Năm 2022, anh Trần Hữu Bính bắt đầu tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Sơn La với mong muốn xây dựng một trang trại bò quy mô lớn.
Bắt đầu từ 100 con giống, đến nay, đàn bò của anh đã phát triển lên hơn 400 con, hoạt động trên hai trang trại với tổng diện tích gần 5.000m².
Trang trại của anh Bính không chỉ chú trọng vào việc mở rộng quy mô mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh.
Hàng năm, cứ đến tháng 2 và tháng 8, anh thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho bò như tụ huyết trùng, viêm da nổi cục và lở mồm long móng.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ miễn phí một số loại vacxin cho các hộ chăn nuôi, chỉ cần đăng ký số lượng để được nhận. Riêng với vacxin viêm da nổi cục, mức giá bán được hỗ trợ ở mức tối thiểu với khoảng 30.000 đồng/liều.
Theo anh Bính, việc bảo đảm tiêm phòng cho hơn 400 con bò tiêu tốn của anh khoảng 50 triệu đồng mỗi năm, suốt hai năm liên tiếp trang trại không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhờ vào việc thực hiện nghiêm ngặt công tác tiêm phòng.
Ngoài ra, anh còn thuê thêm một kỹ thuật viên tốt nghiệp từ trường Cao đẳng Thú y để giám sát toàn bộ công tác tiêm vacxin và theo dõi sức khỏe của đàn bò. Kỹ thuật viên sẽ thăm khám ngay khi phát hiện có bò bị bệnh và đưa ra phác đồ điều trị để tránh lây lan dịch bệnh.
Vào ngày 9/8, huyện Mai Sơn đã ra chỉ thị yêu cầu các ban ngành tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho gia súc theo hình thức xã hội hóa. Mục tiêu là đến hết tháng 8, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn trên địa bàn xã.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, Thú y và thủy sản Sơn La, các trang trại lớn như của anh Bính luôn đáp ứng tốt các yêu cầu về tiêm phòng và hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa chấp hành đầy đủ.
Do đó, chi cục đã tổ chức các đoàn kiểm tra để giám sát và đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng vacxin. Các báo cáo tình hình dịch bệnh và kết quả tiêm phòng cũng được cập nhật đầy đủ.
Tính đến đầu tháng 10/2024, địa bàn huyện Mai Sơn xuất hiện 02 ổ dịch Viêm da nổi cục (trâu, bò) tại xã Nà Bó, xã Chiềng Chăn, cán bộ thú y hướng dẫn nhân dân khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, cách ly động vật nhiễm bệnh.
UBND xã chỉ đạo các bản, tuyên tuyền hộ chăn nuôi bò tổ chức tuyên phòng vacxin viêm da nổi cục (VDNC) theo hướng xã hội hóa. Tình trạng 04 con bò nhiễm bệnh đã được cách ly, theo dõi bệnh (03 con xã Nà Bó, 01 con xã Chiềng Chăn).
Hiện tại, vacxin Tụ huyết trùng được tiến hành tiêm trên toàn bộ số lượng bò trên địa bàn, vacxin Lở mồm long móng đạt 83,11%, vacxin Viêm da nổi cục cho bò theo hướng xã hội hóa được 2.638 liều, đạt 7,96% tổng số bò.
Không chỉ chú trọng đến việc tiêm vacxin, công tác vệ sinh chuồng trại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Tại trang trại của anh Bính, việc vệ sinh được thực hiện thường xuyên. Cứ mỗi tuần, công nhân sẽ tiến hành dọn dẹp chuồng trại, bao gồm cạo phân bám trên nền đất, xịt rửa máng ăn và lau dọn toàn bộ khu vực chuồng.
Sau đó, trang trại sử dụng dung dịch Virkon S để sát trùng chuồng trại và không khí. Quy trình pha chế dung dịch sát trùng cũng được thực hiện theo đúng hướng dẫn, đảm bảo hiệu quả trong việc tiêu diệt mầm bệnh.
Để sát trùng không khí, dung dịch sẽ được pha với tỷ lệ 100g trong 20 lít nước và phun đều trên diện tích 10m². Đối với sát trùng bề mặt chuồng trại, tỷ lệ pha là 100g trong 10 lít nước và phun với áp lực thấp để đảm bảo dung dịch thấm đều vào các bề mặt.
Anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn La cho biết, việc giữ vệ sinh chuồng trại luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chuồng được thiết kế khép kín, nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa lũ. Ngoài việc sử dụng dung dịch hóa chất, HTX còn khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng vôi bột để tăng khả năng sát khuẩn và giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ.
Thành công của trang trại bò tại Mai Sơn trong việc đẩy lùi dịch bệnh là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của công tác tiêm phòng vacxin kết hợp với việc duy trì vệ sinh chuồng trại thường xuyên.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương, các ban ngành và sự chủ động của các hộ chăn nuôi đã giúp bảo vệ đàn gia súc khỏi nguy cơ dịch bệnh, đồng thời đảm bảo sức khỏe vật nuôi, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.