| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh biệt người "anh lớn" của ngành nông nghiệp Nam Bộ

Thứ Hai 02/06/2008 , 07:15 (GMT+7)

Sáng sớm ngày 31/5, tại sân Nhà tang lễ TP HCM, đã có mặt khá đông cán bộ, trí thức lão thành trong ngành nông nghiệp Nam Bộ. Họ đến để tiễn đưa người mà lâu nay họ vẫn kính trọng gọi là “anh Sáu”, “chú Sáu”.

Ông Nguyễn Đăng

PGS.TS Lê Minh Triết, nguyên Chủ nhiệm khoa Nông học, Trường Đại học Nông – Lâm TP HCM, nghẹn ngào: “Nghe tin chú Sáu bệnh nặng, chúng tôi, những cựu sinh viên, giảng viên cũ của ĐH Nông nghiệp 1, thời chú Sáu còn đương chức hiệu trưởng, đã bàn nhau 9 giờ sáng nay đến thăm chú. Ai ngờ …”.

“Anh Sáu” hay “chú Sáu”, tên thật là Nguyễn Đăng, người gốc Tây Ninh, con cái gia đình khá giả. Suốt thời tuổi trẻ, ông đã được ăn học  tới đại học ở Tây Ninh, Sài Gòn và Hà Nội. Ngay từ trước năm 1945, ông đã lấy được bằng kỹ sư Canh nông. Thời sinh viên, Nguyễn Đăng đã sớm nhận thức được tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, vì vậy, ông đã sớm tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Sài Gòn và Hà Nội. Tháng 6/1944, thi hành chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã tham gia sáng lập và là uỷ viên trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam, đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh chống Pháp, hoạt động bí mật tại Cần Thơ. Tháng 8/1945, ông đã tham gia cướp chính quyền tại đây.

Trong suốt 9 năm chống Pháp, Nguyễn Đăng đã hoạt động chiến đấu suốt từ miền Tây Nam Bộ tới vùng Nam Trung Bộ, và đã đóng góp nhiều công lao. Sau Hiệp định Genève, ông ra Bắc, từ giã chiếc áo lính trận và tham gia vào ngành nông nghiệp theo đúng chuyên môn mà ông đã học trước đây. Ông được cử làm Trưởng ban xây dựng ĐH Nông Lâm nghiệp Hà Nội, rồi làm Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Trên những cương vị này, ông đã cùng các đồng chí của mình, chung sức vượt qua qua bao khó khăn, thiếu thốn thuở ban đầu để đào tạo những kỹ sư, những trí thức cho ngành nông nghiệp nước nhà. Là người miền Nam, mặc dù lúc ấy đất nước đang bị chia cắt, ông đã tính ngay tới việc đào tạo những trí thức, kỹ sư có tài để sau này về phục vụ nông nghiệp miền Nam.

Vậy là sau mười mấy năm ra sức xây dựng ĐH Nông nghiệp I Hà Nội trở thành một trường trọng điểm quốc gia, đã đào tạo được nhiều sinh viên trở thành những nhà khoa học ưu tú trong ngành nông nghiệp nước nhà, chú Sáu Đăng đã được trở về trực tiếp bắt tay vào xây dựng ngành nông nghiệp cho quê hương miền Nam yêu dấu của mình. Trên cương vị mới, ông đã góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp trong vùng “da báo” để góp phần đảm bảo lương thực cho vùng giải phóng.

Ngay trong ngày giải phóng Sài Gòn (30/4/1975), Ban Nông nghiệp của ông đã được giao nhiệm vụ tiếp quản Bộ Canh nông của chế độ cũ và Trường ĐH Nông – Lâm – Súc. Ngay sau đó, bằng tài năng, đức độ cũng như tầm nhìn xa của mình, ông đã sớm quy tụ quanh mình được một đội ngũ trí thức nông nghiệp giàu nhiệt huyết, có tài năng, gồm những người đã từng theo ông từ miền Bắc vào xây dựng Ban Nông nghiệp của Trung ương Cục Miền Nam, và cả những trí thức, giáo chức trong ngành nông nghiệp của chế độ cũ. Từ đó, ông đã có công không nhỏ trong việc tạo nên đội ngũ cán bộ, trí thức cốt cán cho sự phát triển của ngành nông nghiệp ở phía Nam sau ngày giải phóng. Ông được nhiều lớp cán bộ, trí thức nông nghiệp miền Nam kính trọng như một người anh lớn, thân thiết, kể cả khi ông rời cương vị quản lý đã lâu.

Khi viết những dòng này, chúng tôi cứ nhớ mãi lời tâm sự của TS Võ Mai: “Chú Sáu Đăng là người tài đức vẹn toàn. Thời trẻ của ông ấy hào hoa, phong nhã lắm, lại là con nhà gia thế, mà vẫn quyết tâm đi theo Cách mạng tới cùng. Đến bây giờ, nhắc đến chú Sáu Đăng, nhiều người vẫn còn khâm phục ông ấy lắm. Nếu viết về chú Sáu, thì phải viết cả một cuốn sách mới đủ”. Bài báo này của chúng tôi, quả là quá nhỏ bé và sơ sài so với một cuốn sách mà TS Võ Mai ao ước. Nhưng cũng xin xem đây là một nén tâm hương mà lớp hậu bối chúng tôi thành kính tưởng nhớ tới một người trọn đời đi theo Bác Hồ và đã đóng góp công lao không nhỏ cho ngành nông nghiệp cả nước.

Ông Nguyễn Đăng từng giữ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT). Là đại biểu Quốc hội khoá I, khoá II, khoá III, khoá VI và khoá VII. Và, từng  giữ chức  chủ nhiệm Báo Nông nghiệp Việt Nam. Suốt mấy chục năm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, ông Nguyễn Đăng đã được trao tặng Đảng, Nhà Nước và Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba, Huy chương Quyết thắng chống Mỹ, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy chương vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, Huy chương vì sự nghiệp các hội khoa học và kỹ thuật, Huy chương Hội CCB, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ …

Lễ truy điện và lễ tang ông Nguyễn Đăng sẽ được cử hành trọng thể tại Nhà tang lễ TP HCM vào sáng sớm ngày 2/6/2008.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Lương HLV Kim Sang-sik nhận được ở Việt Nam bao nhiêu?

HLV Kim Sang-sik không nhận mức lương quá cao như nhiều tin đồn khi dẫn dắt đội U23 và tuyển Việt Nam trong bản hợp đồng kéo dài 2 năm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.