| Hotline: 0983.970.780

Tìm cách gỡ khó cho tàu cá vỏ thép

Thứ Tư 18/05/2022 , 09:00 (GMT+7)

Nhiều chủ tàu cá vỏ thép đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 của Chính phủ ở Cà Mau đang gặp khó, không đủ khả năng trả nợ ngân hàng.

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có rất nhiều chính sách có lợi cho bà con ngư dân. Ảnh: Kim Anh

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có rất nhiều chính sách có lợi cho bà con ngư dân. Ảnh: Kim Anh

Theo Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá cho ngư dân, với mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, giúp ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày.

Những ngư dân được lựa chọn để nhận hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 là các chủ tàu cá có thâm niên trong nghề đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các chủ tàu cá này rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ, một số người trong số đó lâm vào cảnh trắng tay, thậm chí là bỏ của chạy lấy người.

Ghé thăm thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện của ông Dịp Hồng Kỳ. Ông Kỳ là một trong những ngư dân đầu tiên của tỉnh sở hữu tàu cá vỏ thép từ chính sách hỗ trợ của Nghị định 67, xòe đôi bàn tay của mình ra, ông nói “giờ đây tôi không còn gì ngoài hai bàn tay trắng”.

Theo ông Kỳ, Nghị định 67 có rất nhiều chính sách hỗ trợ có lợi cho bà con ngư dân, thế nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, sản phẩm thủy sản khai thác ngày càng sụt giảm.

Do hiệu quả khai thác không cao, lại phải gánh thêm chi phí nhân công, mỗi tháng lên đến cả trăm triệu đồng, tàu cá xuống cấp cũng không thể sửa chữa, vì vậy ông Kỳ không còn khả năng trả nợ, chiếc tàu vỏ thép đành phải bàn giao lại cho ngân hàng từ nhiều tháng trước.

“Hồi trước tôi có 2 con tàu, một chiếc tàu lớn được hỗ trợ theo Nghị định 67, một chiếc tàu nhỏ tôi đầu tư riêng. Do khai thác không hiệu quả, tôi phải bán luôn chiếc tàu nhỏ để có chi phí duy trì việc khai thác và trả nợ ngân hàng. Mình ở xứ biển không có vốn đâu làm gì khác được, bây giờ tôi thuê tàu để đi câu mực, tran trải sinh hoạt phí trong gia đình." Ông Kỳ ngậm ngùi chia sẻ.

Theo nhiều ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sản lượng đánh bắt thủy hải sản của địa phương vài năm trở lại đây sụt giảm mạnh. Ảnh: Kim Anh

Theo nhiều ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sản lượng đánh bắt thủy hải sản của địa phương vài năm trở lại đây sụt giảm mạnh. Ảnh: Kim Anh

Ông Dương Minh Nhật, ở thị trấn Sông Đốc, cách đây 6 năm đã nhận được hỗ trợ từ Nghị định 67 đóng mới tàu cá vỏ thép trị giá 9,8 tỷ đồng. Do giá cả thị trường bấp bênh, thời gian trước sau mỗi chuyến biển, doanh thu của những chủ tàu cá như ông nhận được khoảng 500 triệu đồng, trừ hết chi phí ông cũng thu lãi được từ 70 - 100 triệu đồng một chuyến biển, thế nhưng hiện nay chỉ huề vốn, thậm chí có thời điểm còn thua lỗ.

Ông Nhật tâm sự, chỉ tính riêng chi phí nhân công hiện nay đã tăng lên gần gấp đôi so với cách đây 3 năm. Nỗi lo lại đè nặng lên các ngư dân đang nhận hỗ trợ theo Nghị định 67 khi thời điểm trả nợ ngân hàng đang đến gần.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 34 tàu cá được đóng mới và nâng cấp theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng số tiền hỗ trợ vay vốn hơn 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 8 tàu cá trả nợ đúng hạn, còn lại hầu hết các chủ tàu cá khác đều gặp khó khăn, thậm chí có 4 tàu đã bị ngân hàng khởi kiện và bàn giao tài sản.

Riêng tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời có 26 phương tiện được đầu tư theo Nghị định trên, 3 phương tiện trong số đó đã bị phát mãi do chủ tàu cá vỏ thép không có điều kiện trả nợ.

Với góc độ chính quyền địa phương, ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc đề xuất các ngành ngân hàng nên xem xét kéo giãn thời gian trả nợ đối với những hộ được đầu tư theo Nghị định 67 hoặc cắt giảm số nợ từng đợt chủ tàu cá phải trả để tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện trả nợ cho tốt hơn.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.