| Hotline: 0983.970.780

Tranh chấp giữa Unifarm Bình Dương và HTX Anh Đào: Trả lại toàn bộ vốn góp

Thứ Bảy 12/06/2021 , 16:41 (GMT+7)

Mới đây, ông Nguyễn Công Thừa (đại diện Công ty CP Rau Anh Đào) đã trả lại toàn bộ số tiền 39,2 tỷ đồng.

Trụ sở Anh Đào Vegetable co-op.

Trụ sở Anh Đào Vegetable co-op.

Cú hợp tác bất thành

Cuối năm 2017, ông Nguyễn Công Thừa  với ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp Unifarm (Bình Dương) cùng hợp tác.

Theo ông Thừa (năm 2017) HTX Anh Đào có gần 38ha trang trại thuê trồng rau tại huyện Lạc Dương, bản quyền sở hữu trí tuệ, lao động và hợp đồng cung ứng với các đối tác… tổng giá trị tài sản tương đương 70 tỷ đồng.

Ông Thừa đề nghị Unifarm hợp tác với HTX Anh Đào góp vốn thành lập Công ty CP Rau Anh Đào. Sau khi thành lập, sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ HTX Anh Đào cho Công ty Anh Đào để công ty đầu tư sản xuất rau sạch chất lượng cao cung cấp ra thị trường với quy mô lớn.

Ngày 8/1/2018, các thành viên góp vốn đã có cuộc họp thỏa thuận nguyên tắc hợp tác thành lập Công ty CP Rau Anh Đào. Theo đó, phía Unifarm góp 51% (tương đương 35,7 tỷ đồng), vợ chồng ông Thừa góp 30% (tương đương 21 tỷ đồng), còn lại của một số cá nhân khác.

Tháng 2/2018, Công ty CP Rau Anh Đào được thành lập. Ông Phạm Quốc Liêm được bầu làm Chủ tịch HĐQT, còn ông Nguyễn Công Thừa làm Tổng giám đốc.

Tài khoản Công ty Anh Đào được ủy quyền cho ông Thừa để thực hiện giao dịch với ngân hàng. Theo thỏa thuận hợp tác ngày 8/1/2018, từ tháng 1 đến tháng 7/2018, Unifarm đã chuyển đủ 35,7 tỷ đồng góp vốn. Gồm 20 tỷ đồng đặt cọc chuyển vào tài khoản của HTX Anh Đào theo chỉ đạo của ông Thừa (số tiền này sau khi Công ty Anh Đào hoàn tất thủ tục thành lập, sẽ chuyển lại vào tài khoản Công ty Anh Đào) và 15,7 tỷ đồng chuyển vào tài khoản Công ty Anh Đào để làm thủ tục mua lại HTX Anh Đào.

Cổ đông Nguyễn Công Trí (cũng là một người của Unifarm) góp đủ 3,5 tỷ đồng. Tổng cộng số vốn góp từ các đối tác Unifarm là 39,2 tỷ đồng.

Về phía ông Thừa, từ ngày 17 đến 25/5/2018 tài khoản của Công ty Anh Đào ghi nhận vợ chồng ông Thừa đã chuyển khoản 5 lần, tổng cộng 20 tỷ đồng. Các cổ đông khác cũng đã góp đủ vốn như thỏa thuận.

Trong thời gian làm Tổng giám đốc Công ty Anh Đào, ông Thừa nêu lý do thủ tục chuyển nhượng chưa xong, nên xin HĐQT Công ty Anh Đào cho HTX tiếp tục hạch toán kinh doanh. Trong cuộc họp HĐQT ngày 22/10/2018, ông Thừa cam kết năm 2018, doanh thu của HTX Anh Đào sẽ là 80 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 10 tỷ đồng, sẽ chia đều cho các cổ đông.

HĐQT đồng ý, đồng thời bầu ông Thừa làm Chủ tịch HĐQT Công ty Anh Đào thay ông Phạm Quốc Liêm, giao trách nhiệm cho ông Thừa “thực hiện các bước để chuyển giao HTX Anh Đào sang cho Công ty Anh Đào điều hành bắt đầu từ 1/1/2019”.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, ông Thừa vẫn chưa “thực hiện các bước” như cam kết. Đồng thời, kiểm tra tài khoản của Công Anh Đào và tài khoản HTX Anh Đào, các cổ đông phát hiện toàn bộ số vốn góp 39,2 tỷ đồng đã “không cánh mà bay”.

Kết quả kiểm toán và tài liệu sao kê tài khoản tại ngân hàng cho thấy, vợ chồng ông Thừa đã 5 lần chuyển tiền vào tài khoản Công ty Anh Đào tổng số tiền 20 tỷ đồng.

Trên thực tế, đây là tiền góp vốn của các cổ đông vừa nộp vào, ông Thừa chỉ đạo kế toán rút ra rồi nộp lại, nhằm chứng minh đã “hoàn thành nghĩa vụ góp vốn” với cổ đông.

Xe vận chuyển nông sản của HTX DV Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào.

Xe vận chuyển nông sản của HTX DV Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào.

Trả lại toàn bộ tiền vốn góp

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty Unifarm, cổ đông lớn nhất của Công ty Anh Đào, nói: “Ông ấy (Nguyễn Công Thừa - PV) giấu đi những văn bản liên quan vụ việc như biên bản cam kết trả tiền, biên bản họp HĐQT… Văn bản nào cũng thể hiện rất rõ quá trình góp vốn của các cổ đông. Lần cuối cùng Unifarm chuyển tiền góp vốn là ngày 20/7/2018, tức là sau 6 tháng thành lập công ty. Việc chuyển vốn này không chỉ thể hiện trong các biên bản họp HĐQT, mà còn chứng từ ở ngân hàng”.

Theo ông Liêm, sau khi phát hiện toàn bộ tiền góp vốn bị ông Thừa rút sạch, HĐQT Unifarm họp, yêu cầu ông Thừa trả lại toàn bộ số tiền 39,2 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Đồng thời Unifarm xin rút vốn khỏi Công ty CP Anh Đào.

Tại cuộc họp này, ông Thừa thừa nhận đã tự ý rút tiền sử dụng cá nhân. Ngày 6/1/2019, ông Thừa làm cam kết sẽ trả lại toàn bộ số tiền chậm nhất là ngày 31/01/2019. Vậy nhưng, phải hơn 2 năm sau, tức đến tháng 4/2021, ông Thừa mới trả lại tiền cho Công ty Anh Đào để chuyển trả cho các cổ đông khi vụ việc đang được cơ quan cảnh sát điều tra - công an Lâm Đồng thụ lý.

Tính đến thời điểm xảy ra vụ việc, Công ty CP rau Anh Đào mới thành lập được hơn 1 năm, HTX Anh Đào chưa chuyển giao bất kỳ thứ gì cho Công ty Anh Đào, từ vật chất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đối tác.

Sau khi nhận đơn tố cáo ông Thừa từ Unifarm, cơ quan điều tra công an tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thụ lý vụ án vì cho rằng “có dấu hiệu hình sự”.

Ông Nguyễn Công Thừa sau đó đã chủ động xin gặp ông Phạm Quốc Liêm để thương lượng. Theo nội dung thỏa thuận tại cơ quan công an, ông Thừa đồng ý trả lại toàn bộ số tiền 39,2 tỷ đồng của Unifarm và các cổ đông đã góp vào Công ty Anh Đào, đồng thời trả cả phần lãi suất ngân hàng từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2021 đối với số tiền 39,2 tỷ đồng này.

Ngày 22/4/2021, tài khoản Công ty Cổ phần rau Anh Đào đã nhận được số tiền 39,2 tỷ đồng tiền vốn góp do ông Thừa chuyển lại để Công ty Anh Đào trả cho các cổ đông. Đây là số tiền ông Thừa trả lại để khắc phục hành vi tự ý rút và sử dụng cá nhân.

Đến ngày 11/5, các cổ đông Công ty Anh Đào cũng nhận được toàn bộ tiền lãi ngân hàng đối với số tiền góp 39,2 tỷ đồng. Ngày 21/5 vừa qua, tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng, giữa ông Phạm Quốc Liêm, đại diện Công ty Unifarm và ông Nguyễn Công Thừa đã có bản thỏa thuận kết thúc vụ tranh chấp.

Theo đó, sau khi các cổ đông đã nhận lại toàn bộ số tiền vốn góp, ông Phạm Quốc Liêm đã cam kết rút đơn tố cáo đối với ông Nguyễn Công Thừa.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.