| Hotline: 0983.970.780

Vợ Chánh án chiếm rừng phòng hộ, nguyên Bí thư Huyện ủy sở hữu 115ha rừng

Thứ Sáu 15/07/2022 , 19:04 (GMT+7)

Thời gian gần đây, dư luận ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) bỗng ‘nóng ran’ chuyện lấn chiếm đất rừng, đối tượng vi phạm lại có liên quan đến cán bộ huyện.

Vợ chánh án lấn chiếm đất rừng phòng hộ

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh(Bình Định), vào ngày 20/5/2021, bà Trương Thị Lệ Thâm ở khu phố Định An (thị trấn Vĩnh Thạnh) lấn chiếm rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý với diện tích 58,2m2. Diện tích đất rừng bị lấn chiếm nói trên nằm tại khoảnh 1, tiểu khu 184B thuộc thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) đã được bà Thâm dựng căn nhà sàn trái phép bằng gỗ có chiều cao 7m, mái lợp tôn với diện tích 53 m2 và xây dựng nhà vệ sinh 5,2 m2.

Ngày 9/11/2021, UBND huyện Vĩnh Thạnh ban hành Quyết định số 2506 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Trương Thị Lệ Thâm số tiền 5 triệu đồng, buộc phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm, trả lại nguyên trạng trong thời hạn 30 ngày. Thế nhưng đến nay, căn nhà sàn nói trên của bà Thâm vẫn ngang nhiên tồn tại khiến dư luận bức xúc.

Bảng cấm xâm phạm rừng phòng hộ được đặt ngay đường vào khu nhà sản của bà Trương Thị Lệ Thâm. Ảnh: Đ.T.

Bảng cấm xâm phạm rừng phòng hộ được đặt ngay đường vào khu nhà sản của bà Trương Thị Lệ Thâm. Ảnh: Đ.T.

Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Bà Trương Thị Lệ Thâm xây dựng nhà sàn trên đất rừng phòng hộ lén lút vào ban đêm và các ngày nghỉ lễ để qua mắt chính quyền địa phương. Đầu tiên, bà Thâm nhờ anh rể là ông Nguyễn Hữu Đức đứng tên. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, ông Đức thấy vụ việc phức tạp, sợ ảnh hưởng đến cá nhân, nên ông Đức làm đơn trình bày sự thật là căn nhà sàn ấy không phải của ông, mà là của bà Thâm. Vì vậy, UBND xã lập hồ sơ xác định lại đối tượng vi phạm ban đầu đối với bà Thâm”.

1 cây gỗ lớn trong khu rừng phòng hộ bà Thâm lấn chiếm để xây dựng nhà sàn bị chặt hạ. Ảnh: Đ.T.

1 cây gỗ lớn trong khu rừng phòng hộ bà Thâm lấn chiếm để xây dựng nhà sàn bị chặt hạ. Ảnh: Đ.T.

Sau khi phát hiện vụ việc, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã báo cáo lên UBND huyện và chờ kết quả xử lý. Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng phương án cưỡng chế vi phạm đối với bà Trương Thị Lệ Thâm. Bà Thâm nguyên là Phó Phòng Y tế huyện Vĩnh Thạnh, là vợ của ông Trần Quốc Biểu, Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh.

Căn nhà sàn xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý vẫn ngang nhiên tồn tại. Ảnh: Đ.T.

Căn nhà sàn xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý vẫn ngang nhiên tồn tại. Ảnh: Đ.T.

“UBND huyện Vĩnh Thạnh đã báo cáo vụ việc lên Thường trực Huyện uỷ xem xét, cho ý kiến về hình thức xử lý đối với chồng bà Trương Thị Lệ Thâm là ông Trần Quốc Biểu, Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh. Bởi, ông Biểu là cán bộ huyện nhưng để vợ trực tiếp vi phạm Luật Đất đai, lấn chiếm đất rừng phòng hộ để dựng nhà sàn trái phép là sai quy định của Đảng và Nhà nước. Lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo xử lý quyết liệt, buộc bà Thâm phải trả lại diện tích đất rừng phòng hộ đã chiếm để đơn vị quản lý trồng rừng theo quy hoạch được duyệt”, ông Lê Minh Thông nói kiên quyết.

Qua kiểm tra các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép tại khu vực ven hồ Định Bình từ năm 2004 đến năm 2021, UBND huyện Vĩnh Thạnh phát hiện có 33 hộ xây dựng lán trại trái phép dọc hồ Định Bình; trong đó, có 31 hộ xây dựng tạm bợ để phục vụ sản xuất và 2 hộ xây dựng nhà kiên cố, trong đó có căn nhà sàn cùng công trình phụ của bà Trương Thị Lệ Thâm và của 1 hộ dân khác. Căn nhà sàn cùng công trình phụ trợ của bà Trương Thị Lệ Thâm không chỉ lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ mà còn xâm phạm đến khu vực ven hồ Định Bình.

Thêm 1 cây gỗ lớn khác trong khu rừng phòng hộ bà Thâm lấn chiếm để xây dựng nhà sàn bị chặt hạ. Ảnh: Đ.T.

Thêm 1 cây gỗ lớn khác trong khu rừng phòng hộ bà Thâm lấn chiếm để xây dựng nhà sàn bị chặt hạ. Ảnh: Đ.T.

Nguyên Bí thư Huyện ủy sở hữu 115 ha đất rừng

Người dân huyện Vĩnh Thạnh hiện không chỉ “râm ran” chuyện căn nhà sàn dựng trái phép ngang nhiên tồn tại trên đất rừng phòng hộ của vợ ông Chánh án TAND huyện, mà còn hoài nghi về việc cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích 115 ha đất trồng rừng sản xuất gắn với trồng rừng phòng hộ tại khoảnh 6, tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp) cho ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, là không đúng quy định pháp luật?

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, năm 2004, UBND huyện Vĩnh Thạnh cấp Quyết định giao đất trồng rừng sản xuất gắn với trồng rừng phòng hộ tại khoảnh 6, tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp) theo chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho 4 hộ dân, gồm: Hộ ông Bùi Văn Sum với diện tích 250.000m2, hộ bà Bùi Thị Ngọc Vân với diện tích 300.000m2, hộ ông Nguyễn Đình Sơn (con ruột của nguyên Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Kim) với diện tích 300.000m2 và hộ bà Nguyễn Thị Thứ với diện tích 300.000m2. Năm 2008, UBND huyện Vĩnh Thạnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ này. Đến năm 2018 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 3 hộ ông Bùi Văn Sum, bà Bùi Thị Ngọc Vân và bà Nguyễn Thị Thứ được chuyển sang tên ông Nguyễn Đình Kim.

Hiện trạng cho thấy, hầu hết diện tích đất nói trên đã trồng cây luồng, 1 phần diện tích trồng cây sao đen, điều và 1 số diện tích trồng keo đã khai thác vào năm 2021. Qua kiểm tra hiện trường, hiện trạng thực địa không đúng so với kết quả theo dõi diễn biến rừng. Hiện nay trên diện tích 115 ha, ông Nguyễn Đình Kim đang thuê công phát dọn và xử lý thực bì tại các vị trí có trồng cây luồng, sao đen, điều và trên diện tích đã khai thác cây keo.

“UBND xã Vĩnh Hiệp đã yêu cầu ông Nguyễn Đình Kim không phát dọn hoặc có bất kỳ tác động nào trên diện tích có rừng đang sinh trưởng và phát triển”, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, cho hay.

Cây keo con mới trồng trong diện tích 115 ha đất trồng rừng sản xuất gắn với trồng rừng phòng hộ tại khoảnh 6, tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp) của ông Nguyễn Đình Kim. Ảnh: N.D.C.C.

Cây keo con mới trồng trong diện tích 115 ha đất trồng rừng sản xuất gắn với trồng rừng phòng hộ tại khoảnh 6, tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp) của ông Nguyễn Đình Kim. Ảnh: N.D.C.C.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Kim cho biết thì hiện 115 ha đất rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp) đã được chuyển nhượng lại cho bà Lâm Thị Vân ở xã Vĩnh Hiệp. Từ thông tin nói trên, UBND xã Vĩnh Hiệp yêu cầu ông Nguyễn Đình Kim xuất trình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho bà Lâm Thị Vân thì ông Kim không xuất trình được. Sau đó, UBND xã Vĩnh Hiệp đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện Vĩnh Thạnh, Hạt Kiểm lâm, Phòng TN-MT cùng Phòng NN-PTNT huyện biết để chỉ đạo, giải quyết.

Về vấn đề này, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: Trên cơ sở báo cáo của UBND xã Vĩnh Hiệp, UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã Vĩnh Hiệp kiểm tra việc phát dọn và xử lý thực bì tại tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp). Trường hợp nếu có hành vi vi phạm thì xử lý theo quy định pháp luật. Giao Phòng TN-MT phối hợp với UBND xã Vĩnh Hiệp kiểm tra việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân đã được UBND huyện Vĩnh Thạnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp), báo cáo kết quả cho UBND huyện trước ngày 20/7/2022.

Khu đất rừng của ông Nguyễn Đình Kim nằm trong lòng hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: N.D.C.C.

Khu đất rừng của ông Nguyễn Đình Kim nằm trong lòng hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: N.D.C.C.

Ông Nguyễn Đình Kim trước đây là Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, nghỉ hưu vào năm 2018 và có thời gian công tác tại Chi cục Kiểm lâm Bình Định và từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh. Trong thương vụ chuyển nhượng 115 ha đất rừng tại tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp) của ông Nguyễn Đình Kim, UBND huyện Vĩnh Thạnh cần điều tra, làm rõ về nguồn gốc, cơ sở được cấp đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ dân, để sau đó các hộ dân này chuyển nhượng cho ông Kim; việc ông Kim chuyển nhượng lại cho bà Lâm Thị Vân 115 ha đất trồng rừng sản xuất gắn với trồng rừng phòng hộ tại khoảnh 6, tiểu khu 176a (xã Vĩnh Hiệp) có đúng quy định pháp luật hay không, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong chuyện này?

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.