| Hotline: 0983.970.780

Về với làng rau di sản

Thứ Hai 01/01/2024 , 10:50 (GMT+7)

Làng rau Trà Quế không đơn thuần là nơi sản xuất nông nghiệp mà còn là di sản văn hóa, điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến Hội An.

Gìn giữ nét xưa

Làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà (TP Hội An, Quảng Nam) nằm nép mình bên dòng sông Cổ Cò hiền hòa, thơ mộng. Từ trung tâm phố cổ, chỉ mất khoảng hơn 15 phút đạp xe là có thể đến được ngôi làng bình yên, dân dã này. Ngay từ lối rẽ đầu tiên vào làng, chúng tôi đã cảm nhận được mùi hương thơm dịu tỏa ra từ những ruộng rau mơn mởn, xanh mướt đem lại cảm giác khoan khoái, dễ chịu lạ thường.

Làng Trà Quế có diện tích trồng rau khoảng 18ha nằm cách TP Hội An (Quảng Nam) khoảng 2,5km. Ảnh: L.K.

Làng Trà Quế có diện tích trồng rau khoảng 18ha nằm cách TP Hội An (Quảng Nam) khoảng 2,5km. Ảnh: L.K.

Đến với làng rau Trà Quế, những người sinh ra từ làng quê không khỏi bồi hồi. Hơi thở nông thôn gợi nhớ về những ngày thơ, khi theo cha mẹ vác cuốc ra đồng. Chiều muộn trở về ghé lại dừng chân bên những gốc cây, con đường làng rôm rả dăm ba câu chuyện thường ngày. Ở đây cũng vậy, vẫn còn đó những hàng rào tre, ụ rơm, người nông dân đậm chất thôn quê truyền thống. Họ chất phác bình dị, ngày ngày miệt mài làm việc trên những luống rau xanh.

Mảnh đất Trà Quế được khai phá cách đây gần 400 năm. Theo lời kể truyền đời, trước đây, do địa hình nằm gần sông, gần biển nên người Trà Quế gắn với nghề chài lưới, trồng rau chỉ là nghề phụ. Cũng không rõ từ bao giờ, nghề phụ lại trở thành nghề chính và giờ đây đã hình thành nên nghề trồng rau nổi tiếng ở TP Hội An này.

Tương truyền, danh xưng đầu tiên của làng là Nhự Quế, bởi vì mùi thơm của cây rau như mùi hương của cây quế. Vào đầu thế kỷ 19, một vị vua triều Nguyễn du ngoạn trên sông Đế Võng nghe tiếng làng có nhiều loại rau lạ nên đã ghé thăm. Sau khi được thưởng thức các loại rau, có một loại mang vị cay giống quế nhưng lại thơm như hoa trà nên vua bèn sửa danh xưng Nhự Quế thành Trà Quế. Cái tên này đã tồn tại mãi cho đến ngày nay.

Làng Trà Quế được thiên nhiên ưu ái ban tặng những bãi đất phù sa, đất cát pha nên có độ ẩm rất tốt và tơi xốp. Cùng với đó, cách trồng rau theo phương pháp truyền thống với kỹ thuật canh tác được lưu truyền qua hàng trăm năm qua, thuận theo tự nhiên giúp những loại rau ở đây mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Bởi thế, khi đến Hội An, ăn những món nức tiếng xứ Quảng như mỳ Quảng, cao lầu hay bánh xèo mà không có rau Trà Quế thì không thể nào tròn vị.

Người dân Trà Quế dùng rong vớt lên từ các con sông, đầm trong vùng để làm phân bón cho rau. Ảnh: L.K.

Người dân Trà Quế dùng rong vớt lên từ các con sông, đầm trong vùng để làm phân bón cho rau. Ảnh: L.K.

Gắn bó với nghề đã 40 năm, ông Võ Văn Tú (làng Trà Quế, xã Cẩm Hà) là một trong những nông dân thứ thiệt. Những kỹ thuật canh tác riêng của làng nghề đều được ông nắm rõ. Tất cả mọi công đoạn trồng rau ở làng hiện vẫn còn giữ cách làm thủ công, hoàn toàn không có máy móc công nghiệp. Điều đặc biệt nhất khiến cho làng rau nổi tiếng chính là ở cách bón phân độc đáo bằng những cây rong vớt lên từ dưới những con sông, ao đầm xung quanh làng. Loại rong này phân hủy rất nhanh góp phần tăng thêm độ mùn cho đất, cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho các loại rau phát triển.

“Giờ đây, khi rong càng khan hiếm thì chúng tôi thay thế bằng thân lá cây lạc, phân chuồng, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ một loại phân bón hóa học nào. Sâu bệnh, cỏ dại cũng được xử lý bằng tay nên luôn đảm bảo an toàn, mùi vị vẫn giữ được nguyên bản. Rau ở làng có thể hái trực tiếp ăn ngay tại ruộng. Bao đời nay vẫn thế, ông bà xưa trồng rau như thế nào thì chúng tôi vẫn giữ nguyên như vậy”, ông Tú chia sẻ.

