| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Trà Leng: Thương nhớ làng cũ

Thứ Hai 25/01/2021 , 15:34 (GMT+7)

Nỗi đau vẫn còn day dứt, ám ảnh hiển hiện trong tâm thức của những người còn sót lại.

Ám ảnh không nguôi

Con đường vào xã Trà leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn nham nhở bùn đất. Gió lùa tứ phía khiến cho cái rét càng thêm đậm. Phía bên kia, dòng sông Leng đã không còn cuồn cuộn gào thét mà đã trở lại một màu xanh ngắt, êm đềm chảy về xuôi. Gần 3 tháng kể từ ngày núi lở, nóc ông Đề ngày nào bây giờ vẫn còn ngổn ngang đất đá.

Nóc ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) - nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng nay vẫn còn rất ngổn ngang. Ảnh: L.K.

Nóc ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) - nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng nay vẫn còn rất ngổn ngang. Ảnh: L.K.

Giữa điểm làng cũ, một bàn thờ vọng được dựng lên để tưởng nhớ những người đã không may mắn ra đi về cõi vĩnh hằng trong cái ngày định mệnh. Những ai đi qua đây cũng không quên dừng chân thắp nén hương an ủi cho những phận đời xấu số. Cách đó không xa, lực lượng chức năng vẫn đang cố gắng tìm kiếm những người còn mất tích, dù hi vọng đã không còn nhiều.

Từ khi thảm họa xảy ra, ngày nào, già Hồ Văn Đề (77 tuổi) vẫn đi bộ ra đây, hướng mắt về phía dòng sông Leng, chờ đợi một phép màu. Ông mất đến 8 người thân trong trận lở núi, trong đó mới chỉ tìm được 3 người con. Người đàn ông 77 tuổi này dường như vẫn đau đáu với nỗi đau mất làng, mất người thân, thi thoảng lại tự trách mình.

Làng được lập ra, mang tên ông Đề từ năm 1998 với vài nóc nhà là các con tách hộ. Dần dà, nóc đông thêm bởi những người dân nhận thấy vị trí thuận lợi rồi kéo nhau đến dựng nhà. Hôm sạt xảy ra vụ sạt lở, hầu hết người làng đều ở nhà để tránh bão nên thiệt hại về người rất lớn.

“Lúc lập làng, bố có bao giờ nghĩ sẽ có ngày hôm nay đâu. Đây vốn dĩ là nơi yên bình, chưa bao giờ xảy ra sạt lở, dù là nhỏ nhất. Vậy mà hôm nay núi bị chẻ đôi, cuốn trôi mọi thứ. Biết thế này, bố đâu có chọn nơi đây để cho con cháu mình ở”, già Đề nói, như để thanh minh.

Làng cũ trước đây vốn là nơi mà những người “buôn gánh” ở xuôi dừng chân để giao thương, buôn bán. Giữa làng là con suối nhỏ, quanh năm chảy hiền hòa nên những lái buôn này dừng lại nghỉ ngơi và trao đổi hàng hóa. Thương lái người Tàu cũng dừng lại đây lập lán trại, để mang trâu, bò, mắm muối, đường đen, dao rựa… đổi lấy quế Trà My mang về xuôi. Chẳng thể ngờ một ngày con suối trở thành sông, cuốn phăng mọi thứ.

Nỗi đau, phần nào đã nguôi ngoai. Nhưng ám ảnh thì vẫn còn hiển hiện trong tâm thức của những người còn sót lại. Nơi ở tạm của 15 hộ mất nhà trong đợt sạt lở vừa rồi là điểm trường mầm non ở cách ngôi làng bị cuốn trôi chừng 1km. Chừng 30 người tạm tá túc, lay lắt qua ngày.

Gió lùa tứ phía hắt cái lạnh tỏa ra từ phía đá núi khiến những người ở trong co vào một góc. Đứa trẻ lên 4 là Hồ Huệ Mịn vẫn loay hoay với chiếc xe đồ chơi trên tay. Nó chưa ý thức được mất mát của bản thân và cả gia đình nó. Hàng ngày, Hồ Văn Đông (32 tuổi, bố Mịn) gửi vội Mịn cho hàng xóm rồi chạy ra phía lực lượng đang tìm kiếm ngồi ngóng về phía xa.

Nhà cửa bị vùi lấp, hiện người dân nóc ông Đề đang ở trong các nhà tạm chờ xây xong nơi ở mới. Ảnh: L.K.

Nhà cửa bị vùi lấp, hiện người dân nóc ông Đề đang ở trong các nhà tạm chờ xây xong nơi ở mới. Ảnh: L.K.

Vợ của Đông là Hồ Thị Hen - một trong số 13 người bị mất tích nhưng chưa được tìm thấy. Từ khi mất đi người vợ cùng chung chăn gối, Đông trở nên lầm lụi, ít nói. Hỏi gì Đông cũng chỉ ậm ừ rồi quay đi chỗ khác, giấu đi đôi mắt đỏ hoe chực chờ rơi lệ. Bởi, biến cố quá lớn ập đến với gia đình khi tuổi đời còn trẻ thường khiến cho người ta trở nên chông chênh, trầm lặng.

Gió, vẫn chạy thênh thang không chỗ trú chân hắt cái lạnh vào sâu những căn nhà tạm. Chị Hồ Thị Tiểu (21 tuổi) ôm đứa con nhỏ mới hơn 2 tháng tuổi vào sâu trong lòng để sưởi ấm. Ngày chị sinh được 2 ngày thì làng bị xóa sổ.

Con sông Leng cuồn cuộn một màu nước đục ngàu, tràn vào bờ cuốn trôi mọi thứ. Nhà chị Tiểu cũng không thoát khỏi số phận. Rồi dựng lều, lay lắt sống qua ngày chờ về làng mới. Cũng may, từ ngày đó đến nay, nhiều đoàn từ thiện tìm đến hỏi thăm, trao qua phần nào không để người mẹ trẻ như chị và người trong làng phải chịu cảnh đói rét giữa những ngày đông giá lạnh.

Hi vọng về một cuộc sống mới

Có lẽ, nỗi đau quá lớn khiến những người ở đây co mình lại với tất cả. Chỉ một tiếng rục rịch của đất cũng đủ để họ thu mình lại vào góc. Toàn xã, chẳng còn chỗ nào an toàn để bố trí tái định cư cho những hộ dân mất nhà. Phải qua đến địa phận xã Trà Dơn mới tìm được mặt bằng. Nhưng, nỗi sợ của họ vẫn chưa dứt…

Ngày 22/12/2020 sẽ là ngày đáng nhớ đối với nhiều gia đình khi địa phương tổ chức lễ động thổ khởi công khu tái định cư tại thôn 2 (xã Trà Dơn). Hơn 2 tháng sau thảm nạn, tỉnh Quảng Nam đã căng mình để tìm cho được vị trí an toàn nhằm xây dựng làng mới cho người dân an cư.

Một bàn thờ vọng được lập nên ở ngay trên làng cũ để tưởng nhớ những người đã mất trong vụ sạt lở. Ảnh: L.K.

Một bàn thờ vọng được lập nên ở ngay trên làng cũ để tưởng nhớ những người đã mất trong vụ sạt lở. Ảnh: L.K.

Anh Nguyễn Thanh Sơn (48 tuổi) rất mừng khi nghe tin được bố trí lại ngôi nhà mới. Nhưng vẫn còn đâu đó nỗi lo về sạt lở lại hiển hiện trước mắt họ. “Khu tái định cư địa thế bằng phẳng, đẹp, nhưng có một con suối lớn chạy ven làng đó. Nếu một ngày, như đợt vừa rồi, suối biến thành sông thì liệu làng mới có còn an toàn hay không?”, anh Sơn lo lắng.

Đó cũng là nỗi lo chung của những người dân Trà Leng phải trải qua nỗi đau mất nhà, mất cửa, mất người thân. Khái niệm tựa lưng vào núi, trước mặt là sông mà trước đây là yếu tố ưu tiên để người dân dựng làng bây giờ đã trở thành nỗi ám ảnh. Sự biến thiên cực đoan của thiên nhiên đã biến những kinh nghiệm xưa cũ trở thành lỗi thời.

Hiểu được những ám ảnh của người dân, chính quyền địa phương đã ra sức khảo sát các vị trí để dựng làng mới. Thế nhưng, qua khảo sát 3 địa điểm thì có nơi có mặt bằng thuận lợi lại không có nguồn nước. Có nơi có nguồn nước thì lại gần các con suối tiềm ẩn nguy cơ lũ quét.

“Cân nhắc mãi các ngành phối hợp mới chọn vị trí tại thôn 2, xã Trà Dơn để xây dựng làng mới cho 51 hộ dân. Trong đó, có 44 hộ dân đã mất hết nhà cửa và 7 hộ dân mất khoảng 70% nhà. Nóc Ông Đề (thôn 1) và nóc Tăk Pát (thôn 2) sẽ được bố trí nhà ở tại nơi này”, ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết.

Theo ông Cường, để tìm được một địa điểm tuyệt đối an toàn thì rất khó, bởi địa hình ở Trà Leng vốn dĩ rất phức tạp. Nơi khu tái định cư mới được chọn được đánh giá là an toàn nhất trong số những điểm đã khảo sát. Các hạn chế sẽ dần được khắc phục.

Chẳng hạn, khu vực eo sông Leng uốn lượn qua làng mới khiến nhiều người lo sợ xảy ra thảm họa tương tự sẽ được nghiên cứu làm kè kiên cố. Trong thời gian tới, sau khi ổn định nơi ở cho bà con, ngành chức năng sẽ tính đến việc san phẳng quả đồi bên cạnh để tránh nguy cơ sạt lở. Phần đất này sẽ được đổ ra phía mép sông để lấy thêm quỹ đất công cộng.

Những ngày cuối năm, nắng đã bắt đầu xuất hiện sau thời gian ẩn mình. Những móng nhà ở khu tái định cư đang được dựng lên, trở thành hình hài. Niềm hi vọng về một ngôi làng mới đang được nhen nhóm...

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất