Khác lạ của người Tày Nghĩa Đô
Xã Nghĩa Đô nằm cách trung tâm huyện Bảo Yên (Lào Cai) khoảng 30km. Cứ mỗi chủ nhật, tại đây diễn ra chợ phiên, là nơi để bà con mua bán, trao đổi những sản phẩm nông nghiệp do mình trồng ra. Ở chợ người ta còn gùi theo những đặc sản núi rừng như mật ong, nấm hương, chuối, măng rừng… thu lượm được để mang bán nhưng tất cả đều không cần cân đo mà giá được người ta ước lượng cứ như thế mà mua không mặc cả.
Ông Ma Thanh Sợi, nghệ nhân dân gian ở Nghĩa Đô cho biết, văn hoá của người Tày ở Nghĩa Đô còn vô số những điều đặc biệt, còn nằm ẩn trong dân, cái đó cũng không có thước đo nào định lượng được nhưng tập quán cơ bản và một số khối lượng chưa lớn lắm đã được sưu tầm, biên soạn để lưu lại thành nề nếp.
Trước đây, những con sông, con suối, tên bản, tên làng, rồi cả địa danh Nghĩa Đô… những cái tên này ai cũng biết nhưng không rõ nguồn gốc từ đâu. Khi tôi sưu tầm được tổng hợp lại, viết thành sách, sau này bà con ai cần biết bản mình xuất phát từ đâu thì tìm đọc.
Sinh sống ở Nghĩa Đô chủ yếu là người dân tộc Tày nhưng lại có nét văn hoá, phong tục tập quán khác biệt với người Tày ở Đông Bắc và Tây Bắc.
Năm 2019, ông Ma Thanh Sợi được Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ông Sợi cũng dành công sức nghiên cứu lịch sử quanh vùng, nhất là đền thiêng Chúa Bầu dưới chân núi Pú Chè.
Dễ nhận thấy là trang phục người phụ nữ Tày ở Đông Bắc, họ mặc váy úp nơm, vạt trước sau bằng nhau và dưới đầu gối 3 ngón tay. Còn phụ nữ Tày bên Tây Bắc váy phủ mắt cá chân. Tuy nhiên, người Tày Nghĩa Đô, họ mặc váy lửng, phía sau hớt cao hơn phía trước và hở khoeo chân.
“Cái nét tinh tuý của người con gái Tày Nghĩa Đô không chỉ ở khuôn mặt mà còn thân mình dong dỏng duyên dáng. Đồng tiền lửng nơi khoeo, eo thắt đáy con mạn, má ửng hồng như quả bồ quân sắp chín, tóc uốn dáng đuôi gà, mắt liếc nhìn mòn cả đá suối”, ông Ma Thanh Sợi nói.
Ở Nghĩa Đô cũng là nơi người dân còn giữ nguyên tập tục ở nhà sàn. Nhà sàn ở Tây Bắc có mái làm kiểu mu rùa; ở phía Đông Bắc nhà sàn có mái hở; còn nhà sàn Nghĩa Đô mái hở lửng, gọn gàng cân đối, lại có hiên, có thể ngồi ngắm cảnh từ trên…
“Về tiếng nói của người Tày ở Nghĩa Đô cũng có âm vựng khác, nên có những người về làm dâu, làm rể Nghĩa Đô đã lên chức cụ rồi nhưng tiếng nói chưa đảm bảo đúng giọng chuẩn, mà lơ lớ", ông Ma Thanh Sợi nói.
Vì những điều đặc biệt này, nên trong nhiều năm qua, ông Sợi miệt mài tìm kiếm và ghi chép lại những câu tục ngữ, bài cúng, hát then, hát ru, truyện cổ và câu đố của đồng bào Tày nơi này.
“Tôi đi công tác, đi bộ đội ở Lào rồi trở về địa phương làm công tác ở xã thì tập quán của đồng bào mình mai một, tìm không thấy nữa. Lúc đó tôi có quyển sổ riêng ghi chép lại rồi sàng lọc. Đến năm 2.000, tôi được nghỉ hưu tôi dồn tâm sức vào sưu tầm, rồi tự học đánh máy vi tính để ghi lại những tư liệu tìm được”, ông Sợi cho biết.
Sự thật chữa bệnh bằng tâm linh
Hiện nay, ông Sợi sưu tầm được 22 truyện cổ, 222 câu đố, các phong tục làm nhà, cưới, sinh đẻ, các món ăn, đặc biệt tập quán chữa bệnh bằng tâm linh… khiến người đang ốm cũng phải ngồi dậy ăn cơm.
Bà con người Tày ở đây nhận thức con người có 2 phần, thể xác và tâm hồn (hồn vía của con người).
Chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc của bà con ở địa phương hay đưa đi bệnh viện là chữa cho thể xác. Cơ thể này ốm thì đưa thuốc vào để người đó khỏi bệnh. Còn hồn vía thì phải có thầy Then (ông thầy cúng) làm lễ để tâm hồn cũng được khoẻ mạnh. Có như thế con người mới hoàn hảo, đem lại cuộc sống bình thường.
"Khi đi viện về bệnh đã khỏi mà còn được làm lễ cúng họ phấn khởi lắm nhất là khi cả gia đình và những người thân bên nội, bên ngoại đều có mặt. Được quan tâm đến tinh thần, giống như người ốm được động viên sẽ cố ăn cho nó khoẻ. Có khi đang mệt, đang ốm cũng ngồi dậy mà ăn cơm cùng cả nhà nên có những điều rất khó lý giải", ông Sợi nói.
Cúng lễ cũng làm những người già thêm vui khi hằng năm được cúng giải vận hạn. Các cụ già từ 60 tuổi trở lên, cứ 2-3 năm một lần được thầy đến làm lễ gọi vía đi siêu lạc các nơi về nhập tâm, hỗ trợ cơ thể nó khoẻ mạnh. Các cụ lại vui vẻ phấn khởi, tích cực ăn uống...
“Cúng bái có nơi đang lợi dụng để tăng thêm thu nhập nhưng thầy Then của Tày Nghĩa Đô một ngày cúng tính một công khoảng 400-500 nghìn đồng, cho nhiều thầy cúng cũng trả lại. Thầy cúng có một người phụ giúp, trước đây cúng ban đêm thì nay chỉ cúng buổi sáng”, ông Sợi cho biết.
Tuy nhiên, thầy cúng cũng phải có người làm lễ riêng cho mình gọi là quan láng. Ở Nghĩa Đô hiện nay có 7 thầy cúng nhưng chỉ có 2 quan láng là những người được truyền lại theo gia phả, được chỉ định và được các thầy cúng chấp nhận.
Quan láng biết đường đi, giao tiếp được hết với các đấng thần để có thể gặp ngọc hoàng, thượng đế dâng lên mâm cỗ để thưa trình.
“Quan láng sẽ đưa đoàn quân này của ông thầy này lên gặp ngọc hoàng, thượng đế rồi đưa đoàn quân lên du lịch chơi ở sông ngân hà, tắm rửa, uống nước ở đó rồi đưa về. Tất cả đều có những bài hát then để hành lễ”, ông Sợi cho biết…
Cũng như ông Sợi, những người dân ở Nghĩa Đô đang dần ý thức được việc bảo tồn văn hoá của người Tày. Họ giữ nếp ăn, nếp ở và tạo dựng cảnh quan, giữ nghề truyền thống như thêu thùa, dệt thổ cẩm và tập tục canh tác…
Bà Nguyễn Thị San, thôn Nà Khương (Nghĩa Đô) cho biết, các ông bà ngày xưa có công nghiên cứu ra khung cửu dệt vải thì nay phải cố gắng giữ lại cho con dâu, con gái học làm, để không bị mai một.
Trong một tuần bà làm cả ngày đêm có thể dệt đủ tấm chăn thổ cẩm. Chăn này có 2 mặt, một mặt thổ cẩm nhiều hoạ tiết màu sắc còn mặt kia để trắng. Theo quan niệm của người xưa khi sống thì đắp mặt thổ cẩm quay lên trời, khi chết thì đắp mặt thổ cẩm quay xuống đất…
Biến bản làng xa xôi thành nơi nghỉ dưỡng
Chính vì ở Nghĩa Đô còn gìn giữ được nhiều nét văn hoá, tập tục nên du khách thường hay lui tới. Ở nơi này mát mẻ, yên tĩnh, không khí trong lành, được tắm nước đầu nguồn nên nhiều hộ ở các bản cũng bắt đầu đăng ký làm nơi lưu trú cho du khách.
Ông Cổ Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết, xã đã trở thành điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai. Hiện đã có 5 hộ làm dịch vụ homestay đi vào hoạt động có hiệu quả, 15 hộ khác đang xây dựng, quy hoạch, chỉnh trang nhà cửa, trồng hoa, làm đường đi lối lại, làm vườn cây ao cá, bếp ăn, nhà vệ sinh… để thu hút du khách trải nghiệm, đến sinh sống cùng bà con nhân dân trong xã.
“Thực tế hiện nay, do dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến Nghĩa Đô hạn chế trong khi những năm qua chủ yếu là du khách nước ngoài tìm đến đây. Do đó, trong quá trình triển khai bà con vẫn rụt rè chưa dám vay vốn đầu tư. Thời gian tới, xã tuyên truyền cho bà con hiểu về du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp để thấy được hiệu quả và có thu nhập ổn định hơn, nhân rộng số lượng hộ làm du lịch”, ông Cường nói.
Hiện nay, Nghĩa Đô cũng đã được quy hoạch vùng lõi phát triển du lịch, quy hoạch các điểm thác nước, điểm tâm linh, các điểm di tích lịch sử cách mạng trình cấp trên để đầu tư, thu hút du khách đến địa phương nhiều hơn.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Bí thư thường trực huyện Bảo Yên cho biết, Nghị quyết 22 của Đảng bộ huyện Bảo Yên có 4 nhiệm vụ đột phá trong đó có phát triển du lịch cộng đồng.
Trong đó, Tân An - Bảo Hà là trục du lịch tâm linh còn du lịch cộng đồng, huyện xác định xã Nghĩa Đô là trọng điểm. Huyện đã quy hoạch khu du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô trong đó phân ra các hệ sinh thái gồm: 7 bản vùng lõi, vùng đệm và vùng phụ trợ.
Vùng lõi đảm bảo gìn giữ, phát huy văn hoá vật thể và phi vật thể của người Tày; quy hoạch bảo tàng văn hoá dân tộc Tày tại xã Nghĩa Đô; hướng dẫn người dân sống và sinh hoạt gần gũi thiên nhiên và theo đúng nét bản sắc văn hoá dân tộc vốn có.
“Huyện Bảo Yên xác định du lịch cộng đồng là cơ sở, nền tảng gắn với phát triển nông nghiệp trong đó có xây dựng nông thôn mới”, ông Nhẫn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, du lịch cần đi kèm nhiều điều kiện mới có thể phát triển như hạ tầng, nơi lưu trú, bãi độ xe, dịch vụ nhà hàng, nguồn nhân lực… Do đó, trong việc đầu tư các danh mục và thiết kế các công trình hạ tầng cũng sẽ hướng tới nét văn hoá dân tộc Tày như ban hành mẫu nhà sàn.
Ngoài Nghĩa Đô, các xã lân cận như Vĩnh Yên, Xuân Hoà hiện cũng bắt đầu phát triển những homestay trong rừng quế, du khách nước ngoài rất thích.
Nghĩa Đô là một trong những điểm du lịch gắn với ngôn nghiệp của tỉnh Lào Cai. Tại đây, hằng năm có lễ hội cốm, đánh yến, thi gánh nước, bắn nỏ… Ngoài ra, Bảo Yên còn là nôi cách mạng với khu căn cứ cách mạng Đình làng Già Hạ.