Theo đó, đại diện Trung Quốc hôm thứ Ba đã chính thức lên tiếng cáo buộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "tạo ra các cuộc đối đầu" sau khi các thành viên của liên minh cam kết hợp tác để chống lại "những thách thức hệ thống" trong chính sách của Bắc Kinh.
Cụ thể, các nhà lãnh đạo NATO đã dán nhãn Trung Quốc là một nguy cơ an ninh đối với liên minh và chỉ trích các chương trình phát triển quân sự "không rõ ràng" của Bắc Kinh.
"Những tham vọng và hành vi quyết đoán đã cho thấy Trung Quốc đưa ra những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế, dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh", các nhà lãnh đạo NATO nói trong một thông cáo tại hội nghị kéo dài một ngày ở thủ đô Brussels hôm thứ Hai.
Giới quan sát nhìn nhận, thông cáo cuối ngày hôm qua là sự thay đổi trọng tâm đầu tiên của NATO -một liên minh quân sự được thành lập để bảo vệ châu Âu khỏi Liên Xô cũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Phản bác lại trong một tuyên bố, đại diện phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu kêu gọi NATO nên "xem xét sự phát triển của Trung Quốc một cách hợp lý, ngừng phóng đại các hình thức khác nhau của ‘lý thuyết mối đe dọa Trung Quốc’ và không sử dụng vị thế và quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc làm làm cái cớ để thao túng chính trị của khối, tạo ra đối đầu và gây cạnh tranh địa chính trị".
Ông Joe Biden, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh lần đầu tiên với tư cách là tổng thống Mỹ, đã kêu gọi các lãnh đạo NATO đồng nghiệp của mình đứng lên chống lại chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc.
Tuyên bố nói thêm rằng, chính sách quốc phòng của Bắc Kinh "mang tính chất phòng thủ" và kêu gọi NATO "dành nhiều sức lực hơn nữa để thúc đẩy đối thoại". Hơn nữa, "việc theo đuổi hiện đại hóa quốc phòng và quân sự của chúng tôi là chính đáng, hợp lý, công khai và minh bạch", phái đoàn của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu cho biết.
"Chúng tôi sẽ không đặt ra 'thách thức hệ thống' cho bất kỳ ai, nhưng nếu ai muốn coi đó là 'thách thức hệ thống', chúng tôi sẽ không thờ ơ", đại diện Trung Quốc cảnh báo.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói về vẫn đề Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước phương Tây, và đề cập đến các dự án của Trung Quốc ở châu Phi hay mạng 5G do gã khổng lồ viễn thông Huawei xây dựng.
"Trung Quốc đang đến gần chúng tôi hơn. Chúng tôi thấy họ trên không gian mạng, chúng tôi thấy Trung Quốc ở châu Phi, nhưng chúng tôi cũng thấy Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước chúng tôi", ông Stoltenberg nói.
Cuối tuần qua từ vương quốc Anh, ông Biden và các nhà lãnh đạo G7 cũng đã lên an vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi dân chủ cho Hồng Kông và tiếp tục yêu cầu điều tra nguồn gốc của coronavirus ở Trung Quốc.
Đáp lại, đại sứ quán Trung Quốc tại London đã chỉ trích hành động "thao túng chính trị" của G7 và nói rằng tuyên bố của nhóm G7 đã phơi bày "ý đồ thâm độc của một số quốc gia như Mỹ".