Phát triển du lịch xanh, thân thiện và bền vững

Vùng trồng rau Trà Quế có diện tích khoảng 18ha với hơn 200 hộ dân gắn bó với nghề trồng rau. Rau ở đây được trồng quanh năm với gần 30 loại khác nhau như hành, ngò, húng quế, xà lách, tía tô… và cũng là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình. Với cách canh tác hữu cơ và hương vị riêng biệt, giá rau Trà Quế thường cao hơn gấp 1,5 – 2 lần so với những nơi khác. Hàng năm, làng Trà Quế xuất ra thị trường khoảng 700 tấn rau các loại, mang về doanh thu hơn 11 tỷ đồng.

Không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, nhiều năm trở lại đây, khi du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc thì làng rau Trà Quế cũng kịp thời bắt nhịp vào con đường làm du lịch bằng cách làm độc đáo của mình. Với lợi thế nổi tiếng vì trồng rau sạch lâu đời, hương vị cây rau không lẫn vào đâu được đã mang lại cho du khách tìm đến để có trải nghiệm thú vị và mới mẻ.

Người Trà Quế hiện nay vẫn canh tác rau theo phương pháp thủ công truyền thống. Ảnh: L.K.

Người Trà Quế hiện nay vẫn canh tác rau theo phương pháp thủ công truyền thống. Ảnh: L.K.

Mỗi năm, địa điểm này thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Đặc biệt, vào tháng 4/2022, nghề trồng rau Trà Quế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng nâng tầm giá trị cho làng nghề trồng rau truyền thống này.

Đến với Trà Quế, khách du lịch không thể giấu được sự khoan khoán với bầu không khí tự nhiên trong lành, được hít hà hương thơm nồng của các loại rau thơm trong sự hiếu khách, mộc mạc của những người nông dân xứ Quảng. Bao nhiêu mệt nhọc, bon chen của cuộc sống thường nhật dường như tan biến. Du khách còn được trực tiếp trải nghiệm công việc đồng áng trong bộ trang phục áo bà ba nâu, dép lê, nón lá, được người làng rau hướng dẫn cách cuốc đất, trồng, tưới nước và chăm bón rau.

Hòa mình vào thiên nhiên, ai dường như cũng đều có cảm giác như vùng đất ấy, những con người ấy cho đến lúc này đi ngược những lề thói manh mún vốn có sẵn trong cung cách làm du lịch ở nhiều nơi để phát triển đúng tầm xanh, thân thiện và bền vững. Sự trân trọng cảm xúc làng quê và nỗ lực gìn giữ nét giản dị, hồn hậu của người dân và chính quyền địa phương đã đưa Trà Quế trở thành điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Đến Trà Quế, khách du lịch được trải nghiệm trực tiếp cách trồng rau của người dân địa phương. Ảnh: L.K.

Đến Trà Quế, khách du lịch được trải nghiệm trực tiếp cách trồng rau của người dân địa phương. Ảnh: L.K.

Chị Bengi Ozboyaci, một du khách đến từ Singapore trải lòng: “Tham quan, trải nghiệm làng rau Trà Quế, tôi rất ấn tượng về vùng đất bình yên và những con người tốt bụng. Phương pháp canh tác của người dân rất an toàn, thân thiện với môi trường. Sau chuyến đi này, nếu có dịp trở lại Hội An, tôi sẽ rủ thêm người thân, bạn bè cùng đi để họ được khám phá nét du lịch độc đáo, thú vị ở nơi đây”.

Đất và người Trà Quế bao đời nay vẫn thế, hiền hòa và mến khách. Gần 400 năm trôi qua sự tảo tần của người dân ở đây đã được người xưa đúc kết trong câu dân ca: "Ai về Trà Quế thì về / Trà Quế có nghề ngâm giá đậu xanh / Sáng mai đi bán rau hành / Khuya về gánh nước năm canh chưa nằm". Cuộc sống nông dân tuy vất vả sớm hôm nhưng họ vẫn nguyên trong mình tình yêu với ruộng vườn, với mảnh đất quê hương và với nghề truyền thống của cha ông. Cũng từ tình yêu ấy, những vườn rau ở Trà Quế lại tiếp tục xanh mướt và tỏa hương để núi chân du khách khắp bốn phương.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, chính quyền thành phố hướng tới phát triển bền vững di sản “nghề trồng rau Trà Quế”, trong đó phát triển điểm dừng chân tại làng rau theo hướng chất lượng. Khách du lịch đến trồng rau, sau đó quay lại và hưởng thành quả do chính mình làm ra. Bên cạnh đó, làng rau Trà Quế cũng sẽ được kết nối với các điểm khác như Cẩm Châu, sông Cổ Cò, Điện Dương… bằng tour xe đạp, sinh thái cùng với mở rộng không gian du lịch.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm