| Hotline: 0983.970.780

Vì sao giao đất cây xanh cho vợ Trưởng Ban Quản lý Cụm công nghiệp?

Thứ Tư 21/04/2021 , 07:26 (GMT+7)

Hai trạm biến áp lại được xây dựng tại vị trí đất dành cho cây xanh. Diện tích đất cây xanh còn lại được giao cho vợ của Trưởng Ban Quản lý Cụm công nghiệp.

khu đầu mối kỹ thuật Chợ Sắt 889 m2 đã được giao cho 2 công dân.

khu đầu mối kỹ thuật Chợ Sắt 889 m2 đã được giao cho 2 công dân.

Theo đơn của công dân xã Tề Lỗ(huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thì tại quyết định số 1435/QĐ-UBND ngày 16/9/2010 quy hoạch chi tiết 1/500 khu công nghiệp làng nghề Tề Lỗ và khu kính doanh dịch vụ Chợ Sắt đã được phê duyệt, bao gồm diện tích đất phân lô giao cho các hộ dân làm công nghiệp và kinh doanh dịch vụ, đất cây xanh, đất đường giao thông…trong đó đất đầu mối kỹ thuật khu Chợ Sắt có diện tích 889 m2, khu đầu mối kỹ thuật làng nghề Tề Lỗ 1584 m2, dùng đặt trạm biến áp để cung cấp điện cho các hộ.

Đây là bản đồ quy hoạch gốc, đã được công khai cho toàn dân biết.

Thế nhưng trên thực tế, hai trạm biến áp lại được xây dựng tại vị trí đất dành cho cây xanh, trước khuôn viên nhà điều hành của ban quản lý cụm công nghiệp, có diện tích 562 m2. Tại đây, ngoài 2 trạm biến áp, còn xây dựng thêm 1 trạm đo đếm, cả 3 trạm chiếm 266 m2, còn lại 296 m2 đất cây xanh được UBND huyện giao cho bà Nguyễn Thị Dương, vợ ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng Ban Quản lý Cụm công nghiệp.

Còn diện tích đất đầu mối kỹ thuật khu kinh doanh dịch vụ Chợ Sắt có diện tích 889 m2 được chia thành 2 lô: lô có ký hiệu C53 có diện tích 401,5 m2 được giao cho bà Nguyễn Thị Hồng Ánh. Lô có ký hiệu C52 có diện tích 453,4 m2 được giao cho bà Tạ Thị Yến.

Theo phương án số 1710, đã được UBND huyện Yên Lạc phê duyệt, thì đất kinh doanh dịch vụ chỉ giao cho những hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi . Và các hộ chỉ được giao đất sau khi đã dồn ghép với nhau được một diện tích từ 100 m2 trở lên. Muốn dồn ghép, phải được UBND xã Tề Lỗ cho phép và xác nhận. 3 hộ Nguyễn Thị Dương, Tạ Thị Yến, Nguyễn Thị Hồng Ánh không hộ nào có đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng vẫn được nhận đất dịch vụ. Bà Nguyễn Thị Hồng Ánh chỉ dồn ghép từ các hộ khác được 215,8 m2, nhưng lại được UBND huyện giao 401,5 m2 , thừa tới 185,7 m2 ? còn bà Tạ Thị Yến cũng chỉ dồn ghép được 275,2 m2 nhưng lại được giao 453,4 m2, thừa tới 138,2 m2 ? Hiện cả 3 hộ Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Thị Hồng Ánh, Tạ Thị Yến đều đã chuyển nhượng diện tích được giao cho người khác, kiếm được những khoản chênh lệch rất lớn. Những phản ánh trên cho thấy UBND huyện Yên Lạc có dấu hiệu vi phạm quy hoạch, và giao đất trái quy định. Rất nhiều lần UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Yên Lạc phải giải quyết dứt điểm những khiếu kiện của họ. Nhưng UBND huyện vẫn chưa giải quyết thỏa đáng.

Trả lời những câu hỏi trên của chúng tôi, được sự ủy quyền của chủ tịch UBND huyện Yên Lạc, ông Hoàng Văn Điện, phó giám đốc ban quản lý dự án huyện Yên Lạc, cho biết, bản đồ quy hoạch gốc là bản đồ mang số 138/QĐ-UBND, còn bản đồ mang số 1435/QĐ-UBND là bản đồ điều chỉnh quy hoạch 2 khu công nghiệp làng nghề Tề Lỗ và kinh doanh dịch vụ Chợ Sắt, và cũng chỉ điều chỉnh phần hạ tầng, còn các phần khác vẫn giữ nguyên. Tiếp theo, ngày 30/11/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn ban hành quyết định số 3385/QĐ-UBND “phê duyệt điều chỉnh QHCT tỉ lệ 1/500 cụm công nghiệp Tề Lỗ” do phó chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang ký. Theo quyết định này, thì đất đầu mối kỹ thuật khu kinh doanh dịch vụ có diện tích 889 m2 dùng xây dựng trạm biến áp đã được chuyển thành đất kinh doanh dịch vụ. Ngày 4/5/2018 UBND huyện đã có các quyết định số 1251 và 1252, giao cho hai bà Tạ Thị Yến và Nguyễn Thị Hồng Ánh diện tích 453,4 m2 và 401,5 m2. Việc giao đất này là đúng quy định của pháp luật.

Những trả lời trên của ông Hoàng Văn Điện không được những người dân khiếu kiện ở Tề Lỗ chấp nhận. Toàn bộ quyết định 3385/QĐ-UBND không có một dòng nào nói đến việc chuyển 889 m2 đất đầu mối kỹ thuật thành đất kinh doanh dịch vụ. Không những thế, phần “nội dung quy hoạch sử dụng đất sau điều chỉnh” còn ghi rất rõ : đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật tổng diện tích 3.206 m2 gồm 2 lô kí hiệu ĐMKT-01 và ĐMKT-02. Vượt hơn 700 m2 so với quy hoạch ban đầu (hai khu đầu mối kỹ thuật chỉ có tổng diện tích 889 m2+ 1.584 m2). Nếu cho rằng quyết định số 3385/QĐ-UBND đã chuyển 889 m2 đất đầu mối kỹ thuật của khu dịch vụ Chợ Sắt thành đất dịch vụ, thì 3.206 m2 đất đầu mối kỹ thuật của cả 2 khu đặt ở đâu ? mỗi khu bao nhiêu m2, trong khi 2 trạm biến thế và 1 trạm đo đếm vẫn yên vị ở một phần đất cây xanh cạnh trụ sở của ban quản lý cụm công nghiệp ? hay là nó cũng đã được giao cho một số cá nhân khác ? Điều hết sức lạ lùng nữa là ngày 25/3/2021, ông phó phòng kinh tế hạ tầng huyện, ông trưởng ban quản lý dự án huyện, đại diện UBND xã và địa chính xã Tề Lỗ đã dẫn một số người dân Tề Lỗ đi “kiểm tra thực địa”. Những cán bộ đó đã chỉ vào một số diện tích đất cạnh hai khu công nghiệp làng nghề Tề Lỗ và khu kinh doanh dịch vụ Chợ Sắt, trong đó có cả đất của nhà sư chùa Tề Lỗ, bảo đó là đất cây xanh. Khi người dân hỏi lại rằng đó đều là đất mà người dân đang canh tác, chưa hề có quyết định thu hồi, sao lại trồng cây xanh được trong khi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai khu đều đã có đủ đất danh cho cây xanh ? Vậy nay những diện tích đất cây xanh trong quy hoạch đi đâu ? thì họ không trả lời.

Điều mong muốn nhất của nhiều người dân hiện nay là UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Thanh tra tỉnh tổ chức một cuộc thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trong hai khu công nghiệp làng nghề Tề Lỗ, khu dịch vụ Chợ Sắt.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.