| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã nông nghiệp trong cơn khát vốn [Bài 4]: Đi vay vốn khó như... lên trời

Thứ Sáu 26/08/2022 , 11:22 (GMT+7)

Đại đa số các hợp tác xã đều có nguồn vốn điều lệ rất thấp, bởi thành viên đều là nông dân, vốn góp vào HTX cũng chính là chiếc 'cần câu cơm' của họ.

Chỉ 3,7% HTX được tiếp cận tín dụng hàng năm

Trò chuyện với bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) chuyên trồng điều organic tâm sự: “HTX thành lập đến nay được 8 năm với 64 thành viên. Tuy nhiên, sau một thời gian, số thành viên giảm đi chỉ còn một nửa. Nguyên nhân vì HTX định hướng sản xuất điều theo quy trình organic, nhưng hơn 90% thành viên là đồng bào thiểu số, thực hiện chăm sóc vườn điều theotiêu chuẩn organic đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, khác hẳn với tập quán canh tác truyền thống xưa, họ thấy khó nên xin rút dần.

Lúc này, tôi phải đi thuyết phục từng người, phân tích, chứng minh cho họ thấy lợi ích của việc tham gia HTX, như được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăm sóc, bao tiêu đầu ra với giá tốt hơn, sản phẩm hạt điều chất lượng cao… Nên cuối cùng, số thành viên lại tăng dần, hiện đã lên đến con số 181. Diện tích hiện nay đạt 794,8ha, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm mới thành lập”.

DSC020083

Mặc dù kha thành công với HTX điều hữu cơ, nhưng HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập nhiều năm nay vẫn phải "tự lực cánh sinh", không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tính dụng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nhưng, khó khăn lớn nhất của HTX khi đó không phải vấn đề thành viên, mà là nguồn vốn. Thời điểm mới thành lập, tài sản của HTX là hơn 300ha điều quy ra thành tiền chứ không có đồng tiền mặt nào. “Mấy năm liền, HTX hoạt động bằng tinh thần là chính, lương bổng không có, tiền mặt không có đồng nào, chỉ có gần 800ha điều quy ra tiền thôi”, bà Yến nói tiếp.

Không có tiền mặt nên còn nhiều khó khăn trước mắt và cả trong tương lai. May mắn là mấy năm gần đây, tỉnh Bình Phước chủ trương mở rộng, phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững, nên HTX đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh, huyện và các ban ngành. Bà con được hỗ trợ máy phun xịt, cắt cỏ, tỉa cành, máy thổi…nên ngoài giảm được chi phí đầu tư không nhỏ ra, còn thu hút đồng bào tham gia đông hơn.

Nói về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bà Yến cho biết, do HTX không có tài sản gì ngoài vườn điều của các hộ dân. Trong khi vườn điều là đất nông nghiệp, phía ngân hàng định giá rất thấp, không đủ đảm bảo để thế chấp nên khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nên lâu nay vẫn phải “tự lực cánh sinh”. Hàng năm, HTX dành khoảng 1 tỷ đồng để ứng cho các xã viên vay đầu tư. Người 10 triệu, 2 chục triệu để họ có kinh phí trang trải chăm sóc vườn.

DSC020081

Điều ghép của HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập. Ảnh: Hồng Thuỷ. 

“HTX tiếp cận nguồn vốn thương mại rất khó khăn bởi những đòi hỏi khắt khe đối với tài sản đảm bảo, thế chấp… Đứng trên phương diện tập thể, đi vay thực sự rất khó vì HTX không có nhiều tài sản chung. Nhiều lần, Ban chủ nhiệm HTX phải vay thế chấp, tín chấp trên danh nghĩa cá nhân để HTX có vốn duy trì sản xuất nhưng chỉ như muối bỏ biển. Chúng tôi rất muốn được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, thời gian vay dài hạn. Cam kết đến kỳ hạn, chúng tôi sẽ huy động vốn của thành viên để trả cả gốc và lãi”, bà Yến nói.

Tại diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã”, do Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 của Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết hiện cả nước có 18.795 HTX nông nghiệp, chiếm 70% tổng số các loại hình hợp tác xã cả nước, thu hút 3,2 triệu thành viên. Hiện tại, vốn bình quân của mỗi HTX chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng. “Tình hình góp vốn của thành viên vào HTX chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng/HTX, nhiều thành viên góp ít vốn hoặc thậm chí là không góp vốn dù trong luật HTX có quy định”, ông Định nói.

Đề cập về hoạt động tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Định cho biết: “tổng dư nợ đến năm 2021 của HTX nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 HTX được hỗ trợ quỹ tín dụng, 3,7% được tiếp cận tín dụng hàng năm. Đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển”.

Toàn tỉnh Bình Phước có 282 HTX, nhưng hiện đã có 74 HTX ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động. Trong số 208 HTX đang hoạt động, chỉ có 29% HTX hoạt động hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng HTX hoạt động kém hiệu quả, mặc dù tỉnh Bình Phước đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ. Đó là do năng lực ban lãnh đạo HTX còn hạn chế, tư duy lối mòn, khó khăn về nguồn nhân lực, và đặc biệt là khó khăn về nguồn lực tài chính, trong khi có quá nhiều “rào cản” để HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Muốn phát triển thì phải đầu tư, phải có vốn, trong khi, để tiếp cận ngân hàng, "thân phận" nghèo của HTX khiến họ “vướng” đủ thứ rào cản. Cái “cần câu cơm” (đất canh tác, đất nông nghiệp) của các xã viên không đủ giá trị để ngân hàng rót vốn cho HTX.

Nguồn lực hỗ trợ của tỉnh như muối bỏ biển

DSC020086

HTX Mộc Chơn Thành là một trong số ít những HTX may mắn được tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư. Ảnh: Đỗ Trình. 

Thời gian qua, Bình Phước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể mà nòng cốt HTX phát triển. Thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, 16 HTX ở các xã nông thôn mới được đầu tư 18 tỷ đồng thực hiện dự án phát triển đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, quy mô vốn của quỹ hiện vẫn quá nhỏ so với nhu cầu của các HTX trên địa bàn tỉnh.

Không nhiều HTX được tiếp cận nguồn vốn, nhưng khi được vay, họ đều phát huy hiệu quả số vốn này. Trong số các HTX được vay vốn và hoạt động hiệu quả, có 2 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến gỗ được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng. Dự án đầu tư con giống và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt bò 1 tỷ đồng. Các dự án còn lại tập trung vào lĩnh vực thế mạnh ở địa phương như mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển thị trường tiêu thụ cây trồng chủ lực như: cây ăn trái, cao su, điều, tiêu...

“HTX được vay 1,5 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Tôi đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, nhờ vậy HTX đã tăng năng suất lao động rất nhiều, có thể sản xuất số lượng lớn, đồng loạt, đáp ứng các đơn hàng lớn, tạo ra mẫu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng…Doanh thu hàng năm của HTX luôn đạt trên 4 tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho hơn 35 lao động và huy động thêm khoảng 20-40 lao động thời vụ. Thu nhập của người lao động đạt từ 5-7 triệu đồng/tháng”, ông Phạm Xuân Việt, Giám đốc HTX Mộc Chơn Thành (huyện Chơn Thành), nói.

DSC020087

Anh Bùi Tiến Dũng, thành viên HTX Mộc Chơn Thành:"Tôi may mắn được vay ưu đãi 50 triệu, thêm tiền gia đình nữa, tôi đầu tư máy CNC hiện đại, nhờ vậy mà thu nhập tăng gấp mấy lần trước". Ảnh: Đỗ Trình.

Một thành viên của HTX Mộc Chơn Thành là anh Bùi Tiến Dũng, khoe: “Tôi được vay 50 triệu đồng, cùng với vốn góp của gia đình, tôi mua máy CNC, dòng máy thiết kế chuyên dụng, tự động hóa trong sản xuất đồ gỗ. Từ đó, sản phẩm làm ra nhanh, nhiều hơn. Đồng thời, chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu khách hàng. Nhờ đó, anh có nhiều đơn đặt hàng, cho thu nhập tốt hơn”.

Bà Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước cho biết: “Năm 2021, khi tôi còn là Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, quỹ đã cho 11 HTX có dự án đầu tư phát triển khả thi vay 8 tỷ đồng. Để tiếp cận được vốn, các HTX phải chủ động, nỗ lực, củng cố bộ máy điều hành, chuẩn bị tốt nhân sự. Tuy nhiên, do nguồn lực của quỹ có hạn nên nhiều hồ sơ đủ điều kiện vay vốn mà quỹ không thể đáp ứng hết. Do đó, quỹ chỉ đủ khả năng ưu tiên cho vay ở những lĩnh vực cần ưu tiên và có tính khả thi như HTX nông thôn mới, HTX xây dựng được chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xử lý môi trường…”.

“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước đề ra, đến năm 2025, phát triển mới 60 tổ hợp tác, 150 HTX và 1 liên hiệp HTX. Đồng thời, phấn đấu 100% HTX thành viên hoạt động gắn với chuỗi giá trị, có thương hiệu cũng như thị trường tiêu thụ; 100% HTX được tiếp cận chính sách hỗ trợ, ưu đãi...Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu trên là điều không dễ, bởi nguồn lực của tỉnh có hạn, trong khi còn tồn tại những hạn chế cảu HTX như tài sản, nhân sự…”.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất