| Hotline: 0983.970.780

Về quê ăn Tết

Thứ Hai 28/01/2013 , 10:39 (GMT+7)

Ngay cả những gia đình thành thị giàu có muốn được hưởng cái Tết thanh bình ở làng quê yên tĩnh cũng hết sức khó khăn.

Cuối năm, không chỉ có người lao động khổ sở trong chuyện về quê ăn Tết mà ngay cả những gia đình thành thị giàu có muốn được hưởng cái Tết thanh bình ở làng quê yên tĩnh cũng hết sức khó khăn. Họ có tiền, có xe ô tô, có thừa quỹ thời gian… nhưng vẫn không có cái Tết trọn vẹn. Tại sao? Mọi chuyện bắt nguồn từ nội bộ…

Tết bên nội hay tết bên ngoại?

Năm nào cũng thế, cứ hễ đến cuối tháng Chạp là vợ chồng anh Hòa - chị Lan lại có chuyện lục đục. Gia đình anh chị giàu có, cả hai đều có công ty riêng, nhà đất, xe cộ khá nhiều… nhưng vợ chồng không bao giờ hưởng được cái Tết trọn vẹn, ấm cúng, thanh bình. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc mỗi cá nhân tranh nhau về quê mình ăn Tết. Quê chị Lan ở Cần Thơ nên chị buộc chồng phải về Cần Thơ ăn Tết. Trong khi anh Hòa quê ở Bình Phước lại muốn cả nhà đón Tết với không khí mang hơi hướng núi rừng. Chỉ thế thôi mà cả hai “chiến tranh” gần nửa tháng vẫn không đi đến kết quả cuối cùng được. Dù thường ngày vợ chồng thương yêu, chiều chuộng nhau hết mực nhưng chuyện “quê anh - quê tôi” lại làm cho tổ ấm trở thành tổ lạnh.

Thực ra anh Hòa hiểu rằng phận làm đàn ông, làm chồng phải nhường vợ trong chuyện này. Nhưng chị Lan được đằng chân lân đằng đầu. Hai cái Tết trước, mặc dù cũng có cãi vã nhưng cuối cùng anh buộc phải nhường vợ. Nhưng lần này thì khác, sức chịu đựng có giới hạn và anh muốn đòi quyền công bằng. “Ai cũng có quê hương, có nguồn cội, không lẽ chỉ có mỗi mình em mới có nơi chôn nhau cắt rốn sao?”, anh Hòa trách vợ như thế. Đáp trả lại câu nói ấy, chị Lan cho rằng chị không quen khung cảnh núi rừng, rất dễ bị cảm sốt và ớn lạnh. Rồi chị còn dọa nếu anh không về, chị sẽ dắt hai đứa con về mà “không cần chồng”. Anh Hòa cũng không vừa, phản ứng kịch liệt, kéo hai đứa con về phía mình rồi lớn tiếng: “Cô có ngon thì dẫn hai đứa nó về xem!?”.

Tội hai đứa nhỏ, sau một kỳ học đầy căng thẳng, chúng muốn có một cái Tết ở quê thật đầm ấm, hạnh phúc cũng không được. Phải chi vợ chồng anh Hòa - chị Lan biết ngồi lại với nhau trò chuyện, biết công bằng trong mọi việc… thì đâu ra nông nỗi thế này.

Về quê trong Tết hay ra Giêng?

Vợ chồng anh Hùng là dân công chức, không kinh doanh nên thời gian nghỉ Tết cũng thoải mái. Theo như kế hoạch thì sau khi cơ quan cho nghỉ, vợ chồng anh sẽ dẫn con về quê nội chơi. Tuy nhiên, có sự cố nho nhỏ đã xảy ra. “Cậu ấm cô chiêu” nhà anh Hùng lại không thích về quê mà muốn ba mẹ dẫn đi du lịch đâu đó xinh đẹp như Nha Trang, Đà Lạt, Bà Nà… Thật ra anh chị không giàu có cho lắm nhưng một năm chỉ có một cái Tết cổ truyền nên cũng muốn con mình thoải mái một tí coi như như là thưởng công cho chúng học giỏi, chăm ngoan. Ngặt nỗi cha mẹ già liên tục hối thúc dẫn cháu về quê đón giao thừa, rồi sang ngày đầu năm đi đốt nhang nhà bà con để khỏi mang tiếng nhạt nhẽo với dòng họ. Bởi anh Hùng là con trai một trong nhà, nhưng do lên thành phố học tập rồi làm việc ở đây nên không thế sống chung cùng ba mẹ mà nhờ người chị ruột trông nom.

Ban đầu hai con nài nỉ anh, nhưng sau đó chúng chuyển sang giận hờn, nhốt mình trong phòng, nhịn ăn và không thèm “nhìn mặt” ba mẹ. Điều này làm anh chị vô cùng khó xử. Chị vợ vì cưng chiều con nên xiêu theo chúng, vội đề nghị với anh: “Hay là mồng ba mình về cũng không muộn mà anh. Tết đến rồi, đừng làm gia đình mất hòa khí”. Anh Hùng cho rằng vợ mình nuông chiều con thái quá nên quay sang hằn học với vợ: “Cô chỉ được nuông chiều hai đứa. Riết rồi chúng leo lên đầu lên cổ”. Thế là gia đình bất hòa. Chuyến đi chơi vì thế mà bị hoãn lại. Nếu như anh Hùng biết đưa ra cách thuyết phục hai con mình tại sao phải về quê và lợi ích của việc về quê trong ngày Tết Nguyên đán thì có lẽ chuyện không “nổ tung” như thế.

Đừng để niềm vui không trọn vẹn

Tết là ngày của vui vẻ và hạnh phúc nên không gia đình nào muốn gây sự, cãi vã. Theo quan niệm của người xưa, nếu Tết mà cãi vã thì cả năm gia đình sẽ không được bình an, may mắn. Vì thế cứ đến Tết là mỗi thành viên trong gia đình đều cố nhẫn nhịn mọi chuyện để vui vẻ đón xuân, không dám to tiếng với nhau dù nửa lời.

Tuy nhiên không phải lúc nào bức tranh gia đình cũng đẹp, cũng hoàn mỹ như thế. Sự mâu thuẫn luôn được tác động từ nhiều lý do nên đôi khi dù mình muốn “im như thóc” mà vẫn không được. Đại loại như: Đứa con lớn muốn đến nhà bạn chơi, vợ thích về quê ngoại, chồng muốn về quê nội, trong khi con út thì lại thích đi du lịch xa… Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm gia đình có “bão lớn”.

Đừng để niềm vui không trọn vẹn vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt này. Tại sao chúng ta không tranh luận, biểu quyết hoặc nhờ bên thứ 3 tác động, can thiệp mà lại cố tạo ra những xung đột nhỏ rồi to dần? Trong mọi tình huống, người ta vẫn hay sử dụng hình thức biểu quyết để giải quyết thắng-thua, hoặc lôi kéo số đông về phía mình nhằm tăng sức mạnh của mục đích mà mình muốn đạt được. Tuy gia đình không nên mang hình thức “lạnh lùng” như thế nhưng cũng nên biểu quyết trên tinh thần vui vẻ, dí dỏm. Chẳng hạn: “Hôm nay gia đình mình biểu quyết xem chúng ta sẽ về quê nội hay quê ngoại. Nếu hòa, chúng ta sẽ bắt thăm”, “Để xem ba con nấu ăn ngon hay dở, mình làm cuộc khảo sát bằng việc biểu quyết nhé!”. Hoặc người chủ trong gia đình mời các thành viên ngồi lại tranh luận với nhau, nhỏ nhẹ đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Có thể nhờ bên thứ 3 tác động như: “Bà nội nay già yếu rồi! Bà nhớ các con lắm nên kêu ba dẫn các con về quê thăm bà. Ông nội con nói sẽ bỏ mặc gia đình mình nếu chúng ta không về đón giao thừa năm nay”… Tuyệt đối không nên im lặng, vì im lặng đồng nghĩ với việc bạn đang xem thường người khác.

Tết đến, mùa của niềm vui, của chan hòa, của sự tha thứ và đoàn tụ. Hãy xóa bỏ những hục hặc nhỏ nhặt trong gia đình mà cùng góp tay vui đón Tết cổ truyền cho thêm phần ấm cúng, hạnh phúc và tràn ngập những nụ cười trong veo.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.