| Hotline: 0983.970.780

Vụ Sài Gòn Đại Ninh: Sai phạm phá rừng, chiếm đất, tổn hại môi trường

Thứ Năm 16/01/2025 , 17:21 (GMT+7)

Tòa án Hà Nội xét xử vụ án Sài Gòn Đại Ninh, phơi bày chuỗi sai phạm nghiêm trọng, tiếp tay phá rừng, lấn chiếm đất và tham nhũng.

Sáng ngày 16/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã khai mạc phiên xét xử sơ thẩm liên quan đến 10 bị cáo trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh. Các bị cáo bị cáo buộc về các tội danh “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hội đồng xét xử do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa, với sự tham gia của hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Đảm nhiệm vai trò công tố là bốn kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và hai kiểm sát viên từ Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong số các bị cáo, Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh, bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự. Sáu bị cáo khác, bao gồm các cựu quan chức tỉnh Lâm Đồng và Thanh tra Chính phủ, bị buộc tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354, khoản 4, điểm b - Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh tại phiên toà. Ảnh: Viettimes.

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh tại phiên toà. Ảnh: Viettimes.

Ngoài ra, ba bị cáo còn lại, gồm các cựu lãnh đạo cấp cao trong Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự. Trong đó, bị cáo Nguyễn Hồng Giang, cựu Cục trưởng Cục II, đã được Tòa chấp nhận đơn xin xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, vụ án bắt nguồn từ Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 25.200 tỷ đồng, quy mô gần 3.600ha, được cấp phép từ năm 2010. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã để xảy ra nhiều vi phạm như không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không nộp tiền sử dụng đất, và để người dân lấn chiếm đất tái định cư.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi Dự án Đại Ninh. Lợi dụng tình huống này, bị cáo Nguyễn Cao Trí đã dùng tiền và lợi ích vật chất để hối lộ các quan chức liên quan, nhằm thay đổi quyết định từ chấm dứt hoạt động thành cho giãn tiến độ, trái với quy định pháp luật. Tổng số tiền mà bị cáo Trí khai đã sử dụng để đưa hối lộ vượt quá 7 tỷ đồng.

Theo Viện Kiểm sát, các hành vi sai phạm của bị cáo đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Dự án không những không được thu hồi về cho Nhà nước mà còn bị chuyển nhượng với giá trị thực tế lên đến 27.600 tỷ đồng. Trong thời gian được giãn tiến độ, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không triển khai bất kỳ hạng mục nào, tiếp tục để xảy ra 24 vụ vi phạm khác như phá rừng và lấn chiếm đất, gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Cao Trí thừa nhận đã đưa tiền cho các đồng phạm, nhưng phủ nhận việc đây là tiền hối lộ, cho rằng đó chỉ là “tiền cảm ơn” nhằm giải quyết các vướng mắc trong dự án. Tuy nhiên, các tài liệu và lời khai của các bị cáo khác lại cho thấy hành vi hối lộ rõ ràng, có tổ chức và mang tính hệ thống.

Phiên tòa sẽ kéo dài trong 5 ngày, với sự tham gia của các bên liên quan như Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn Đại Ninh và hơn 10 cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Tặng 2.000m2 đất cho ông Nhưỡng, ông Vân để 'về ở cùng cho vui'

Bị cáo Nguyễn Văn Vương khai, việc tặng ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân 2.000m2 đất tại Quảng Ninh để cảm ơn vì 'quý hai ông nên muốn rủ về ở cùng cho vui'.