| Hotline: 0983.970.780

Tình hình vi phạm lâm luật ở Đắk Lắk vẫn phức tạp

Thứ Năm 04/07/2024 , 13:45 (GMT+7)

Trong 6 tháng, Đắk Lắk phát hiện, xử lý 663 vụ vi phạm lâm luật; tịch thu 175,9 m3 gỗ, 60 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách hơn 930 triệu đồng.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tiếp tục được tăng cường. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo UBND các huyện, chủ rừng chủ động rà soát xác định xác định cụ thể những khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để triển khai phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại rừng trên địa bàn quản lý; qua đó, nhiều vụ vi phạm đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tuy nhiên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm Đắk Lắk đã xảy ra 663 vụ vi phạm lâm luật (tăng 49 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Cơ quan chức năng đã tịch thu 175,9m3 gỗ các loại, 60 phương tiện vi phạm, tổng các khoản thu 931 triệu đồng.

Diện tích rừng bị phá để lấy đất sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Ảnh: Quang Yên.

Diện tích rừng bị phá để lấy đất sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Ảnh: Quang Yên.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phức tạp, đặc biệt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra với nhiều vụ việc và diện tích rừng bị xâm hại lớn. Các địa phương "nóng" tình trạng này là Krông Bông, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Súp, M’Drắk.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, tình trạng vi phạm lâm luật vẫn diễn biến phức tạp, còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; trách nhiệm của một số chủ rừng và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chưa cao, tình trạng mất rừng vẫn diễn ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị chủ rừng không đủ lực lượng chuyên trách để bảo vệ rừng (một số công ty TNHH MTV Lâm nghiệp nợ lương kéo dài, một số lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã xin nghỉ việc...); kiểm lâm cơ sở ở một số nơi còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện; chính quyền các cấp thiếu sự kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên; nhiều diện tích rừng, đất rừng bị chặt phá, xâm canh, lấn chiếm trái phép nhưng chưa xử lý; chính sách hỗ trợ cho người được giao bảo vệ rừng còn hạn chế, bất cập...

“Đời sống của người dân sống gần rừng vẫn còn nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào rừng; tình hình dân di cư tự do vẫn tiếp tục tăng làm gia tăng tình trạng phá rừng làm nương rẫy, sang nhượng đất trái phép. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát quản lý, bảo vệ rừng của các dự án được giao rừng, cho thuê rừng chưa chặt chẽ, dẫn đến có tình trạng tài nguyên rừng bị mất, bị xâm hại nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mỏng, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao…”, ông Dương thông tin.

Lực lượng chức năng kiểm tra điểm phá rừng tại huyện Ea Súp. Ảnh: Quang Yên.

Lực lượng chức năng kiểm tra điểm phá rừng tại huyện Ea Súp. Ảnh: Quang Yên.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, đối với công tác phát triển rừng, trong 6 tháng địa phương đã trồng được 186/1.817 ha, đạt 10,2% (chưa bao gồm diện tích người dân tự trồng). Đối với công tác trồng cây phân tán, đến nay đã trồng được 9.045 cây.

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có 497.235 ha rừng (rừng tự nhiên 411.930 ha, rừng trồng 85.304 ha); diện tích đất chưa có rừng là 240.047 ha. Trong đó bao gồm cả 9.431 ha đất đã trồng chưa thành rừng (diện tích này không tham gia tính tỷ lệ che phủ rừng). Tỷ lệ che phủ rừng tại địa phương này đạt 38,04 %.

Đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đến ngày 26/6, cơ quan chức năng đã thu tiền dịch vụ môi trường rừng là trên 45 tỷ đồng, đạt 50% so với kế hoạch thu, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ quan chức năng đã chi 7,7 tỷ đồng đạt 8,6% so với kế hoạch chi, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngay từ đầu năm nhận định tình hình nắng nóng, hạn hán có thể xảy ra, Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng tổ chức tuyên truyền qua phương tiện truyền thanh, truyền hình các cấp; tổ chức phát thanh lưu động tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng với các tổ chức, cá nhân; Thực hiện tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp tại UBND cấp xã; họp thôn, buôn; ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ dân sống gần rừng; Tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng qua loa, đài truyền thanh địa phương.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia: 'Sắm' chứng chỉ rừng vì lợi ích dài lâu

BẮC GIANG Không dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền của các cơ quan nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với chủ rừng để 'sắm' chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Chính sách đồng quản lý phát huy hiệu quả trong phòng chống cháy rừng

Hậu Giang Thực hiện chính sách đồng quản lý giúp Hậu Giang hạn chế, kiểm soát được tình trạng người dân ra vào rừng trái phép, nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.