| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao Lào Cai: Đốt nương rẫy ẩn hoạ cháy rừng

Thứ Bảy 14/03/2020 , 10:03 (GMT+7)

Tháng 2 và 3 giai đoạn khô kiệt nhất trong năm là thời điểm bà con đốt dọn thực bì chuẩn bị mùa trồng cấy mới, khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh (phải) - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai - chỉ đạo phát đường băng cản lửa không để đám cháy lan rộng. 

Ông Nguyễn Quang Vĩnh (phải) - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai - chỉ đạo phát đường băng cản lửa không để đám cháy lan rộng. 

Trong 2 ngày 12-13/3, đã xảy ra vụ cháy tại khu vực rừng giáp ranh giữa thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai. Theo UBND thị xã Sa Pa, đám cháy được phát hiện vào khoảng 17h ngày 12/3 tại khu vực giáp ranh giữa xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa) với xã Tả Phời (thành phố Lào Cai).

Diện tích đám cháy ước tính khoảng 10ha. Rất may khu vực này chủ yếu là đất trống, tế, guột và cây tái sinh mọc rải rác chưa thành rừng. Sau khi phát hiện đám cháy, lực lượng chức năng huy động 180 người là người dân các xã Mường Hoa, Thanh Bình (thị xã Sa Pa), Tả Phời (thành phố Lào Cai) cùng vào cuộc tham gia chữa cháy.

Tới 5h ngày 13/3, các lực lượng tham gia đã tiến hành phát đường băng cản lửa, áp dụng các biện pháp đốt trước và chữa cháy trực tiếp.

Tuy nhiên do điều kiện trời tối, địa hình núi đá hiểm trở, vị trí đám cháy ở xa khu vực dân cư nên việc dập tắt đám cháy gặp nhiều khó khăn.

Từ đầu vụ khô đến ngày 10/3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục điểm cháy, trong đó có 3 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 16 ha rừng gồm: Cháy rừng xảy ra tại tiểu khu 23A (xã Nậm Chảy, Mường Khương) ngày 17/12 làm thiệt hại 6 ha rừng trồng phòng hộ; vụ cháy rừng xảy ra tại Tiểu khu 264 (phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa) ngày 8/3 làm thiệt hại 0,5 ha rừng sản xuất; vụ cháy rừng tại tiểu khu 162 (xã Nậm Khánh, Bắc Hà) xảy ra ngày 9/3 làm thiệt hại 9,5 ha rừng trồng phòng hộ (chưa thành rừng).

Ông Nguyễn Quang Vĩnh – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai – người trực tiếp tham gia chỉ đạo dập đám cháy cho biết, sau khi xảy ra cháy đã huy động nhiều lực lượng cùng tham gia dập lửa không để cháy lan, do vậy khoảng 10h sáng cùng ngày đám cháy đã được khống chế hoàn toàn.

Cũng theo ông Vĩnh, mùa này những ngày trời nắng cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp 4 (nguy hiểm) và cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm).

Trong khi, nguyên nhân cháy chủ yếu do bà con bất cẩn trong đốt dọn nương rãy, sử dụng củi lửa trong quá trình chăn trâu, cắt cỏ. Chỉ cần quăng một mẩu thuốc lá đang cháy xuống cũng có thể gây cháy rừng.

"Tại Sa Pa, nương của đồng bào ở dưới cùng là ruộng lúa, cao hơn là nương ngô, cao hơn nữa là rừng, thế nên khi bà con đốt dọn hay có chuyện cháy lan. Trong khi, thời tiết ở Sa Pa ẩm, mây mù nên bà con thường tranh thủ những ngày cuối cùng của chu kỳ nắng để đốt dọn nương rẫy sau đó chờ ngày tra hạt.

Tuy nhiên, những ngày cuối cùng này thường là nóng nhất bởi không khí dồn lại nên chỉ một sơ xuất nhỏ có thể gây nên cháy rừng rất nguy hiểm. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm thường xuyên đôn đốc, tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức phòng chống cháy rừng đặc biệt trong mùa khô" - ông Vĩnh nói.

Cũng vào 15h  ngày 12/3, một đám cháy khác đã xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa thôn Phan Cán Sử và thôn Ngải Chồ (xã Y Tý, huyện Bát Xát). 200 người gồm dân quân, kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng, người dân thôn Phan Cán Sử, Ngải Chồ được huy động để dập tắt đám cháy vào 22h cùng ngày.

Đám cháy có diện tích khoảng 1,5 ha gây thiệt hại không đáng kể chủ yếu là cây bụi, cây mọc tự nhiên ở khu vực vách đá và một phần nhỏ diện tích cây ăn quả như lê, sơn tra người dân mới trồng…

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.