| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã nông nghiệp trong cơn khát vốn

VI: Cú hích nào cho HTX phát triển?

Thứ Ba 30/08/2022 , 06:02 (GMT+7)

Không ít HTX đã và đang quyết tâm để thay đổi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng, như vậy chưa đủ, vì điều kiện tiên quyết là vốn, lại không có.

Thay đổi là con đường duy nhất để tồn tại, phát triển

Qua giới thiệu của nhóm tư vấn mô hình hữu cơ, chúng tôi tìm đến vườn bưởi da xanh hơn 2ha của gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, ở thị trấn Chơn Thành, Bình Phước. Vườn bưởi này đã 10 năm tuổi, năng suất cũng khá tốt, nhưng cách đây hơn 1 năm, ông Tâm vẫn quyết định thay đổi cách chăm sóc, canh tác từ thông thường sang hướng hữu cơ. Ông Tâm thay đổi là nhờ nhóm bạn trẻ Vân Anh (công ty Medifood.IO) đến tư vấn.

IMG_191204

Lão nông Nguyên Văn Tâm: "Mình làm nông nghiệp còn thiếu nhiều thứ lắm, cứ khắc phục dần, nhưng trước mắt, khắc phục những thứ có thể khắc phục được, đó là chuyển đổi sang canh tác hữu cơ". Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Tôi có tham gia vào tổ hợp tác bưởi da xanh với mấy hộ quanh đây. Nhưng thực tế vẫn mạnh ai nấy làm, lái mua ai người đó bán, chủ yếu bằng kinh nghiệm, quan hệ. Vườn bưởi của tôi năng suất cũng chẳng kém ai, bưởi chất lượng cũng tốt, chỉ mỗi tội đầu ra bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái, thị trường. Cho nên thu nhập không tính toán chính xác được. Hồi năm ngoái, cháu Vân Anh cùng nhóm bạn sang đây gặp tôi, tham quan vườn rồi bảo vườn đất rất tốt, không cần dùng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, vừa tăng chi phí lại khiến sản phẩm kém chất lượng vì có dư lượng. Không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn đầu ra, nhóm tư vấn cũng hỗ trợ. Vừa có sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, vừa giảm chi phí, canh tác xanh, sạch, không dùng hoá học, chỉ dùng các chế phẩm sinh học, vậy sao mình lại không theo? Trước giờ chưa có ai tư vấn cho mình, nên không biết, giờ biết rồi thì làm thôi. Mây cháu nói làm 1 - 2 vụ theo tư vấn, sau đó sẽ đánh giá lại toàn bộ quy trình, kiểm nghiệm lại đất, sản phẩm, để xem chất lượng trái bưởi, đạt mức nào. Nhưng các cháu tư vấn mục tiêu là làm hữu cơ”, ông Tâm nói.

Anh Bùi Văn Nam, Giám đốc HTX nuôi dê sinh sản Lộc Hoà, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, một điển hình nông dân sản xuất giỏi của xã. Là người đứng ra thành lập HTX, cơ ngơi khá bề thế của gia đình anh Nam ẩn mình trong những vườn tiêu, sầu riêng, bưởi…sum xuê. Phía sau nhà là những dãy chuồng dê được đầu tư bài bản, sàn cách mặt đất hơn 1 mét. Bên trong hàng chục con dê các loại đang ngóng cổ ra ngoài khi thấy ông chủ đến. Anh Nam cho biết, đàn dê được phân từng khu chuồng khác nhau, dành cho dê thương phẩm, dê mẹ đang cho con bú và dê con vừa dứt sữa.

IMG_191203

Từ 2 năm qua, ông Tâm canh tác vườn bưởi hoàn toàn theo quy trình hữu cơ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Năm 2020, HTX nuôi dê sinh sản Lộc Hoà ra đời với 9 thành viên, vốn điều lệ 900 triệu đồng. Sau 2 năm thành lập, HTX đang trên đà phát triển. Đàn dê tăng lên 800 con, nhiều hơn gần gấp đôi so với lúc mới thành lập. Vậy nhưng, khi nói đến chuyện xây dựng một HTX chuyên nghiệp, bài bản, anh lại tỏ vẻ thiếu tự tin. “So với một số HTX khác thì HTX Lộc Hoà này phát triển tương đối chứ không đến nỗi nào. Mặc dù vậy, các thành viên cũng chưa có sự gắn kết, chỉ đơn giản là chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc dê sinh sản, nguồn đầu ra, hoặc giúp nhau ít vốn, vậy thôi chứ ai cũng là nông dân rặt, có biết gi về khoa học - kỹ thuật. Đầu ra sản phẩm cũng mạnh ai nấy lo. Tôi ước HTX có vốn đầu tư một khu giết mổ quy mô, toàn bộ dê của các thành viên HTX sẽ chăm sóc theo 1 quy trình thống nhất. Dê thành phẩm của HTX sẽ mang đến đây giết mổ theo quy trình, sau đó cung cấp cho một đối tác thường xuyên với giá ổn định, thậm chí là xuất khẩu sang các nước lân cận…Nhưng đó chỉ là suy nghĩ thôi chứ sao làm nổi. Tiền đâu mà đầu tư lò giết mổ, ai lo đối tác, đầu ra, ai điều hành quy trình? Nhiều thứ lắm, cái gì cũng cần trình độ, kiến thức chuyên môn”, anh Nam nói.

Trần Mạc Vân Anh, Giám đốc công ty Medifood.IO, chuyên tư vấn cho các nhà vườn chuyển đổi canh tác truyền thống sang hữu cơ, kể: “Mấy năm nay tụi em tư vấn gần 30 mô hình canh tác nông nghiệp rồi. Trong đó có cả những mô hình HTX, em thấy phần lớn là tham gia HTX nhưng vẫn “tự bơi” là chính, thiếu sự gắn kết. Còn kiến thức, đa số họ vẫn làm theo cách truyền thống, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Nhiều hộ cũng tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, cũng nghiên cứu tài liệu, nhưng vẫn là những kiến thức chắp vá, thiếu bài bản. Ngoài vấn đề vốn đầu tư, em nghĩ năng lực, trình độ và sự liên kết, cũng là vấn đề căn bản khiến tình trạng HTX không phát triển được”.

"Nghị quyết trung ương V, khóa IX ra đời đã lâu nên một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX hiện không còn phù hợp, vì vậy cần sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho phù hợp thực tiễn. Ví dụ chính sách đất đai đối với các HTX vùng biên giới hải đảo, cần thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với HTX để làm trụ sở. Việc HTX phát triển sản xuất ở vùng biên giới hải đảo không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn gópphần bảo vệ an ninh quốc gia. Và thực tế, Israel đã làm rất tốt điều này, giúp HTX phát triển rất tốt”, ông Hoàng Văn Long, Viện Kinh tế hợp tác, Bộ NN-PTNT.

Chỉ nông dân thay đổi là chưa đủ

Tại Hội thảo “Góp ý vào các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong Nghị quyết Trung ương V, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cần bổ sung sửa đổi”, do Viện Kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT, cho biết 20 năm qua, các chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể đã bước đầu giúp HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, khẳng định vai trò của HTX trong phát triển nền kinh tế quốc dân.

DSC01052

Anh Bùi Văn Nam, Giám đốc HTX nuôi dê sinh sản Lộc Hoà. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong Nghị quyết Trung ương V, khóa IX tập trung vào 6 nhóm đó là các chính sách về đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, tài chính tín dụng, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, nguồn nhân lực và đầu tư kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của 59/63 tỉnh, thành, tỷ lệ các HTX được hưởng thụ các chính sách trên còn rất thấp. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 26.000 HTX, tuy nhiên, chỉ có 1.591 HTX được giao đất, cho thuê đất để hoạt động theo quy định của pháp luật. Chỉ có 1.716 HTX được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác (nằm trong nhóm chính sách tài chính tín dụng). Mới có 3.766 HTX được hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, 1.525 HTX được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng…

Như vậy có thể thấy, chính sách hỗ trợ đến với các HTX còn quá khiêm tốn, chưa tạo được động lực cho HTX phát triển và thích ứng với cơ chế thị trường. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dù HTX được thành lập nhưng khó phát triển và mở rộng được quy mô, dịch vụ vì thiếu vốn, thiếu đất, thiếu nguồn nhân lực.

Việc HTX chưa tiếp cận được các nguồn hỗ trợ là do chính sách đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX được ban hành nhưng còn dàn trải, phân tán, đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện nên ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn vốn ưu tiên cho HTX.

HTX Phước Hưng, TP.Đồng Xoài, thành lập năm 2014, chuyên sản xuất, kinh doanh và trồng, chế biến, xuất khẩu hạt điều theo tiêu chuẩn organic, là một HTX khá thành công. Sau khi thành lập 1 năm đến nay, HTX luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh theo nghị quyết đại hội thành viên đưa ra. Mỗi năm, HTX đạt sản lượng 600 tấn hạt điều giao cho công ty liên kết xuất khẩu, thu về tiền phúc lợi gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

IMG_191216

Việc HTX thay đổi quy trình canh tác, xây dựng thương hiệu, sản phẩm chất lượng, là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển bền vững. Trong ảnh: Đại điện công ty tư vấn nông nghiệp Medifood.IO hướng dẫn công nghệ cho người làm vườn. 

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cũng vô cùng khó. “HTX cần 3 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng. nhưng khi hỏi thủ tục thì các cơ quan chức năng đòi hỏi thành viên phải có nguồn thế chấp và chỉ được vay chưa đến 700 triệu đồng. Để giải quyết vấn đề này, ban giám đốc HTX phải tự thế chấp nhà đất cá nhân để vay vốn với lãi suất cao từ ngân hàng thương mại và vay vốn từ người thân để đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến. Tôi biết là ngân hàng thừa vốn, nhưng họ cũng là doanh nghiệp, không thể để rủi ro”, ông Vũ Đức Bộ, Giám đốc HTX Phước Hưng nói.

Nhà nước sẽ có những giải pháp để xây dựng “chuỗi giá trị ngành hàng”, kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào các “Cụm liên kết công - nông nghiệp”. Song song đó, nhà nông phải “chuyên nghiệp hoá” nông nghiệp. Như vậy mới mong phát triển bền vững, hạn chế rủi ro được. Khi chưa liên kết được với nhau, người nông dân phải phát huy tính chủ động, trang bị nhiều kỹ năng, chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất, để tối ưu hóa lợi nhuận. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.