| Hotline: 0983.970.780

Vụ làm giả Kế hoạch 26 liên quan đến một nữ Phó Vụ trưởng

Thứ Tư 19/05/2021 , 19:28 (GMT+7)

Bản Kế hoạch 26 bị ‘thay ruột’ là căn cứ để Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV Lê Thị Hằng ký hàng loạt văn bản không đúng quy định?.

Những trao đổi qua Gmail, Zalo giữa bà Lê Thị Hằng và các chuyên viên

Theo thông tin chúng tôi có được, Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng là người ký và chỉ đạo phát hành hai công văn, gồm: Công văn số 195/BGD ĐT-GDCTHSSV về tổ chức Tập huấn cán bộ nguồn về Công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại TP. Lleiku, tỉnh Gia Lai từ ngày 28 - 30/01/2021 và Công văn số 638/BGDDT-GDCTHSSV về tổ chức Tập huấn cán bộ nguồn về Công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp từ ngày 03 – 05/03/2021.

Căn cứ để triển khai lớp tập huấn này là Kế hoạch 26/KH-BGDĐT (Kế hoạch 26). Tuy nhiên, hoạt động tập huấn này không có trong bản gốc Kế hoạch 26 (bản gốc). Bởi vậy, bằng các thủ thuật cắt ghép, bản gốc của Kế hoạch 26 đã được chỉnh sửa, thêm một số cụm từ “tập huấn”, “công tác xã hội trong trường học” vào phụ lục số 10 để có thể phát hành được hai Công văn triển khai tập huấn tại Gia Lai và Đồng Tháp. Bản Kế hoạch làm căn cứ để đóng dấu ban hành lớp tập huấn này được lưu tại Văn thư của cơ quan Bộ.

Giấy mời số 240 tham dự Hội thảo 'Thúc đẩy sáng tạo xã hội trong các cơ sở giáo dục khó khăn, thách thức và các cơ hội' do bà Lê Thị Hằng ký.

Giấy mời số 240 tham dự Hội thảo "Thúc đẩy sáng tạo xã hội trong các cơ sở giáo dục khó khăn, thách thức và các cơ hội" do bà Lê Thị Hằng ký.

Ngày 26/02/2021, thông qua địa chỉ email lehang@XXXX.gov.vn (tác giả xin không để lộ địa chỉ email cá nhân), Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng gửi chuyển tiếp cho hai chuyên viên của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Vụ GDCTHSSV) bản Kế hoạch 26 với chủ đề: “KH 26 bản cuối” cùng nội dung lời nhắn: “2 chị em lưu lại dùng bản này nhé”.

Điều đáng chú ý là bản Kế hoạch 26 được đính kèm trong email mà bà Hằng gửi chuyển tiếp cho 2 chuyên viên vào ngày 26/02 đã bị sửa tên Kế hoạch thành: “Kế hoạch triển khai Chương trình công tác về Phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội và Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, tư vấn tâm lý trong ngành Giáo dục năm 2021”, với 12 nội dung phụ lục (thay vì 11 nội dung trong phụ lục như bản gốc Kế hoạch – PV).

Một tài liệu khác phóng viên NNVN có được thể hiện: Tối ngày 09/03/2021, thông qua ứng dụng tin nhắn Zalo, Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng đã gửi cho một nữ chuyên viên cấp dưới file word bản Kế hoạch 26 đã sửa thành “Kế hoạch Triển khai Công tác Phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, tư vấn tâm lý, hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành Giáo dục năm 2021” và có 13 nội dung ở phần phụ lục (thay vì 11 nội dung phụ lục của bản gốc Kế hoạch 26).

Ký, chỉ đạo phát hành nhiều văn bản không đúng quy định

Bản Kế hoạch 26 đã bị “tráo ruột” và thêm cụm từ “Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, tư vấn tâm lý, hỗ trợ khởi nghiệp...” (so với bản gốc) trên là căn cứ để bà Lê Thị Hằng thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký thay Vụ trưởng Vụ GDCTHSSV Giấy mời số 220/GM-BGDĐT tham dự Tập huấn Giảng viên nguồn về Công tác xã hội và bảo vệ trẻ em, được tổ chức ngày 18,19 và 25, 26/03/2021 tại phòng họp D, trụ sở Bộ GD-ĐT.

Tiếp đến, ngày 16/03/2021, Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng tiếp tục thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký và chỉ đạo phát hành Giấy mời số 240/GM-BGDĐT về việc mời tham dự Hội thảo “Thúc đẩy sáng tạo xã hội trong các cơ sở giáo dục đại học khó khăn, thách thức và các cơ hội”. Hội thảo này, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã chỉ đạo dừng tổ chức do nằm ngoài kế hoạch được lãnh đạo phê Bộ phê duyệt trước đó, Vụ GDCTHSSV cũng không báo cáo chương trình, nội dung, kế hoạch với lãnh đạo Bộ.

Đến ngày 24/03/2021, bà Lê Thị Hằng lại tiếp tục cả gan thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký và chỉ đạo phát hành công văn 1169/BGDĐT-GDCTHSSV tới một số Sở GD-ĐT các tỉnh/thành phố về việc tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát thực trạng thực hiện Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT. Mặc dù trong văn bản gốc thì nhiệm vụ này chỉ là tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện hai Thông tư số 33 và 31, kết quả đề ra là Báo cáo sơ kết.

Văn bản số 1169 về kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện Thông tư 33 và Thông tư 31 ngày 24/3/2021 do Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng thừa lệnh Bộ trưởng ký khi chưa được lãnh đạo Bộ Giáo dục cho phép triển khai.

Văn bản số 1169 về kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện Thông tư 33 và Thông tư 31 ngày 24/3/2021 do Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng thừa lệnh Bộ trưởng ký khi chưa được lãnh đạo Bộ Giáo dục cho phép triển khai.

Vì lo sợ lãnh đạo Bộ phát giác, Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng liên tục đốc thúc cấp dưới gọi điện thu hồi bản cứng công văn 1169 đã phát hành đến các Sở GD-ĐT: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Điện Biên.

Từ những căn cứ trên cho thấy, dấu hiệu vi phạm của Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng là rất rõ. Bà Hằng không thể không liên quan đến những sai phạm mang tính hệ thống trong nội bộ của Vụ GDCTHSSV thời gian vừa qua.

Thứ nhất, những hoạt động trên thuộc lĩnh vực bà Lê Thị Hằng phụ trách. Bà Hằng cũng là người ký và chỉ đạo phát hành hàng hoạt công văn, giấy mời (liên quan đến tổ chức các hoạt động không có trong kế hoạch chương trình được lãnh đạo Bộ phê duyệt).

Là lãnh đạo của Vụ GDCTHSSV, chắc chắn bà Lê Thị Hằng phải đọc, nghiên cứu và hiểu tường tận các nội dung Kế hoạch 26 do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký. Bởi vậy, rất khó xảy ra chuyện bà Lê Thị Hằng vì lý do khách quan, vô tình (hoặc thiếu hiểu biết) nên dẫn đến những sai phạm liên tiếp trong thời gian ngắn.

Bởi vậy, dù trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến việc chỉnh sửa nội dung của Kế hoạch 26, bà Lê Thị Hằng vẫn phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn mình phụ trách.

Được biết, Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng kỷ luật để làm rõ vi phạm của những người có liên quan đến việc chỉnh sửa Kế hoạch 26, đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh, đảm bảo đủ tính răn đe.

Sai phạm mang tính hệ thống của Vụ GDCTHSSV?

Câu chuyện trên một lần nữa cho thấy dấu hiệu về sự yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Vụ GDCTHSSV được giao. Bởi trước đó, Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã ký quyết định thành lập 3 Hội đồng kỷ luật số 19, 20 và 21 về việc xem xét kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ việc sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần bị đuổi học từng gây “bão” dư luận trong năm 2018.

Ngày 16/1/2019, Hội đồng kỷ luật của Bộ đã họp và quyết định đề xuất xử lý kỷ luật các cán bộ có liên quan, trong đó có 1 cán bộ bị xử lý cảnh cáo, 1 cán bộ bị xử lý khiển trách và 1 cán bộ bị phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc trước tập thể. Theo bản tin thời sự vừa phát trên VTC14, trong số các cán bộ bị kỷ luật có 1 Phó vụ trưởng Vụ GDCTHSSV.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.