| Hotline: 0983.970.780

Trồng 'cây tỷ đô' được bảo hiểm 100%

Thứ Sáu 03/04/2015 , 10:02 (GMT+7)

"Người dân trồng mắc ca sẽ được cho vay mua giống, cho vay cả công chăm sóc, thiết bị canh tác, tưới tiêu và tất cả đều được bảo hiểm hết" - ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Cty CP Him Lam, kiêm Chủ tịch HĐQT LienVietPost Bank khẳng định. /Tham vọng 'gói 100.000 tỷ' trồng mắc ca

Trao đổi với NNVN, ông Dương Công Minh (ảnh) - Chủ tịch HĐQT Cty CP Him Lam, kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank), khẳng định: “Tôi xuất thân từ nông thôn, con nông dân, nên tôi hiểu nỗi cơ cực, vất vả của họ. Vì thế, tất cả nông dân trồng mắc ca tại Tây Nguyên làm theo dự án sẽ được bảo hiểm toàn bộ”.

14-11-14_ong-duong-cong-minh

Lập ngay công ty bảo hiểm mắc ca

Ông được biết đến là một doanh nhân bất động sản tầm cỡ ở Việt Nam, nhưng tại sao ông lại tự tin đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng mới như mắc ca với số vốn dự kiến lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng? Liệu đầu tư “tay ngang” như vậy có rủi ro không?

Ông Dương Công Minh: Trước khi làm bất động sản, tôi đã từng làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây, cà phê nên khá am hiểu về kinh doanh nông sản. Tôi cũng xuất thân từ nông thôn, con của nông dân (quê Bắc Ninh).

Những người nông dân là tầng lớp khó khăn, vất vả nhất. Qua nghiên cứu về cây mắc ca chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội để giúp nông dân không những giảm nghèo mà còn có thể làm giàu. Vì thế, dự án này là thực hiện ý nguyện để giúp đồng bào Tây Nguyên.

Nó vừa là chương trình phát triển kinh tế, đồng thời là chương trình kinh doanh của ngân hàng, cũng vừa là chương trình an sinh xã hội mà Him Lam và LienVietPost Bank sẽ làm bằng được.

Những nông dân có dự định trồng mắc ca lo lắng rằng: Giả sử sau 5 năm trồng nhưng hiệu quả không cao, họ lại phải lo trả nợ tiền vay ngân hàng. Ông sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?

Ông Dương Công Minh: Đây chính là mấu chốt quan trọng nhất của vấn đề. Về điều này, tôi khẳng định: Nông dân trồng mắc ca theo đúng dự án sẽ không mất gì cả. Tại sao?

Bởi họ trồng thì chúng tôi cho vay mua giống mắc ca, cho vay cả công chăm sóc, thiết bị canh tác, tưới tiêu và tất cả đều được bảo hiểm hết, nông dân không mất bất cứ cái gì.

Chúng tôi cũng xác định đây là vốn trung, dài hạn, lãi ân hạn theo chương trình 5 năm, người vay vốn không phải trả lãi ngay mà đến khi có thu hoạch mới phải trả.

Đặt trường hợp cây mắc ca trồng không hiệu quả như tính toán thì Công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả toàn bộ (Công ty bảo hiểm do Him Lam là cổ đông chủ chốt).

Quan điểm của chúng tôi là trồng xen mắc ca với cà phê, chè nhằm mục tiêu: Nông dân vẫn có thu nhập ổn định, đồng thời phát triển mắc ca nhưng cũng không làm mất vị trí của cà phê và chè trong cơ cấu nông nghiệp.

Trong mọi trường hợp xảy ra, người nông dân sẽ không bị thiệt và tôi tin chắc nông dân chỉ có lợi vì dự án sẽ thành công.

Quy hoạch giống phải ưu tiên hàng đầu

Ông đang chỉ đạo đầu tư hình thành các vườn ươm giống mắc ca rất lớn nhằm cung cấp cho nông dân Tây Nguyên. Tiến độ thực hiện các vườn ươm giờ đến đâu rồi?

Ông Dương Công Minh: Tôi cho rằng, việc quan trọng hàng đầu hiện nay là Bộ NN-PTNT phải thực hiện ngay vấn đề quy hoạch giống, để tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây mắc ca sau này.

Tiếp theo đó là các quy hoạch khác như: Trồng ở đâu? Trồng bao nhiêu? Trồng những giống nào?

Bên Him Lam đã chủ động thuê một đơn vị trên Lâm Đồng thực hiện việc khảo sát rất chi tiết, không phải quy hoạch thống kê chung chung như cách làm hồi xưa mà sẽ xác định rất cụ thể: Nông dân nào, ở đâu, tên gì, trồng bao nhiêu cây mắc ca, bằng giống gì, bao nhiêu năm và hiện giờ có trái chưa, gặp những khó khăn gì?

Từ đó chúng tôi sẽ kiểm soát tất cả các vùng trồng cũng như sản lượng. Đồng thời mình biết ở vùng nào trồng được, giống gì sẽ thành công, sau đó triển khai dự án thì rủi ro sẽ thấp.

Him Lam khảo sát vô cùng chi tiết như vậy bởi nó liên quan đến đồng vốn chúng tôi bỏ ra.

Chúng tôi cũng đã thành lập Viện nghiên cứu mắc ca Him Lam đặt ở Lâm Đồng. Hiện trụ sở Viện đã có rồi, hai vườn ươm tập trung ở huyện Đức Trọng, Bảo Lộc và hai vườn ươm liên kết cũng đang thành lập.

Cây ươm tại đây cơ bản là các giống đã được khảo nghiệm và được công nhận tại Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với Viện nghiên cứu giống ở Ba Vì (Hà Nội) để thiết lập đầu mối làm việc với Bộ NN-PTNT về vấn đề quy hoạch giống.


Người dân trồng mắc ca sẽ được hỗ trợ mọi khâu (Ảnh minh họa)

Các giống nhập về cũng phải được phép và nằm trong bộ giống đã được Bộ NN-PTNT khảo nghiệm tại Việt Nam. Theo tiến độ, sớm nhất cũng phải mùa mưa năm 2016 mới có giống của Him Lam triển khai trồng đợt đầu tại Tây Nguyên.

Ông nói, giống mắc ca sẽ quyết định thành bại sau này của dự án. Vậy LienVietPost Bank và Him Lam sẽ kiểm soát hàng vạn nông dân như thế nào?

Ông Dương Công Minh: Điều kiện tiên quyết để nông dân có thể vay vốn trồng mắc ca là phải trồng đúng giống trong danh sách khảo nghiệm Bộ NN-PTNT đã công nhận, nếu không sẽ bị từ chối.

Chúng tôi khuyên người dân không nên tự đi mua giống. Him Lam có thể thực hiện miễn phí việc kiểm nghiệm giống cho người dân, miễn là họ có đăng ký.

Nhân đây chúng tôi cũng khuyến cáo rằng, giống OC hiện tại người dân đang trồng phổ biến không mang lại lợi ích kinh tế lớn.

Ưu điểm giống OC năng suất rất cao nhưng quả lại không chịu rụng, nếu cây nhỏ thì còn hái được, chứ cây cao 10 – 15 m thì làm sao hái? Khâu thu hoạch sẽ rất khó khăn.

Thứ hai là quả mắc ca giống OC không đồng đều, khiến cho khâu chế biến công nghiệp gặp khó.

Tôi nghĩ ta không nên tham năng suất, nếu năng suất vừa phải nhưng giá bán cao, vẫn hơn giống năng suất cao nhưng giá bán thấp (kinh nghiệm giữa cà phê Robusta Việt Nam chiếm tới 90% diện tích nhưng giá rẻ, so với cà phê Arabica có giá bán rất cao).

Qua nghiên cứu thì chúng tôi cũng khuyến cáo không nên trồng mắc ca ở những vùng khác Tây Nguyên, vì điều kiện khí hậu không đảm bảo cho cây mắc ca lúc ra hoa, kết trái (ví dụ miền Bắc có mưa dầm, sương muối, biến động nhiệt độ trong 1 mùa lớn, giữa 2 mùa nóng – lạnh cũng quá cao…).

Cần thêm chính sách cụ thể

Các vấn đề quan trọng như vốn vay, bảo hiểm cho dân, vườn giống… Him Lam và LienVietPost Bank đang gấp rút thực hiện. Nhưng ông sẽ triển khai thực tế cho nông dân thế nào khi những chính sách của nhà nước về cây mắc ca vẫn chưa rõ ràng, cụ thể?

Ông Dương Công Minh: Hiện tại, Chính phủ đã có Nghị định 210, trong đó có quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp trồng cây mắc ca.

Cụ thể, nhà đầu tư có dự án trồng cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng.

Tôi cho rằng, quy định này có lợi doanh nghiệp, nhưng về phía nông dân thì không vì ít ai có đủ diện tích 50 ha. Tới đây, rất cần thêm những chính sách xuất phát từ thực tế và cụ thể hơn nữa.

Để làm điều đó, chúng tôi đang tiến hành thành lập Hiệp hội mắc ca để thay mặt kiến nghị các chính sách thúc đẩy phát triển ngành hàng này.

Dự kiến trong tháng 5 chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị trù bị, xây dựng hoàn chỉnh điều lệ, quy chế hoạt động và khoảng tháng 9 hoặc 10 năm 2015 sẽ ra mắt Hiệp hội mắc ca Tây Nguyên.

Hiện Công ty cổ phần Him Lam đã là thành viên của Hiệp hội Mắc ca Úc và Hiệp hội mắc ca Mỹ. Đây sẽ là các kênh thông tin tốt nhất cho Hiệp hội mắc ca của chúng ta sau này.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất