| Hotline: 0983.970.780

Vụ mùa phía Bắc thắng lợi hiếm thấy

Thứ Sáu 11/10/2019 , 08:51 (GMT+7)

Thời tiết thuận lợi, các địa phương bám sát khung thời vụ và chỉ đạo SX nên hiếm có năm nào, vụ mùa và hè thu tại các tỉnh phía Bắc thắng lợi như năm nay. Năng suất lúa ước đạt bình quân trên 60 tạ/ha, nông dân nhiều nơi không phải phun thuốc BVTV.

Lúa mùa đẹp như lúa xuân

Là địa phương có truyền thống SX lúa chất lượng cao, mà chủ lực là giống Bắc thơm 7 (BT7), vụ mùa năm 2019, Nam Định đã chuyển mạnh cơ cấu giống lúa sang chiếm trên 80% là lúa chất lượng cao, nhất là giống BT7.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (áo trắng) kiểm tra tình hình lúa mùa tại tỉnh Nam Định.

Chất lượng gạo của BT7 lâu nay khó có “đối thủ” cạnh tranh, tuy nhiên, đây cũng là giống mà nỗi lo về dịch bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá ở vụ mùa luôn rình rập. Gần như năm nào, BT7 cũng là giống dính các bệnh như bạc lá, khô vằn, cháy rầy... nặng nề nhất trong vụ mùa.

Thế nhưng năm nay, đi học các vựa lúa ở Nam Định như Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu..., những cánh đồng lúa BT7 vàng ươm, dấu vết của bệnh bạc lá, cháy rầy, khô vằn gần như biến mất. Thời điểm này, nông dân các tỉnh có diện tích lúa lớn ở ĐBSH như Nam Định, Thái Bình đang bắt đầu hối hả thu hoạch lúa vụ mùa trong niềm vui lớn.

Ông Đinh Văn Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Kiên (huyện Xuân Trường, Nam Định) phấn khởi: Vụ mùa 2019, trong tổng diện tích lúa toàn xã khoảng 210 ha, thì giống lúa BT7 chiếm tới 60%.

Nếu như vụ mùa những năm trước, thường phải phun từ 2-3 lần thuốc phòng trừ sâu các loại thì năm nay, bà con trong xã đa số chỉ phải phun 1 lần thuốc BVTV, một số diện tích thậm chí từ đầu đến cuối vụ không phải phun lần nào.

Ông Tâm phân tích: Với đặc thù gieo cấy muộn, lúa vụ mùa ở Nam Định thường bị dính vào úng ngập đầu vụ do mưa lớn, đến giai đoạn trỗ đòng, thường gặp phải gió tây nam thổi mạnh, bên cạnh đó giải đoạn cuối vụ, thường gặp phải mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao nên lúa thường dính phải nhiều dịch bệnh, nặng nhất là bạc lá, khô vằn, cháy do rầy bùng phát cuối vụ... Vì thế, đối với các giống lúa thơm chất lượng cao như BT7, năng suất vụ mùa thường chỉ xoay quanh 1,5 tạ/sào.

Ít năm nào, lúa vụ mùa ở phía Bắc được mùa, sạch bệnh như năm nay.

Trong khi đó vụ mùa năm nay, thời tiết lại ủng hộ khi cả vụ mưa rất ít, không có tình trạng mưa nắng xen kẽ, gió tây nam cũng không hoạt động mạnh như mọi năm.

Trời nắng ấm, khô ráo trong cả vụ đã giúp thời gian nông dân phơi ruộng rất tốt, lúa sinh trưởng phát triển tuyệt vời, tỉ lệ hạt lép rất thấp, ruộng lúa thoáng sạch, sâu bệnh không thể phát triển, năng suất bình quân dự kiến đối với các dòng lúa thơm chất lượng như BT7 có thể lên tới 2 tạ/sào trở lên.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, vụ mùa năm 2019 đã ghi nhận năng suất cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, với mức bình quân toàn tỉnh ước đạt trên 52 tạ/ha, trong đó giống BT7 toàn tỉnh đạt bình quân 50 tạ/ha; giống lúa thuần khác đạt trên 60 tạ/ha...

Bên cạnh đó, hiện nay, do thiếu lao động, việc gieo sạ trong vụ mùa đã chiếm gần như 100% ở địa phương. Lúa gieo sạ đẻ khỏe, thoáng khóm, càng giúp ruộng lúa sạch bệnh, đồng thời giảm rất nhiều chi phí SX...
 

Lúa chất lượng tiếp tục tăng mạnh

Theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt: Vụ hè thu, vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc năm 2019 có diện tích gieo cấy xấp xỉ 1,1 triệu ha, hiện trà hè thu và lúa mùa sớm bà con đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất cao hơn năm ngoái bình quân từ 1,5 đến 2 tạ/ha.

May mắn nhất đó là tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, mặc dù đầu vụ, thời tiết nắng hạn gay gắt, tuy nhiên sau đó đã có mưa và duy trì được nguồn nước đảm bảo nên năng suất vẫn khá cao so với mọi năm.

