Dọn đường
Ngày 27/3/2019, TP. HCM ra quyết định thành lập Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (tên giao dịch là HIMC). Đây là đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, chịu sự quản lý và lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của GĐ Sở Xây dựng.
Chức năng của HIMC là thay mặt UBND TP. HCM làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý vận hành, bảo trì toàn bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát triều, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, xử lý bùn thải trên địa bàn thành phố và việc khai thác, duy tu, bảo trì các công trình về chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị.
Việc thành lập HIMC là sự khởi đầu cho một kế hoạch rót hàng ngàn tỉ đồng chi phí chống ngập thường xuyên của TP. HCM thông qua trung tâm này. Cụ thể, chưa đầy 1 năm sau, ngày 10/01/2020, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM kí văn bản số 106 giao Sở Xây dựng chỉ đạo HIMC triển khai đấu thầu công tác quản lý, chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thoát nước đô thị.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP. HCM, HIMC trở thành chủ đầu tư của hàng loạt gói thầu duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước trị giá trên 3000 tỉ đồng.
Dự án được phân bổ thành 8 gói thầu. Các gói thầu tư vấn có giá trị nhỏ được chủ đầu tư chỉ định thầu. Các gói thầu có giá trị nghìn tỷ được tổ chức đấu thầu trực tiếp, rộng rãi trong nước, một giai đoạn hai túi hồ sơ (không qua đấu thầu trên hệ thống Mạng đấu thầu Quốc gia).
Trong đó gói thầu Quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố (lưu vực Bắc thành phố, Đông thành phố, Bắc Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Nam Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Nam Tham Lương) có giá trị 1.457.620.327.811 đồng (sau đây gọi tắt là Gói thầu số 5).
Gói thầu Quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố (lưu vực Nam thành phố, Tây thành phố, Bến Nghé- Quận 4, Bắc Tàu Hũ, Tân Hóa- Lò Gốm) có giá trị gói thầu là 1.496.037.262.686 đồng (sau đây gọi tắt là Gói thầu số 6).
Gói thầu Quản lý vận hành các trạm kiểm soát triều, trạm bơm chống ngập có giá gói thầu trên 238,724 tỷ đồng (sau đây gọi tắt là Gói thầu số 8).
Sẽ chẳng có gì để nói nếu như tất cả các gói thầu nói trên được tổ chức đấu thầu rộng rãi trên mạng và Nhà thầu trúng thầu không phải là doanh nghiệp vốn chủ sở hữu chi phối của UBND TP. HCM.
Cất vó!
Theo tìm hiểu của Nông nghiệp Việt Nam, ngày 30/3/2020 ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc HIMC ký các QĐ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho các Gói thầu số 5, Gói thầu số 6, Gói thầu số 8 nêu trên.
Chỉ có một doanh nghiệp trúng thầu là Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM trúng thầu với giá trị trúng thầu của 03 gói thầu là hơn 3.000 tỷ đồng.
Giá trúng thầu ở Gói thầu số 6 là 1.446.963.193.214 đồng. Sau đấu thầu giảm được khoảng 50 tỷ đồng cho đầu tư ngân sách. Đây là con số giảm giá èo uột cho gói thầu trị giá 1.496.037.262.686 đồng
Ở Gói thầu số 5 tình trạng cũng tương tự. Theo QĐ số 192/QĐ- TTHT, ngày 30/3/2020 của HIMC về việc phê duyệt kế quả lựa chọn nhà thầu thì Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM trúng thầu với giá 1.408.879.095.236 đồng/giá mời thầu là 1.457.620.327.811 đồng.
Ở Gói thầu số 8, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM được phê duyệt trúng thầu với giá 221.184.253.444 đồng/ giá mời thầu là 238,724 tỷ đồng.
Cần lưu ý, nhà thầu Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM lại là doanh nghiệp vốn chủ sở hữu chi phối của UBND TP. HCM.
Trong khi Luật Đấu thầu, tại Điều 6 về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu quy định rõ: Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với Chủ đầu tư, bên mời thầu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu.
Việc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM liên tục trúng các gói thầu trị giá hàng ngàn tỉ đồng khiến dấy lên mối lo ngại về khả năng đảm bảo tính khách quan trong thực hiện đấu thầu.
Bởi lẽ, TP. HCM rót hàng ngàn tỉ đồng ngân sách chống ngập cho HIMC làm chủ đầu tư. Rồi Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM - một doanh nghiệp vốn chủ sở hữu của TPHCM lại trúng toàn bộ các “gói thầu”. Như vậy, thì chẳng khác nào TP. HCM đang chuyển tiền từ “túi phải” sang “túi trái”.