Đòi phá tường bao ranh giới sang khu khác dù đã có lối đi
Vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hành chính liên quan đến việc ông Nguyễn Quang Vinh (có địa chỉ tại 25 Nhà E, số nhà 12A Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội thuộc khu nhà số 6 Lý Nam Đế) không được cấp giấy phép xây dựng, phá tường bao ranh giới để mở cửa sang Khu tập thể 4B Lý Nam Đế.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng ban Quản trị khu tập thể số 4B Lý Nam Đế, phường Hàng Mã cho biết: “Khu số 6 Lý Nam Đế và Khu tập thể 4B Lý Nam Đế vốn là 2 khu đất riêng biệt được phân định ranh giới bằng bức tường do Tổng cục Chính trị xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước”.
Theo ông Mạnh, căn nhà số 6B, 6C mà ông Vinh mua vốn là một phần được tách ra từ nhà số 6 Lý Nam Đế của bà Hồ Thị Xuân Mùi gồm 6, 6A, 6B, 6C. Khi tách thửa, bà Mùi đã để lại một dải đất rộng 1,5m chạy dọc qua nhà số 6A, 6B, 6C để làm lối đi chung ra mặt đường Lý Nam Đế.
Tuy nhiên, tháng 7/2016, bỗng dưng lối đi chung của căn nhà số 6A, 6B, 6C xuất hiện một bức tường ngăn cách nhà số 6A với nhà 6B và 6C trước sự ngỡ ngàng của người dân nơi đây. Và ông Vinh được Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn nhà số 6B, 6C Lý Nam Đế không có lối đi, cửa ra vào.
Sau đó, lấy lý do không có lối đi, ông Vinh đã đề nghị phá tường bao, mở cửa sang Khu tập thể 4B Lý Nam Đế. Tuy nhiên, 38 hộ dân sinh sống tại Khu tập thể không đồng ý vì trên thực tế, nhà số 6B, 6C đã có lối đi và những người bịt lối đi trên phải chịu trách nhiệm chứ không phải Khu tập thể 4B. “Nếu không có lối đi thì ông Vinh làm cách nào để xem nhà?”, ông Mạnh nói.
Cuối năm 2016, không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân tại 4B Lý Nam Đế, không được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, ông Vinh đã ngang nhiên đập phá bức tường ranh giới. Ngay lập tức, chính quyền địa phương đã vào cuộc, cử cán bộ, công an xuống lập biên bản và kiên quyết cưỡng chế, buộc ông Vinh phải xây hoàn trả lại bức tường theo hiện trạng ban đầu.
Thua kiện vì không cho phá tường bao mở lối đi sang khu khác?
Những tưởng sự việc đã dừng lại với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng sự phản đối của người dân khu tập thể 4B Lý Nam Đế.
Thế nhưng, tháng 5/2023, UBND quận Hoàn Kiếm bất ngờ thua kiện vì không cấp phép xây dựng, không đồng ý cho ông Vinh trổ cửa sang khu tập thể 4B Lý Nam Đế.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cùng các hộ trong khu tập thể 4B đã trình bày rõ rằng Khu số 6 Lý Nam Đế và Khu tập thể 4B Lý Nam Đế từ trước đến nay là hai khu đất riêng biệt, có ranh giới ngăn cách và khu số 6 trước đó đã có lối đi chung nhưng Hội đồng xét xử đã bỏ qua không xem xét.
Đặc biệt, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã không triệu tập Sở Tài nguyên và Môi trường để làm rõ vì sao có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một khu đất không có lối đi? Trong khi đây là điều kiện tối thiểu khi tách thửa.
Ngoài ra, từ tình hình quản lý và sử dụng đất thực tế trên địa bàn, UBND quận Hoàn Kiếm đã căn cứ điểm d mục 1 Điều 10 Luật Nhà ở để cho rằng ông Vinh chỉ được sử dụng các công trình tiện ích công cộng của khu nhà ở số 6 Lý Nam Đế. Vì vậy, không đủ điều kiện cấp Giấy phép xây dựng cho ông Vinh về việc đề nghị mở cửa đi ra số 4B Lý Nam Đế.
Tuy nhiên, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội lại cho rằng, cho rằng lối đi qua nhà số 6A thuộc quyền sử dụng, quản lý của hộ số 6A. Phần diện tích này nằm trong tổng diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ căn hộ 6A, không phải là tiện ích công cộng. Ông Vinh không được phép sử dụng lối đi này nếu không được sự đồng ý của chủ căn hộ 6A. Từ đó, bác bỏ quan điểm trên của UBND quận Hoàn Kiếm. Kết thúc phiên tòa, Tòa án đã buộc UBND quận Hoàn Kiếm chấp nhận “yêu cầu” của ông Vinh.
Hiện các hộ dân tại Khu tập thể số 4B Lý Nam Đế đang cảm thấy vô cùng bất bình với phán quyết của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Bởi thực tế, nhà số 6A, 6B, 6C đã có lối đi chung nhưng đã bị xây bịt lại. Vậy người bị kiện đáng lẽ ra phải là những người đã bịt lối đi của nhà số 6B, 6C chứ không phải UBND quận Hoàn Kiếm khi ngăn chặn “yêu sách” mở cửa sang khu tập thể 4B Lý Nam Đế. Phải chăng Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đang tìm cách sửa chữa sai lầm trên bằng việc phủ định lịch sử hình thành khu dân cư và bỏ qua quyền lợi hợp pháp của 38 hộ dân Khu tập thể số 4B?