Vài năm gần đây, cơn sốt game show trên truyền hình càng khiến việc tuyển sinh các trường nghệ thuật lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười!
Game show truyền hình gây ngộ nhận cho các thí sinh trường nghệ thuật (Ảnh minh họa) |
Những bộ môn nghệ thuật cơ bản càng ngày càng khó tuyển sinh. Dù có chỉ tiêu, nhưng chẳng mấy ai đăng ký vào các khoa nhạc cụ dân tộc hoặc dân ca cải lương. Nhiều nhất vẫn là ước mơ làm ca sĩ và diễn viên. Đại học Nghệ thuật Huế thuộc Đại học Huế là một trong ba trung tâm đào tạo lớn nhất cả nước trong lĩnh vực nghệ thuật, đã bắt đầu đối mặt với thực trạng thiếu hụt sinh viên một số chuyên ngành. Gần đây, bộ môn Đồ hoạ đã bị buộc phải dừng tuyển sinh vì… không có sinh viên mới.
PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật Huế chia sẻ: “Hiện bộ môn Đồ họa chỉ còn sinh viên năm 4 và 5, không có sinh viên các năm 1, 2, 3. Mấy năm trở lại đây, tuyển sinh vào trường giảm mạnh đến mức bất ngờ và gây sốc. Trường chúng tôi có lẽ là trường duy nhất trong ĐH Huế không có chế độ phụ cấp cho bộ phận cán bộ hành chính. Các chế độ lương, hỗ trợ tết, công tác phí, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đào tạo, chi nghiên cứu khoa học sinh viên… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Mấy năm nay, cứ đến tháng 10, trường lại không còn tiền để trả lương”.
Ngày trước, rất nhiều lò luyện thi được mở ra để phục vụ các thí sinh có nhu cầu thi vào trường nghệ thuật, nhưng hiện tại hầu như không còn. Tại Huế cũng như tại TPHCM, không còn thấy bóng dáng những giảng viên chuyên ngành mở lớp luyện thi những môn năng khiếu như vẽ, đàn, thiết kế sân khấu… Nếu như Trường ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội có cơ chế riêng để đào tạo theo địa chỉ cụ thể phục vụ cho các đơn vị lực lượng vũ trang, thì những trường nghệ thuật khác gần như bất lực trong phương pháp chiêu sinh.
Vì sao có thực trạng này? Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và quản lý, cho biết: “Bộ môn năng khiếu đòi hỏi thí sinh phải có chút ít tài năng, nên thực sự thử thách đối với nhiều bạn trẻ. Nhất là trong bối cảnh các game show trên truyền hình hô hào “từ zero thành hero” nên họ không muốn học hành nữa, cứ nhảy lên các trò chơi tương tác mà mong có cơ hội thành ngôi sao!”.
Không một giảng viên nào dám cam kết cứ tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội hoặc ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM thì sẽ được đóng phim hoặc đóng kịch, nên nam thanh nữ tú chọn con đường nổi tiếng kiểu show biz. Nghĩa là họ tìm một ông bầu nào đó, rồi đầu tư trang phục hoặc đầu tư video clip, sau vài chiêu trò thì biết đâu vươn lên tầm cỡ như Sơn Tùng MTP hoặc Ngọc Trinh. Không màng đến kiến thức nghệ thuật được đào tạo bài bản, nên thí sinh chẳng mặn mà ghi danh vào các trường nghệ thuật. Thậm chí, nếu có đi thi thì cũng… không chuẩn bị gì về tâm lý cũng như về trình độ.
NSƯT Tạ Minh Tâm kể lại một trường hợp mà ông thấy cay đắng với tư cách Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM: Có thí sinh ở miền Trung đi thi đến 5 lần vào khoa thanh nhạc, nhưng không qua được môn năng khiếu. Thí sinh không có kiến thức cơ bản về thanh nhạc cũng không được rèn luyện, ngay cả học hệ trung cấp cũng không thể. Thế nhưng, lần nào bị trượt, thí sinh ấy cũng bảo rằng: “Những bạn đoạt giải trên ti vi cũng hát như em thôi mà!”.
Sau khi tìm hiểu, biết gia cảnh của thí sinh cũng vất vả, NSƯT Tạ Minh Tâm đành ân cần khuyên giải: “Muốn làm ca sĩ phải có chất giọng thiên bẩm. Mong em hãy nghe tôi khuyên thật lòng, chuyển sang học một nghề khác, đừng để người thân của em phải đau buồn vì mơ ước vô vọng của em!”
Cơn sốt game show lan toả đến cổng trường nghệ thuật, cũng khiến Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TPHCM đối phó chật vật. Năm nay, khoa diễn viên có 1000 thí sinh đăng ký, nhưng chỉ được 20 người có khả năng diễn xuất. Ban giám hiệu đắn đo bàn bạc, nếu 20 sinh viên vào một lớp thì không đủ chỉ tiêu tuyển sinh mà cũng không đủ… học phí trang trải cho thầy cô giáo.
Cuối cùng, giải pháp được cho là khôn khéo là lấy thêm 30 thí sinh cho đủ 50 sinh viên khoá mới. Cuộc dang rộng vòng tay này cũng giống như một bài toán nan giải, bởi lẽ hầu hết đều không có nhận thức gì về sân khấu hoặc điện ảnh, họ đi thi vì mong muốn được như Trấn Thành, Trường Giang hoặc Hari Won mà họ thường thấy trên màn ảnh nhỏ.
Có câu chuyện cười ra nước mắt ở buổi tuyển sinh khoa diễn viên của Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh là một cô gái được mẹ dẫn đi thì nhưng khi giám tuyển đề nghị trình bày một tiểu phẩm thì… đứng ngây ra không hiểu mô tê gì. Giám tuyển cố gắng gợi ý: “Em thử diễn một vai gì đó đi…”. Thí sinh đáp tỉnh bơ: “Cháu chỉ thích ăn mặc thiệt đẹp rồi ngồi nhận xét như cô Lý Nhã Kỳ trên ti vi thôi!”. Người mẹ ngượng ngịu thưa với giám tuyển: “Tôi bán chuối chiên ở cổng khu công nghiệp Tân Bình, có biết nghệ thuật là gì đâu. Cháu nó xem game show rồi đòi làm nghệ sĩ, nên tôi đành phải chiều theo…”.
Thử làm một cuộc khảo sát với những thí sinh thi vào khoa diễn viên hoặc khoa thanh nhạc, thì họ đều không ngần ngại trả lời rằng: kỹ thuật và kiến thức đều không phải yếu tố quan trọng, chỉ cần làm sao gây được chú ý cho người khác để nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền. Những cái tên mà thí sinh nuôi mộng ngôi sao thường đem ra làm tấm gương phấn đấu là Chi Pu hoặc Angela Phương Trinh có cần học hành gì đâu, cũng thành công trong show biz và có cuộc sống nhà lầu, xe hơi…
Nhà biên kịch - đạo diễn Tô Hoàng sau nhiều năm giảng dạy ở các trường nghệ thuật, nhận định: “Chính các game show đã gieo cấy một loại hình nghệ thuật ăn xổi ở thì rất quái dị cho các bạn trẻ. Tôi luôn đi hết ngạc nhiên nọ đến ngạc nhiên kia khi đứng lớp, vì các em quan niệm nghề diễn viên hoặc nghề đạo diễn rất đơn giản. Thậm chí, có em chưa bao giờ xem được một bộ phim đoạt giải Oscar hoặc một bộ phim kinh điển. Nghệ sĩ theo tiêu chuẩn game show, nghĩa là quần xanh áo đỏ rồi nói năng ba câu lăng nhăng!”. |