Tại một số tỉnh ĐBSH có truyền thống gieo cấy muộn như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, lúa mùa trà muộn hiện bắt đầu thu hoạch rộ, năng suất cũng rất cao so với nhiều năm gần đây, đặc biệt là ngay cả các giống lúa chất lượng cao vẫn không bị nhiễm các bệnh thường gặp ở vụ mùa là bạc lá.

Theo ông Định, có mấy yếu tố giúp vụ mùa năm nay ở phía Bắc thắng lợi hiếm có. Một là năm nay, vụ ĐX ở phía Bắc do thời tiết nắng ấm nên lúa phát triển và cho thu hoạch sớm hơn mọi năm từ 7-10 ngày. Vì vậy bước vào vụ mùa 2019, việc gieo cấy không phải chịu một áp lực nào về thời vụ. Công tác làm đất kỹ hơn, dầm ngấu, vệ sinh đồng ruộng sau vụ ĐX tốt hơn.

Do không có áp lực về thời vụ nên vụ mùa 2019, tỉ lệ lúa vụ mùa trà sớm chiếm tương đối cao, đồng thời do thời tiết vụ mùa vẫn tiếp tục diễn biến thuận lợi giúp các trà vụ mùa đều sinh trưởng phát triển hết sức thuận lợi và thu hoạch sớm hơn mọi năm bình quân khoảng 1 tuần. Điều này sẽ giúp cho việc SX vụ đông năm 2019 cũng sẽ có nhiều sự chủ động và thuận lợi.

Năng suất lúa mùa tại tỉnh Nam Định cao nhất trong 5 năm gần đây.

Về thời tiết, nhìn chung cả vụ mùa 2019 mưa ít, số giờ nắng nhiều, nông dân tuân thủ lịch thời vụ khá sát so với khuyến cáo của các địa phương.

Mưa ít, nắng nhiều nên cây lúa sinh trưởng tốt hơn, quang hợp tốt hơn lúa sáng đẹp, tỉ lệ hạt lép không đáng kể, đồng thời có thể nói đây là vụ mùa mà ít năm nào sạch bệnh như năm nay.

“Bạc lá, bệnh phổ biến của vụ mùa nhưng tuy năm nay là một trong những năm hiếm hoi gần như tỉ lệ bị bạc lá không đáng kể, thậm chí còn nhẹ hơn vụ ĐX 2019” – ông Trần Xuân Định đánh giá.

Cũng theo ông Định, cơ cấu giống lúa trong những năm gần đây đã có một tỉ lệ nhất định các bộ giống mới phù hợp với vụ mùa, nhất là khả năng chống chịu bệnh bạc lá được đưa ra SX, đặc biệt là các giống lúa theo hướng chọn tạo và chất lượng cao.

Nhất là các giống có công nghệ gen kháng bạc lá thông qua lai tạo, giúp bệnh bạc lá trong vụ mùa có xu hướng ngày càng giảm đáng kể. Tại Thái Bình, xu hướng này ngày càng thể hiện khá rõ nét tại nhiều địa phương.

Cũng như Nam Định, vựa lúa Thái Bình vụ mùa năm nay cũng thắng lớn, kể cả đối với trà lúa mùa muộn vốn là trà gặp rất nhiều rủi ro.

Vụ mùa năm nay, xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, Thái Bình) đã tiếp tục chuyển mạnh cơ cấu SX lúa sang dòng lúa chất lượng, đó là giống lúa nếp cái hoa vàng đặc sản. Cả cánh đồng lúa toàn xã rộng trên 250 ha đã được SX đồng nhất một giống nếp cái hoa vàng.

Phải nửa tháng nữa, nếp mới có thể cho thu hoạch, tuy nhiên hiện toàn bộ diện tích nếp của địa phương này đã được các DN, thương lái đặt bao tiêu toàn bộ sản phẩm ngay từ đầu vụ.

Ông Đặng Hồng Kha, Chủ tịch UBND xã Duy Nhất cho biết, năng suất nếp cái hoa vàng năm nay có thể lên tới 2,5 tạ/sào, với giá gạo nếp tại địa phương thường xuyên giao động xoay quanh 30 nghìn đồng/kg. So với các giống lúa tẻ, lúa nếp cho năng suất cao hơn, giá cao gấp rưỡi so với gạo tẻ, đồng thời dễ tiêu thụ.

Bên cạnh đó, nếp cũng là giống đỡ sâu bệnh hơn so với lúa tẻ. Nhất là năm nay, cánh đồng lúa nếp trên 250ha của xã gần như không phải phun bất kỳ loại thuốc BVTV nào.

Ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác đã kiểm tra, đánh giá tình hình SX lúa mùa tại các tỉnh ĐBSH.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Các tỉnh ĐBSH nói chung, đặc biệt là các phía nam ĐBSH vốn có truyền thống phải gieo cấy muộn, thường gặp những khó khăn, nhất là mưa lũ, tuy nhiên đây là năm rất đặc biệt khi thời tiết ủng hộ, năng suất bình quân xấp xỉ 6 tấn/ha. Tỉ lệ giống lúa chất lượng cao tăng nhanh, điển hình như Nam Định đã chiếm trên 80%.

Thời tiết thuận lợi, giúp chi phí SX lúa hạ thấp, nhất là chi phí thuốc BVTV, có những vùng gần như không phải sử dụng thuốc BVTV trong suốt cả vụ.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.