| Hotline: 0983.970.780

Văn Miếu, 1924: ‘Bia còn mà đình mất’

Thứ Tư 15/12/2021 , 08:09 (GMT+7)

Khuê Văn Các - một điểm nhấn về biểu tượng và mĩ thuật, theo tác giả bài báo, ‘cũng cây mọc, cũng tường bao, cũng hai bên có hai ao sen’.

Đi từ Đại trung môn, qua Khuê Văn các đến Khải Miếu, tác giả bài viết “Trong Văn Miếu Hà Nội có những gì” để lại những ghi chép tỉ mỉ và đánh giá của người “hoài cổ”, ưu tư trước sự mất - còn của di tích

'Hạ mã'. Ảnh: Tư liệu.

"Hạ mã". Ảnh: Tư liệu.

Viết về “Đại trung môn”, tác giả bài viết cho biết: “Đại trung môn là một khu đất cỏ, tường diễu chung quanh, tả hữu là tường ngoài, trước là tường Văn Miếu môn. Chỗ giáp tường ngoài có hai cái ao con, một bên thả bèo, một bên trồng sen. Cây cối mọc lơ thơ, còn thì toàn một thứ cỏ mọc cao trên đầu gối cả. Đại Trung môn cao độ 4 thước, ba gian, ba cửa, ba hàng cột, cột cái làm vào giữa nóc, còn trong ngoài là cột con. Nền rộng năm, trường sáu thước, lát gạch, trên có biển chữ đen nền trắng đề 3 chữ Đại Trung môn”.

Những chi tiết này cho thấy, mặc dù không được “chăm sóc” kĩ càng, để “cỏ mọc cao trên đầu gối” nhưng hai ao ở khu này vẫn được trồng sen và thả bèo, chứng tỏ có sự trông nom của con người, tuy không được hoàn hảo.

Khuê Văn Các - một điểm nhấn về biểu tượng và mĩ thuật của Văn Miếu, vào năm 1924, theo tác giả bài báo, “cũng cây mọc, cũng tường bao, cũng hai bên có hai ao sen” như Đại Trung môn. Tuy nhiên, vẻ đẹp của gác Khuê Văn thì khác biệt: “Khuê Văn các kiểu làm rất đẹp, trông chẳng khác chi một tòa nhà gỗ đặt trên bốn cái cột gạch, nền rộng…, trên nền xây bốn cái cột gạch, rất lực lưỡng mà Khuê Văn các đặt trên 4 cái cột gạch này, gác làm toàn bằng gỗ, bốn cột bốn cửa, chung quanh đều riễu bao lan, cửa làm tròn, không có cánh. Dưới sáu trên mái rui mè, kèo cột đều sơn đỏ cả. Trên có cái biển, chữ vàng nền đỏ, đề ba chữ Khuê Văn Các”.

Khuê Văn Các. Ảnh: Tư liệu.

Khuê Văn Các. Ảnh: Tư liệu.

Hai cái bi đình ở bên trái và bên phải phương hồ (hồ vuông) bên Khuê Văn Các được tác giả đặc biệt quan tâm. Theo đó, “Đình một gian không có cột gỗ làm kiểu tám mái, trong có bệ gạch, có bát hương thờ chung các ông Tiến sĩ, cửa có câu đối khắc vào tường, trước sau đình có dựng bia Tiến sĩ về triều Lê”, hệt như Văn Miếu ngày nay chúng ta nhìn thấy, song về bia đá tại Văn Miếu lúc đó thì “kể cả hai bên cộng 82 tấm. Tấm còn lành, tấm đã vỡ, trông rất có vẻ lực lưỡng, song cỏ hoang bùn ngập, tên các cụ dẫu trơ trơ còn đó, song khách du quan dễ chưa ai đọc đến bao giờ”.

Truy về lịch sử, bài báo cho biết: “Nguyên về đời Lê, các ông đỗ Tiến sĩ có lệ khắc tên vào bia đề danh cho nên cái câu bia đá bảng vàng của ta cũng là từ đó. Sau đến thời Tây Sơn lệ thi chữ Nho bỏ. Các đề danh bi không ai nhìn rõ, nắng dãi mưa dầu, ngày qua tháng lại, bia cái thì đổ, cái thì vỡ, cái thì sứt mẻ, đến mãi triều Tự Đức, cụ Lê Hữu Thanh mới hưng công thu nhặt hàn gắn lại, dựng cả vào một chỗ, và dựng đình để thờ”.

