| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng tranh cãi vì khó hướng nghiệp cho con

Thứ Ba 25/06/2019 , 08:42 (GMT+7)

Năm nay con gái cháu vào lớp 10 đấy cô. Đã đến lúc hướng nghiệp cho con rồi. Vợ chồng cãi nhau suốt cô ạ. Chồng bảo phải kế toán, con trai nữa sẽ cho đi tin học. Cháu không tin con của cháu có đủ cẩn thận và đam mê với nghề gắn bó với những con số cô ạ.

Cô kính mến!

Vợ chồng cháu có hai đứa con như nhiều đôi khác. Thật tuyệt vời khi gia đình có hai con và có nếp có tẻ, đúng không cô? Chồng cháu là doanh nghiệp nhỏ, ban đầu cũng vất vả nhưng giờ anh vững rồi cô ạ. Anh khá nặng gánh vì là con trưởng mà mẹ anh góa sớm.

Mẹ chồng cháu không sống cùng với chúng cháu nhưng anh chu cấp cho bà và lo phần lớn cho cô em gái đang sống ở quê cùng bà nữa. Cháu có công việc nhỏ ở một cơ quan, thu nhập không cao như bạn bè làm cho công ty nước ngoài nhưng nhàn, tùng tiệm cũng đủ tiền chợ, các thứ linh tinh cho gia đình nhỏ của cháu.

Không biết từ đâu ra, nguồn gen nào mà con gái cháu rất có năng khiếu vẽ cô ạ. Cháu mê bút màu từ năm 3 tuổi, vào tiểu học đã đòi vẽ lên toan, lên dầu. Tường nhà la liệt tranh của cháu. Tranh tặng ông bà ngoại, bà nội thì ở quê nên không biết xem tranh mà cũng không thiết vẽ vời. Tranh tặng thầy cô ngày 20 tháng 11, ngày Tết. Không phải con hát mẹ khen hay nhưng cháu yêu tranh của con gái mình quá đi, cháu tự hào về con quá đi.

Nhưng cô ơi, lên cấp 2, áp lực học hành nhiều quá, cháu nó bắt đầu xao lãng. Chồng của cháu vốn không biết gì về tranh, cũng không thiết cho con vẽ vời, đắc ý nói: "Thấy chưa, đã bảo mà, trẻ con bóc xóc thôi, họa sĩ nữa làm gì ăn, suốt ngày bôi trét, nghệ sĩ nửa mùa, gia đình chông chênh, danh tiếng hão". Toàn là những gáo nước lạnh dội xuống đầu con gái, lạ thật đó cô.

Thực sự con gái cháu không có thời gian cho cọ và màu nữa. Nhưng cháu cứ thấy con nó đúng là họa sĩ từ cách nghĩ, cách phối quần áo, cách đi cách đứng. Nó rất khác thường cô ạ. Năm nay nó vào lớp 10 đấy cô. Đã đến lúc hướng nghiệp cho con rồi. Vợ chồng cãi nhau suốt cô ạ. Chồng bảo phải kế toán, con trai nữa sẽ cho đi tin học. Cháu không tin con của cháu có đủ cẩn thận và đam mê với nghề gắn bó với những con số cô ạ.

Cháu muốn chồng cháu được đọc lá thư tư vấn của cô. Để con gái cháu được định hướng và có lối rẽ bước ngoặt cuộc đời khi vào đại học đấy cô. Hy vọng cô giúp cháu.

---------------------

Cháu thân mến!

Những người có năng khiếu như con của cháu thường được gọi là thiên tư đặc biệt. Đã nói là thiên tư thì phải hiểu có thiên định, có trời cho. Có những gia đình nông dân, tự nhiên đứa con của họ cực kỳ giỏi toán, cũng như vậy, tự dưng rất có năng khiếu ngoại ngữ, học môn nào dính môn ấy.

Đặc biệt hơn, có tài làm thơ, như Nguyễn Bính khi nhỏ, xuất khẩu thành thơ, có tài âm nhạc, như Trịnh Công Sơn hơn 20 tuổi đã viết được "Diễm Xưa", có tài viết văn như Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau khỉ ho cò gáy học mới hết cấp 2 mà ngoài hai mươi tuổi danh nổi như cồn. Cũng như vậy, hội họa là một loại hình nghệ thuật nếu thiên tư mỏng, không thành danh được.

Con gái của cháu có năng khiếu và có đam mê hội họa. Ở các nước văn minh, ngay tiểu học con người ta đã xem xét năng khiếu của từng đứa trẻ để cổ súy, vun đắp và định hướng. Tài năng bao giờ cũng là của hiếm. Gia đình mà không biết ghi nhận và trân trọng thì ai vào đây biết? Sao không tranh luận rằng, ai cũng có thể làm kế toán làm tin học, nhưng không phải ai cũng thành họa sĩ được.

Trong mắt người Việt mình thì văn nghệ sĩ là nghèo. Đúng, văn nghệ sĩ hay nghèo. Vì họ không có năng lực làm kinh tế, họ xa lánh bon chen trục lợi, họ gìn giữ thiên lương trong sáng để viết, để vẽ, để sáng tác.

Nhưng họ có cốt cách sang, sự sang ở đây là sự lương thiện, hay ưu thời mẫn thế, hay chiêm nghiệm. Họ cô đơn ngay trong gia tộc hay gia đình của mình, vì họ có vẻ khác biệt, họ luôn tạo ra ốc đảo để nuôi ý tưởng, để làm việc, để thỏa mãn đam mê (thực ra là khát vọng có sự nghiệp và cống hiến). Đời sẽ buồn thảm ô trọc biết bao nhiêu nếu không có nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên, kiến trúc sư…

Vợ chồng hãy “đấu” nhau cho vỡ ra đi. Và cho con đi học Đại học Mỹ thuật. Trong 7 ngành nghệ thuật thì Âm nhạc và Hội họa là phải học trường lớp chính quy chứ không chỉ căn cứ vào năng khiếu. Cô thấy họa sĩ mỹ thuật công nghiệp bây giờ giàu lắm, riêng tiểu ngành ấy cũng đã khối việc thú vị để kiếm sống và thành danh rồi.

Và hỏi con gái, nếu nó muốn theo đuổi nghề vẽ thì nhất định phải cho cháu nó đi học, kẻo thui chột một tài năng, kẻo phí một con người mà trời đã muốn số phận nó phải như vậy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm