Mất sinh kế
Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được phản ánh của 73 hộ dân thôn Đạm Xuyên, phường Tiền Châu, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về việc bị thu hồi đất canh tác là sinh kế gần 20 năm qua không được đền bù đúng và đủ theo Quyết định số 06/2012 ngày 23/3/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Ban hành Quy định hỗ trợ đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh có đất nông nghiệp bị thu hồi từ ngày 01/01/2009 đến 31/12/2015.
Theo đó, người dân thôn Đạm Xuyên bị thu hồi đất canh tác để phục vụ Dự án Khu quy hoạch đất giãn dân, đất tái định cư, đất dịch vụ, đấu giá tại khu Đồng Cửa Đình, Đạm Xuyên, phường Tiền Châu, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch địa điểm ngày 26/8/2010 và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ngày 7/12/2010.
Ngày 5/8/2011, UBND thị xã Phúc Yên (nay là TP. Phúc Yên) đã triển khai các văn bản chỉ đạo và tiến hành công tác bồi thường, hỗ trợ Giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Hạnh đại diện cho các hộ dân cho biết: “Ngay từ đầu người dân đã không đồng thuận về việc thu hồi đất bởi khu Đồng Cửa Đình là sinh kế của bà con, bởi đây là khu vực đất có chất lượng tốt trồng lúa và hoa màu có năng suất cao của TP. Phúc Yên. Bà con trong thôn cũng chỉ biết trông vào mấy sào đất để làm ăn canh tác”.
Quá trình vận động, UBND phường Tiền Châu đã thông báo mức giá thu hồi trung bình là 86 triệu đồng/sào ruộng. Điều này đã vấp phải phản đối của người dân thôn Đạm Xuyên. Sau đó, quá trình vận động người dân được phổ biến ngoài mức bồi thường này những hộ đủ tiêu chuẩn sẽ được hỗ trợ thêm đất dịch vụ, nên mới đồng thuận.
Cụ thể, UBND TP. Phúc Yên đã căn cứ vào Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 60/2012 của UBND tỉnh có nêu đối tượng được hỗ trợ đất dịch vụ là “Hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi từ ngày 1/10/2009 đến ngày 31/12/2015”. Do dự án đã được phê duyệt từ năm 2010, các đơn vị liên quan đã phổ biến đến các hộ dân có diện tích đất thuộc dự án sẽ có tiêu chuẩn đất dịch vụ nếu chấp hành việc nhận bồi thường, bàn giao đất theo phương án đã phê duyệt trước ngày 31/12/2015.
Từ đó, UBND TP. Phúc Yên đã ban hành các Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gồm 4 đợt với 73 hộ có đất bị hồi. Vì vậy, đa phần người dân đã chấp hành quy định của Nhà nước và đã có 57/73 hộ nhận tiền bồi thường với mức giá trên.
Theo đó, Đợt 1 thu hồi đất ngày 10/9/2014 với 56 hộ và phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng ngày 22/9/2015. Với diện tích đất dịch vụ nếu được quy đổi khoảng 947m2.
Đợt 2 thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ngày 22/9/2015 với 7 hộ. Diện tích đất dịch vụ nếu được quy đổi 109m2.
Đợt 3 thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ngày 24/12/2015 với 7 hộ. Diện tích đất dịch vụ nếu được quy đổi khoảng 90m2.
Đợt 4 thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ngày ngày 01/8/2016 với 03 hộ. Diện tích đất dịch vụ nếu được quy đổi khoảng 60m2.
Thất hứa?
Sau thời gian dài chờ đợi chỉ thấy được nhận tiền mà vẫn không thấy được bồi thường đất dịch vụ, đến năm 2019 người dân bắt đầu phản ứng mạnh mẽ đòi quyền lợi, từ đó đã phát sinh nhiều bất cập dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong quần chúng nhân dân thôn Đạm Xuyên.
Nguyên nhân là bởi, trong quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với luật đất đai 2013, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 136 ngày 18/7/2014 với nội dung bãi bỏ việc hỗ trợ bằng đất cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Trong đó, những tồn tại về việc hỗ trợ bằng đất theo Nghị quyết số 30/2011 của HĐND tỉnh từ thời điểm 01/01/2009 đến hết ngày 30/6/2014 được giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai.
Từ đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 40/2014 về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 60/2012 về giải quyết đất dịch vụ, đất ở trong trong trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp; Sửa đổi nội dung thay mốc thời gian thực hiện từ 31/12/2015 bằng mốc 30/6/2014 (quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/9/2014). Như vậy, theo Quyết định này, người dân tại thôn Đạm Xuyên không được hưởng đất dịch vụ như đã hứa và chỉ được bồi thường bằng tiền với mức giá cũ đã khiến người dân vô cùng bức xúc.
Mặt khác, quá trình tìm hiểu, từ những năm 2003, nhiều người dân đã nộp sản, nộp tiền cho UBND phường Tiền Châu và kho bạc TP. Phúc Yên theo chủ trương cấp đất giãn dân, tái định cư của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất.
Theo bà Nguyễn Thị Sửu – thôn Đạm Xuyên, phường Tiền Châu, có khoảng 40 hộ đã nộp tiền. Sau đó, quá trình vận động thu hồi đất nông nghiệp tại khu vực Đồng Cửa Đình, người dân đều được phổ biến Dự án này bao gồm cả trả nợ đất giãn dân, tái định cư từ chủ trương trước đó. “Tên của Dự án là Khu đất giãn dân, dịch vụ, tái định cư và đấu giá QSDĐ khu Đồng Cửa Đình nên chúng tôi lại tiếp tục mòn mỏi chờ đợi, nay nhà nước lại thu hồi đất canh tác mà đất ở của chúng tôi cũng chưa thấy đâu và cảm thấy mất niềm tin”, bà Sửu chia sẻ.
Đến nay số đất sau khi thu hồi đã được UBND TP. Phúc Yên đưa ra đấu giá 19 lô đất với mức trúng đấu giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Đây là mức giá mà đối với người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không thể tiếp cận nổi. Điều này đã khiến những người đã nộp tiền từ năm 2003 vô cùng khó hiểu.
Trước sự phản ứng gay gắt của người dân, UBND TP. Phúc Yên ngày 30/9/2019 đã có văn bản số 1088 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất giao đất dịch vụ cho 73 hộ dân theo Quyết định số 06/2012. Bởi, đối với 56 hộ bị thu hồi đất đợt 1 quyết định thu hồi đất từ 10/9/2014, trước Quyết định số 40/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc có hiệu lực từ ngày 16/9/2019. Đối với 17 hộ còn lại cũng có cơ sở để hưởng đất dịch vụ do đây là cùng một dự án, dự án đã được phê duyệt và triển khai từ 2010 việc thu hồi đất nhiều đợt do cơ quan nhà nước và các hộ đều nhận được mức bồi thường hỗ trợ GPMB như nhau.
Tuy nhiên, ngày 15/10/2019, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 2740 bác bỏ quan điểm của UBND TP. Phúc Yên với nội dung căn cứ vào Điểm a, Khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 40/2014 của UBND tỉnh thì các quyết định thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ 1, từ ngày 1/7/2014 trở về sau trên địa bàn Vĩnh Phúc sẽ không còn được hỗ trợ đất dịch vụ.
Như vậy, việc áp dụng cứng nhắc các quy định của pháp luật đang khiến sự việc tưởng chừng như đơn giản lại trở nên phức tạp khi không nhận được đồng thuận từ phía người dân gây khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến công tác GPMB để phục vụ phát triển Kinh tế, Xã hội sau này.