| Hotline: 0983.970.780

Vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang cây màu cần hệ thống tiêu thoát nước

Thứ Ba 14/04/2020 , 08:59 (GMT+7)

Hệ thống thủy lợi cung cấp nước cho cây trồng cần thiết đã đành, hệ thống kênh mương tiêu thoát nước cũng cần thiết không kém, nhất là đối với vùng canh tác cây màu.

Ngô là loại cây có thể chịu hạn mức độ thấp, nhưng không chịu được úng. Nếu bị úng bộ lá sẽ hư, bộ rễ hết phát triển và sẽ không cho trái. Ảnh: KS.

Ngô là loại cây có thể chịu hạn mức độ thấp, nhưng không chịu được úng. Nếu bị úng bộ lá sẽ hư, bộ rễ hết phát triển và sẽ không cho trái. Ảnh: KS.

Trong công cuộc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn, bà con nông dân gặp phải thách thức không nhỏ, đó là không có hệ thống kênh mương tiêu thoát nước. Trong khi đối tượng cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngô và cây đậu phộng, những loại cây không bao giờ chịu úng.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, Bình Định), trong suốt mấy chục năm làm HTXNN, ông đã thấu lắm cảnh khổ của cây ngô khi bị úng nước.

“Cây ngô là loại cây có thể chịu hạn mức độ thấp, nhưng không bao giờ chịu úng. Ruộng ngô mà bị ngập chừng 3 ngày là coi như “thất thủ”, bộ lá của những cây ngô lập tức chuyển sang màu đỏ huyết dụ, sau đó tuột hết khỏi thân cây.

Khi bộ lá rụng hết cây ngô đứng chết nghẹn không cho quả được. Cả cây đậu phộng cũng vậy, nó cũng rất ghét úng”, ông Huệ co hay.

Theo ông Huệ, những vùng trồng cây trồng cạn quanh năm bà con thường chống úng cho cây trồng bằng cách lên vồng đất cao rồi trồng trồng ngô hoặc đậu phộng trên vồng đất ấy.

Nếu trồng ngô thì nông dân lên vồng cao hơn, khoảng 20 – 25cm, còn vồng trồng đậu phộng thấp hơn, khoảng từ 10 – 15cm.

Bên dưới những vồng là những rãnh sâu như những cái mương nhỏ, chung quanh khoảnh đất còn được vét 1 vòng mương sâu hơn để có thể nhận nước từ những rãnh dưới vồng đất thoát ra.

Khi ngập úng, nước sẽ theo những rãnh sâu ấy thoát ra ngoài thửa đất, chảy xuống con mương nhỏ chạy quanh thửa đất rồi thoát ra ngoài.

“Đất của mình là đất thịt, rất khó thoát nước, không như đất của các tỉnh miền Bắc rất dễ thoát nước, do đó họ trồng được vụ ngô Đông.

Vụ ngô Đông của họ dù ngập nước lủm bủm nhưng sau 10 ngày nước thoát ra là cây ngô vẫn phát triển bình thường, không bị tuột lá vì đất của họ không giữ nước. Còn đất ở mình mà bị ngập như thế thì coi như bỏ không, bộ rễ của cây ngô không phát triển nữa”, ông Huệ nêu ví dụ.

Hệ thống kênh tưới cần thiết đã đành, nhưng hệ thống kênh mương tiêu thoát nước cũng cần không kém, nhất là ở những vùng canh tác cây trồng cạn. Ảnh: KS

Hệ thống kênh tưới cần thiết đã đành, nhưng hệ thống kênh mương tiêu thoát nước cũng cần không kém, nhất là ở những vùng canh tác cây trồng cạn. Ảnh: KS

Cùng chia sẻ về thực trạng những vùng trồng cây trồng cạn bị úng nước dẫn đến năng suất cây trồng bị giảm hoặc mất mùa, ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát (Bình Định), bộc bạch: “Muốn chuyển đổi 1 cánh đồng từ trồng lúa sang làm các loại cây trồng cạn, ngoài vấn đề cung cấp nước tưới, chuyện ngập nước cũng là vấn đề cần quan tâm.

Khi quy hoạch, hạ tầng vùng trồng phải được xây dựng, không chỉ hệ thống kênh mương cung cấp nước tưới mà cần thiết có cả hệ thống tiêu thoát nước để tránh gây ngập úng.

Vận động nông dân chuyển từ trồng lúa sang canh tác các loại cây trồng cạn đã khó, khi họ đã đồng lòng chuyển rồi mà khi cây trồng bị úng chết là họ la làng”.

Cũng theo ông Khoa, một số địa phương ở huyện Phù Cát như: Xã Cát Trinh, xã Cát Tân, xã Cát Tường và một số xã khác nằm ven thị trấn Ngô Mây nếu vụ hè chuyển làm cây mè thì hiệu quả rất cao, năng suất bình quân đạt 40kg mè/sào (500m2).

Với giá hiện nay 6.000đ/kg, mỗi sào đất trồng mè nông dân có thu nhập 2,4 triệu đồng, trong khi chi phí sản xuất rất thấp nên bà con có lãi rất cao, thế nhưng ngành chức năng huyện này không dám vận động nông dân làm.

“Biết là vậy nhưng ngành chức năng không dám vận động bà con trồng cây mè vào những vụ hè, bởi những vùng đó thường bị ngập úng. Cây mè đang phát triển sởn sơ mà gặp 1 cây mưa lớn gây ngập úng là cây mè chết rụi. Đến lúc ấy không biết ăn nói với bà con như thế nào”, ông Khoa chia sẻ.

Hiện nay, hệ thống kênh mương phục vụ tưới cho cây trồng hầu như đã được phủ kín trên những cánh đồng ở Bình Định, tuy nhiên kênh tưới không thể kết hợp để làm nhiệm vụ tiêu thoát nước.

Bởi, kênh tưới phải được xây dựng với cao trình cao hơn đất sản xuất thì mới đưa nước vào tưới cho cây trồng được, còn kênh tiêu buộc phải có cao trình thấp hơn đất sản xuất thì mới có thể tiêu thoát nước. Do đó, hệ thông kênh tưới và kênh tiêu phải được xây dựng riêng lẻ.

 “Trong thời gian qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã lồng ghép xây dựng cơ sở hạ tầng cho những vùng sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống kênh mương. Vấn đề hệ thống kênh tiêu thoát nước cho những vùng trồng cây trồng cạn cũng sẽ được quan tâm trong thời gian đến, và cũng sẽ được lồng ghép vào chương trình nông thôn mới, dần dần rồi sẽ hoàn thiện”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.