Sản phẩm bưởi Đại Minh ở huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) từ xưa đã được mệnh danh là "bưởi tiến vua" bởi chất lượng thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Mỗi năm, các vườn bưởi mang về thu nhập vài chục tỷ đồng cho người dân địa phương. Cả xã hiện có hơn 425ha bưởi, nhiều diện tích bưởi tuổi đời đến 60 - 70 năm, có cây đến 200 năm.
Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kéo dài và hồ thủy điện xả lũ đã gây ra ngập úng trên diện rộng ở nhiều xã của huyện Yên Bình, nhiều vườn bưởi ở các thôn Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ (xã Đại Minh) bị thiệt hại. Hiện nhiều diện tích bưởi bị ngập cây đang rụng lá, rụng quả và chết hàng loạt, nhiều hộ dân mất trắng.
Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, cả xã có khoảng 475ha cây ăn quả các loại, trong đó có 425ha bưởi với khoảng hơn 700 hộ dân trồng. Các giống bưởi được trồng chủ yếu là Khả Lĩnh, Cát quế, Tân Lạc, bưởi Diễn và một số giống bưởi khác.
Năm 2023, sản lượng bưởi của địa phương ước đạt khoảng 5.700 tấn, đem về thu nhập trên 50 tỉ đồng. Cây bưởi là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân trong xã, vì vậy sau khi lũ rút, xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện kiểm tra, đánh gia mức độ thiệt hại để có phương án khắc phục phù hợp.
Theo số liệu rà soát của địa phương, gần 40ha bưởi bị thiệt hại trên 70%, trong đó hơn 11ha chết trắng. Những diện tích bị ảnh hưởng còn lại có hiện tượng nhiều cành khô, héo lá, rụng hết quả, nếu không có giải pháp khắc phục có thể sẽ tiếp tục chết khô.
Vừa qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã kiểm tra thực tế một số vườn bưởi ở Đại Minh. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều diện tích cây bưởi sau ngập úng bị khô toàn bộ lá, có cây khô một phần, chỉ còn một vài tán trên ngọn và rụng quả.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lá bị ngập trong nước lâu ngày, mất khả năng quang hợp, thối rụng; phần gốc cây bị long tróc do gió bão, bộ rễ bị tổn thương do sây sát và bị vi sinh vật gây hại.
Theo TS Bùi Quang Đãng, Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), đối với trường hợp cây còn khả năng phục hồi (còn cành sống, trên cành còn lá), dùng cuốc cào trên mặt đất vùng rễ, thấy rễ thơm, không có mùi thối thì cần áp dụng ngay các biện pháp xử lý theo 4 bước.
Bước 1: Vệ sinh toàn bộ vườn cây, đối với cây bị hại nhẹ còn nguyên vẹn cành, lá hoặc có ít cành bị chết thì chỉ cắt bỏ cành chết, sau khi cây hồi phục mới tỉa cành, tạo tán.
Đối với cây bị hại trung bình, cần cắt bỏ toàn bộ cành chết và cành bên dưới, để lại phần tán trên ngọn, sau khi cành bên hồi phục sẽ tạo lại toàn bộ tán cây.
Đối với cây bị hại nặng, chỉ còn cành lá tươi trên ngọn, cắt bỏ toàn bộ cành chết và cành không còn lá, để lại các cành còn lá, sau khi cây hồi phục sẽ tiến hành tạo lại bộ tán.
Bước 2: Thực hiện vệ sinh vùng gốc cây, vườn cây, thu gom toàn bộ quả rụng trong vườn, đào hố chôn quả rụng, rắc vôi vào hố chôn để khử trùng; dọn sạch cành khô, vật dụng trôi dạt trên mặt vườn. Xới phá váng toàn bộ mặt vườn, độ sâu 3 - 5cm, xung quanh gốc làm trước.
Ở vườn thấp, nền đất bị bồi cao, phải gạt hết đất bồi quanh gốc cho thông thoáng. Rắc vôi bột với lượng nhỏ vào vùng rễ cây và trên mặt vườn. Khơi thêm rãnh thoát nước trong vườn, không được tấp đất vừa đào lên vào gốc cây.
Bước 3: Phục hồi bộ rễ sau khi xử lý bước 1 và 2. Sử dụng phân bón TrimixDT Super Roots hoặc Trimix DT02 vào vùng rễ, liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bước 4: Dưỡng cây sau hồi phục, tỉa thưa mầm mới mọc từ khung tán vừa vệ sinh. Khi bộ rễ đã hồi phục hoàn toàn, kiểm tra thấy có rễ tơ trắng thì bón cân đối phân NPK.
Ngoài ra, đối với trường hợp cây bị hại nặng, toàn bộ lá bị rụng, cành bị chết cần đào bỏ cây chết đem tiêu hủy, xử lý đất và trồng lại.
“Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ cử đoàn chuyên gia đến xử lý nấm bệnh và xử lý chế phẩm kích thích hoạt động của bộ rễ. Viện sẽ mang vật tư làm mẫu trên một số diện tích để hướng dẫn cán bộ kỹ thuật và người dân thực hiện nhằm sớm phục hồi vùng bưởi quý”, TS Bùi Quang Đãng cho biết.