2 tấm bia thời Tự Đức còn lại ở khu Khải Miếu, trong đó tấm là bài văn kí về việc dựng đề danh bi đình đã được tác giả bài báo dịch trong bài viết. Bài văn bia do Bố chánh sứ Hà Nội là Lê Hữu Thanh soạn, nội dung được tác giả bài báo dịch như sau: “Thăng Long vốn là nơi đô thành, Văn Miếu vốn là nhà Thái học đời trước. Ngoài cửa Văn Miếu về phía tả và phía hữu, có đặt 2 hàng bia đề tên các ông tiến sĩ từ năm Nhâm Tuất đời Đại Định, đến năm Kỉ Hợi đời Cảnh Hưng nay hiện còn 82 tấm, còn những tấm khác đều linh tinh mỗi nơi một tấm, phần nhiều mòn mẻ, không đọc được ra chữ gì.

Thanh này (tức Lê Hữu Thanh) từ khi phó nhiệm đến nay bụng hằng nghĩ về sự đó. Mùa thu năm nay, công việc hơi rảnh bèn bàn với quan Thượng, quan Án làm hai bên 2 cái bi đình bằng ngói, mỗi cái 11 gian đem những tấm bia linh tinh ở ngoài đặt vào trong đình cho có thứ tự, và tầm nào chữ đã mờ thì khắc lại, để lưu cổ tích cho đời sau.

Hoặc có người hỏi rằng: Bia đề tên có bắt đầu từ đời Lê Quang Thuận, đến nay đã ba bốn trăm năm, không được cái hình thể cũ nữa, bây giờ muốn biết tên các cụ đỗ Tiến sĩ thì chỉ còn có quyển đăng khoa lục là đủ làm tấm gương cho ta tra xét mà thôi. Bia đá còn mòn nát như kia nên làm bi đình mà làm gì?

Xin thưa rằng: Phàm sự vật thành hay bại, mất hay còn chẳng qua là ở người cả. Kìa như lầu Nhạc Dương, gác Đằng Vương của người ta, chẳng qua là cái cảnh trí của sự người sau có vẻ theo rõ mà sửa sang vào, thành ra còn mãi đến thiên cổ. Nhà Thái học mà có bia là một việc hay, vậy thì cái bi đình này mà dựng lên, tưởng cũng là có quan hệ đến danh giáo sau này còn mãi không mất chăng nữa, cũng là nhờ về lẽ phải vẫn còn ở lòng người. Bằng lấy cái nọ đọ với cái kia, thì mông mênh trong vũ trụ này, phàm vật gì đã có thể chất, tất có lúc hỏng nát, chữ bia đã thấm vào đâu mà đình đã thấm vào đâu”.

Bia 'Đề danh bi kí' do cụ Lê Hữu Thanh soạn thời Tự Đức. Ảnh EFEO.

Bia "Đề danh bi kí" do cụ Lê Hữu Thanh soạn thời Tự Đức. Ảnh EFEO.

Tác giả kết luận: “Cái bi đình ngày nay (tức năm 1924) còn ở Văn Miếu đó không phải là của các cụ dựng vậy. Của các cụ dựng thì đình những 11 gian mà nay chỉ có một gian. Thế là cái bi đình của các cụ dựng chắc đã hủy diệt rồi, cái bi đình ngày nay là của người sau làm vậy”.

Từ đời Tự Đức đến năm 1924, “trong vòng hơn 60 năm mà đến nỗi bia còn mà đình mất, nắng dãi mưa dầu, sao dời vật đổi nào đâu là lẽ phải ở lòng người, Nhạc Dương lầu, Đằng Vương các chẳng qua là chỗ du ngoạn thế mà thiên cổ vẫn còn, bi đình của mình là một nơi có quan hệ đến nền nếp cũ, dấu tích xưa, thì hơn 60 năm đã mất là cớ làm sao?”, tác giả đặt câu hỏi trong nỗi lòng luyến tiếc.

Trong bài viết “Việc khắc lại 12 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Hà Nội” của TS Nguyễn Thúy Nga đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 2 (51) năm 2002 đã đăng nguyên bản chữ Hán và dịch nghĩa tấm bi đình này. Tuy nhiên, chúng tôi chép lại bản dịch tác giả bài viết “Trong Văn Miếu Hà Nội có những gì” của Thực nghiệp dân báo để lấy không khí và ngôn ngữ dịch văn bia những năm đầu thế kỉ 20 giúp bạn đọc làm tư liệu tham khảo.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.