ cấu giống lúa của tỉnh đã có bổ sung một số giống lúa thơm mới với nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng, ít sâu bệnh.

Đặc biệt có một số giống mới được nông dân trong tỉnh áp dụng dụng trồng đều cho năng suất và chất lượng khá tốt, điển hình như: ST 24, OM 18, Hương Châu 6, OM 380... Cùng với những tiến bộ về giống, nông dân tỉnh nhà còn tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, kết quả cho năng suất lúa tăng cao, bình quân cả năm đạt từ 6,2 – 6,8 tấn/ha.

Nông dân Tiền Giang trồng thanh long VietGAP để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân Tiền Giang trồng thanh long VietGAP để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong năm 2021, Tiền Giang đã thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa hơn 7.517 ha, đạt 114,3% kế hoạch đề ra. Trong đó, chuyển sang trồng cây lâu năm 1.163 ha và chuyển sang cây màu 6.354 ha. Riêng với Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, kết quả toàn vùng Đề án đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi sang cây ăn quả và cây rau màu chuyên canh với diện tích trên 13.000 ha (trong đó thực hiện cắt vụ Thu Đông với diện tích trên 12.600 ha và chuyển từ lúa sang cây trồng khác trên 500 ha).

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết thêm: Trong thời gian tới tình hình dịch bệnh Covid-19 và các biến thể có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Thị trường tiêu thụ nông sản năm 2022 không tập trung cao vào 1 thị trường như Trung Quốc mà cần mở rộng thêm thị trường xuất khẩu sang nhiều nước, khu vực khác.

Hiện tại, sản phẩm trồng trọt nói chung còn vướng nhiều rào cản kỹ thuật của các nước về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu… nhất là trong điều kiện sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Bên cạnh đó tình hình hạn và xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến khó lường.

Thanh long là một trong những mặt hàng thế mạnh của Tiền Giang để phục xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thanh long là một trong những mặt hàng thế mạnh của Tiền Giang để phục xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước những khó khăn và thách thức đó, trong năm 2022 ngành nông nghiệp Tiền Giang đưa ra các mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Trước nhất, phấn đấu GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản  tăng từ 3-4%, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản của ngành. Trong năm có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiễu mẫu, 1 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Về thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất trong những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh.

Ngoài ra, ngành cũng tập trung cho các Đề án: “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025”; “Phát triển cây thanh long, cây sầu riêng đến năm 2025”; “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 của tỉnh”; “Chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ các nông sản chủ lực như: thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, chim cút, gà ác”...

Năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp Tiền Giang vẫn tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp Tiền Giang vẫn tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân áp dụng tiêu chuẩn GAP, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của từng vùng, thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi; triển khai thực hiện các mô hình trình diễn và dự án khuyến nông, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh, sản xuất đạt chứng nhận GAP, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất; chăn nuôi và nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Vinasoy khuyến cáo về hành vi giả mạo thương hiệu Fami

Vinasoy khuyến cáo đến người tiêu dùng về việc xuất hiện hành vi giả mạo thương hiệu Fami trên một số nền tảng trực tuyến.