Thưa chị kính mến!
Chúng tôi là hai người nói già thì đã già, nói chưa già cũng đúng là chưa hẳn già. Tôi là nhà giáo, vợ tôi cũng nhà giáo, khác nhau là vợ tôi dạy phổ thông, tôi thì trên cấp đó. Cùng nghề, cùng nhau gây dựng từ hai bàn tay trắng, cùng nuôi con, hai đứa con trưởng thành. Như bao nhiêu người, vậy thôi, đất nước đói nghèo, vượt qua, thành đất nước nhiều người đủ ăn. Mình thì không khác ai cả, tự thấy là cũng đủ ăn rồi, không mong muốn nào hơn.
Bao nhiêu bạn bè tôi đều tháo vát, tìm mua đất khi nó còn rẻ và đều đã nhà cao cửa rộng nhiều năm nay. Tôi thuộc lại khảnh ăn khảnh làm như nhiều người mô tả tôi và tôi cũng thấy như vậy, vẫn nhà tập thể của trường, cơi nới đất trống phía sau thành phòng thêm và nhà bếp.
Cả thảy cũng hàng trăm mét vuông để ở rồi chứ chị. Nhưng vợ tôi là người ôm đồm xưa nay. Con gái lấy chồng ra riêng, nhà thuê, bảo tội nghiệp, nó đẻ hai đứa thì vác đứa cháu ngoại đầu về để ôm. Con trai cưới vợ, cũng nhà đi thuê, ở gần, sống riêng nhưng vẫn ăn chung với ba mẹ.
Ban đầu con dâu có vẻ bức bối, rồi nó buông, để cho bà nội chăm kiểu gì thì chăm, nó nói thẳng là nó không muốn sướng mà mẹ cứ bắt là con phải sướng. Như chúng tôi đây, cưới nhau thì sống tự lập, nay là có nhà tập thể của trường phân cho, nhưng phải dành dụm để cơi nới, rồi nuôi con, không ai giúp cả. Với các cháu, vợ tôi ôm và lo hết, hai đầu lương hưu của ông bà không khi nào thong dong, không dám đi du lịch xa trong nước, nói chi nước ngoài. Vậy đó chị ạ.
Tôi không thể nói hoài nói mãi vì thú thực là thấy cháu lớn lên mỗi ngày, vui chứ chị. Phức tạp với con rể con dâu thậm chí hục hặc với con đẻ của mình vì dạy cháu và dạy con nhưng tựu trung cũng là vui.
Nhưng gẫm kỹ, vợ tôi và cả tôi đã hy sinh một cách vô lý. Vì sao phải tiếp tục hy sinh như vậy? Có kỳ lạ không? Gọi là văn hóa truyền thống ư? Sao nhiều gia đình người ta không truyền thống kiểu mình mà nhà họ vẫn vui, vẫn tươi, vẫn khỏe, như bạn bè tôi đấy chị. Mấy lời suy ngẫm gọi là chia sẻ, chị nhé.
--------------------
Bạn thân mến!
Tôi có phần cá biệt, vì điều kiện công việc của tôi đòi hỏi nhiều không gian riêng và tôi quen với việc đó. Các con tôi chúng cũng đã quen và chúng không yêu cầu tôi giúp trực tiếp gì cả. Ngay khi chúng cần đi đâu có đôi như về bên chồng hoặc hoặc bên vợ chúng chẳng hạn, nếu không thể mang con đi vì con cái đang lúc học, chúng cũng sẽ nhờ bạn bè hay ai đó giúp chứ không nhờ đến bà.
Dù vậy, tôi cũng hay quan sát và thấy rất, rất nhiều người trong tình cảnh của bạn. Chừng như họ tự hào về điều đó, ta truyền thống tốt đẹp đây, tam đại đồng đường đây, ta bao trùm ta hy sinh cả một đời đây, ta rất có uy có quyền với con dâu và con rể đây, ta không cần ngao du gì cả, ta chỉ cần nhìn ngắm các cháu lớn lên trong vòng tay là ta thấy mãn nguyện mà ấy là sức khỏe, niềm vui và tuổi thọ chứ gì nữa. Vân vân và vân vân.
Eo ơi, truyền thống và ôm ấp. Vậy mới sinh ra thế hệ ích kỷ. Vậy mới sinh ra sự nghẹt thở khi có mâu thuẫn, khóc lóc kể công và con cái dằn hắt lại ba mẹ tự thiết kế giờ còn kêu than nỗi gì? Ấy là chưa nói sự thiệt thòi của ba mẹ, một đời người lam lũ (theo nhiều nghĩa), chưa được xài tiền vào ngao du xê dịch cho bõ những ngày chắt chiu tù túng đi. Không, không hề có nhu cầu du lịch như thiên hạ. Mà ngao du cũng là thuốc, là hưng phấn, là tinh thần và cũng là tuổi thọ chứ sao.
Bà xã của bạn đã quen như con cá mẹ với trứng với lũ cá con trong dòng nước trong cái ao ấy rồi. Bạn có ý kiến chắc cũng bằng thừa. Nhưng có lẽ, rồi tuổi tác và bệnh tật sẽ ào đến, đau nhức tùm lum, kham không nổi chợ búa cơm nước nữa.
Vậy thì bạn phải là người đàn ông rường cột, bạn cần lên tiếng và thiết kế lại, cần đặt con dâu con rể vào niềm vui tự chủ (mà chúng hằng muốn, có lẽ thế), hoặc chấm dứt thói ỷ lại dẫn đến ích kỷ mãn tính của chúng.
Không gì là mãi mãi, kể cả sức khỏe và túi tiền. Thiết kế lại, giao kèo lại, sống lại, con ai nấy dạy con ai nấy chịu trách việc với nên hư của chúng. Rất cần như thế để dọn quang con đường thực sự già của hai vợ chồng già, bạn nhé.