| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức khỏe cho đất dốc

Vườn cây ăn quả sum suê bên vách núi khô cằn

Thứ Tư 14/08/2024 , 07:30 (GMT+7)

Gia Lai Anh Phạm Đức Lý thành công với mô hình trồng cây ăn quả trên vùng đất núi khô cằn sỏi cát, được xem như kỳ tích khiến nhiều người trong vùng thán phục.

Vườn cây ăn quả xanh tốt bên vách núi đá của gia đình anh Lý. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cây ăn quả xanh tốt bên vách núi đá của gia đình anh Lý. Ảnh: Tuấn Anh.

Chuyện anh Phạm Đức Lý (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) biến vùng núi khô cằn thành vườn cây ăn quả sum suê khiến nhiều người không tin đó là sự thật. Người ta không tin bởi trang trại với những cây ăn quả khó tính như quýt, cam, bưởi lại có thể sinh trưởng, phát triển tốt tươi bời bời ở vùng đất cát khô cằn, nơi được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Ngay cả bản thân người viết bài này cũng hoài nghi về sự thành công của mô hình nếu như không tận mắt chứng kiến. Và rồi tất cả đều phải thán phục!

Chinh phục vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi"

Bài liên quan

Chúng tôi được ông Phạm Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl dẫn đến vườn cây ăn quả nằm sát vách núi đá của anh Lý. Vườn cây xanh mướt, được trồng ngay hàng thẳng lối, nằm thoai thoải trên sườn dốc.

Anh Lý bảo khi chọn vùng đất này để trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình, nhiều người cho rằng anh bị “khùng”, bởi trồng cây ăn quả, mà lại là những cây được xem là khó tính như quýt, cam, bưởi trên vùng đất sỏi cát khô cằn thì làm sao cây có thể sống được? Nhưng rồi bằng niềm tin có thể cải tạo được vùng đất này, anh Lý bắt đầu hành trình chinh phục vùng đất khó.

Anh Lý chăm sóc cây bưởi da xanh của gia đình. Ảnh: Tuấn Anh. 

Anh Lý chăm sóc cây bưởi da xanh của gia đình. Ảnh: Tuấn Anh. 

Bài liên quan

Gia đình anh Lý vào mảnh đất Ia Khươl lập nghiệp từ năm 1998 và xuất phát điểm với nghề sửa xe máy. Thấy cuộc sống bấp bênh, anh chuyển nghề sang làm các công trình về điện. Sau này khi có được ít vốn, gia đình anh quyết định đi mua rẫy làm nông nghiệp để tính cho phương án về già không còn sức khỏe đi làm các công trình.

“Khi mua miếng đất rẫy 1,4ha ngay sát vách núi, mình bị rất nhiều người chê cười. Mọi người nói ông có bị sao không mà mua vùng đất này, nơi đây trồng có cây gì mọc lên được đâu. Đất nơi đây cho không còn chẳng muốn lấy vậy mà lại đi mua để trồng cây. Nghe vậy, tôi chỉ biết cười và nói, đất xấu thì mình cải tạo cho tốt, bỏ nhiều phân cây sẽ phát triển thôi”, anh Lý kể.

Theo anh Lý, khu vườn này lúc bấy giờ chủ yếu là đất sỏi cát khô cằn, trồng cây khoai mì (sắn) cũng không thể sống nổi nên gần như bỏ hoang. Sau đó, anh thực hiện công cuộc cải tạo, cày xớt, nơi nào nhiều sỏi đá thì thu gom lại rồi bỏ đi. Tiếp đến, anh thực hiện rải các lớp phân chuồng, mùn mía để tăng thêm chất dinh dưỡng cho đất. Đồng thời, anh để cỏ mọc tự nhiên, sau đó dùng máy cắt phần ngọn để tạo độ mùn, tăng độ ẩm cho đất.

Vườn cây chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học ủ với mùn mía. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cây chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học ủ với mùn mía. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Khi cải tạo đất xong, việc chọn cây trồng cũng trở thành vấn đề nan giải, bản thân anh cũng muốn tạo ra sự khác biệt nên đã đi nhiều nơi tìm hiểu. Sau đó, anh quyết định chọn các loại cây ăn quả có múi như quýt, cam, bưởi để trồng. Nhiều người trong vùng thấy vậy lại càng ngạc nhiên, cho rằng anh ngược đời vì trồng cây có múi vùng đất này cho vị chua không thể ăn được.

Bỏ ngoài tai những lời chê cười, bản thân anh Lý hiểu khi cây được chăm sóc phân bón, nước tưới bài bản thì tất yếu sẽ cho quả ngọt. Bên cạnh đó, việc trồng cây cho quả vị chua là do chất lượng giống không tốt. Ý thức được điều đó, anh Lý lặn lội xuống miền Tây lựa chọn giống chất lượng nhất đem về trồng.

“Đất trồng cũng chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là khâu chăm sóc, biết thời điểm nào bón phân, kích quả, khi đó cây sẽ phát triển tốt”, anh Lý chia sẻ.

"Cuộc cách mạng" đưa nước từ núi về vườn

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cây, anh Lý cho biết, cây quýt, cam, bưởi mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 vụ chính. Tuy nhiên do chăm sóc tốt, cam, quýt vẫn cho vụ thu hoạch trái mùa vào dịp gần Tết. Điều này giúp gia đình anh có nguồn thu trải đều trong năm với lợi nhuận khoảng hơn 300 triệu đồng.

Theo anh Lý, vườn cây của gia đình hiện đã hơn 6 năm tuổi nhưng vẫn rất xanh tốt, năng suất quả thu hoạch vẫn luôn đạt cao và ổn định. Để có được điều này, ngoài cải tạo đất, bón phân thì nguồn nước tưới là yếu tố rất quan trọng.

'Cuộc cách mạng' về nguồn nước tưới giúp gia đình anh Lý không lo thiếu nước. Ảnh: Tuấn Anh.

"Cuộc cách mạng" về nguồn nước tưới giúp gia đình anh Lý không lo thiếu nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Anh Lý chia sẻ: “Khi bắt đầu thực hiện cải tạo vườn cây, mình cũng đã tính đến bài toán nguồn nước tưới. Ban đầu, mình lên phương án xây hồ chứa rồi đưa nước từ đập về sử dụng. Sau đó, mình vô tình phát hiện mạch nước ngầm trên đỉnh núi để rồi quyết định lắp đường ống đưa nước về vườn. Nước từ trên núi nên chảy rất mạnh, không cần đầu tư hệ thống máy nổ, chỉ cần lắp những van nước ở những nơi mình cần tưới”.

Theo anh Lý, đầu tư ban đầu hệ thống tưới từ trên núi về tốn cũng khá nhiều chi phí, khoảng 100 triệu đồng, nhưng bù lại sử dụng quanh năm mà không lo sợ thiếu nước.

Dạo quanh khu vườn xanh mướt, anh Lý cười mãn nguyện: “Chính mình cũng không nghĩ rằng người trước đó vốn không có kiến thức gì về nông nghiệp như mình nhưng lại có thể thành công với vườn cây ăn quả trồng trên vùng đất khô cằn sỏi cát này".

Trước sự thành công của anh Lý, nhiều hộ dân trong vùng đã không còn ngờ vực. Thay vào đó, nhiều người đã tìm đến học hỏi và được anh chia sẻ kinh nghiệm để về áp dụng trên vườn cây của gia đình.

A Lý cho biết, khi quyết định đầu tư trồng cây ăn quả trên vùng đất sỏi cát khô cằn, bản thân anh cũng đã phải tìm hiểu rất kỹ về nguyên lý phát triển của cây trồng. Theo đó, quan trọng nhất vẫn là quy trình chăm sóc, bón phân đúng cách sẽ giúp cây cho trái ngọt.

Mạnh dạn đầu tư trên vùng đất khô cằn sỏi cát đã giúp gia đình anh Lý thu trái ngọt. Ảnh: Tuấn Anh.

Mạnh dạn đầu tư trên vùng đất khô cằn sỏi cát đã giúp gia đình anh Lý thu trái ngọt. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Ông Phạm Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl cho biết, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Lý thành công trên vùng đất khô cằn sỏi cát được xem là kỳ tích ở địa phương.

Với vùng đất này, nếu người nhát gan thì thực sự không dám đầu tư để trồng cây, phát triển kinh tế nông nghiệp. Trước đây, vùng đất này vốn chỉ là sỏi cát, bạc màu nên không ai quan tâm. Tuy nhiên, gia đình anh Lý đã cải tạo thành công, vườn cây phát triên xanh tốt, vượt trên cả suy nghĩ của các hộ dân xung quanh và chính quyền địa phương.

“Mô hình vườn cây ăn trái của anh Lý rất hiệu quả, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Bản thân gia đình anh Lý cũng mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn cây, sử dụng chủ yếu phân bón hữu cơ. Đặc biệt, anh Lý còn thực hiện 'cuộc cách mạnh' khi đưa nước từ trên núi về vườn cây nên không lo sợ thiếu nước”, ông Quý chia sẻ.

Theo anh Lý, yếu tố quan trọng nhất để vườn cây phát triển bền vững là phải hạn chế thấp nhất sử dụng phân hóa học, lạm dụng quá nhiều sẽ khiến chất đất ngày càng đi xuống. Vườn cây của gia đình anh chủ yếu sử dụng các loại phân bón sinh học, phân bò kết hợp ủ với mùn mía để bón cho cây, chỉ sử dụng phân hóc học với số lượng rất ít vào thời điểm thực sự cần thiết khi cây ra quả nhằm tăng vị ngọt.

Xem thêm
Đa số lợn sữa nhập khẩu vào Hồng Kông đến từ Việt Nam

Hồng Kông là thị trường lớn nhất của xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt Việt Nam, trong đó, lợn sữa Việt Nam đang chiếm thị phần lớn nhất ở đây.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài 2] Phải làm thêm đủ thứ nghề

Khánh Hòa Nhiều cán bộ thú y cơ sở tại Khánh Hòa phải tranh thủ ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc để làm thêm bốc vác, phụ hồ, đúc bi bê tông, giao bún… kiếm sống.

Nông dân Đồng Tháp tiếp cận nhanh với công nghệ số

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra làn sóng mới trong sản xuất nông nghiệp.