| Hotline: 0983.970.780

Xuân về trên những cánh cổng không khép

Thứ Năm 01/02/2024 , 13:30 (GMT+7)

Hà Nội Mỗi lần cảm thấy chới với, Nguyễn Hưng Hải lại nhìn về tấm biển lớn treo trước nhà ăn: 'Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã'.

Cổng vào cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội, xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Ảnh: Bảo Thắng.

Cổng vào cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội, xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Ảnh: Bảo Thắng.

Nỗi nhớ nhà khi Tết đến xuân về

Đợt rét hại giữa tháng Chạp phủ một màu xám xịt lên đất trời Ba Vì suốt gần một tuần lễ. Những cơn gió vù vù bao trùm tỉnh lộ 87 khiến nhịp sống nơi đây như chậm rãi và nhẹ nhàng hơn. Mọi người di chuyển cũng chậm hơn, dường như là để làm giảm đi cảm giác rét buốt, lạnh cóng của tiết trời giữa đông. Gam màu trầm man mác khiến con người như muốn dành nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ và suy tư, hoặc thả dòng tâm trạng trôi tự nhiên, lãng đãng theo những cơn gió ngoài kia.

“Làm gì mà đứng ngẩn ra vậy?”, tiếng hô vọng của anh bạn cùng phòng kéo Nguyễn Hưng Hải về thực tại. Như choàng khỏi nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, học viên của cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội lúc này mới thấy đôi chân mình tê cóng. Có lẽ, anh đã bần thần trước tấm biển treo trước nhà ăn đến 10 phút. Đôi dép dưới chân như không còn nghe theo điều khiển, xiên xẹo mỗi chiếc một bên, nhưng Hải vẫn cố dành nốt ánh nhìn cuối lên dòng chữ mà anh luôn xem là lời động viên bản thân mỗi lúc yếu lòng.

“Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã”!

Thuở còn ỏ nhà tại quận Hoàng Mai, người đàn ông sinh năm 1981 hầu như không thể cảm nhận được “thành công” này. Trên chiếc xe hàng, quanh năm suốt tháng Hải chạy khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, gom nhặt từng đồng để đỡ đần cho gia đình. Bố bị ung thư, mấy năm nằm viện điều trị, mẹ thì tiểu đường, anh chị em kiến giả nhất phận, nên một ngày của anh hầu như được định nghĩa từ nhà đến cabin. Cái vòng lặp lại ấy kéo qua mấy mươi mùa xuân, đến mức Hải quên bẵng đi việc lập gia đình riêng.

Sau khi thức vào lúc 5h45, tập thể dục, vệ sinh cá nhân và ăn sáng, Nguyễn Hưng Hải được bố trí lao động tại xưởng sản xuất bẫy chuột. Ảnh: Bảo Thắng.

Sau khi thức vào lúc 5h45, tập thể dục, vệ sinh cá nhân và ăn sáng, Nguyễn Hưng Hải được bố trí lao động tại xưởng sản xuất bẫy chuột. Ảnh: Bảo Thắng.

Có phải vì như vậy mà trong một phút yếu lòng, người tài xế có vóc dáng mảnh khảnh đã chệch tay lái, sa đà vào ma túy? Chính Hải cũng không thật chắc lý do. Chỉ biết là sau khoảnh khắc ấy, anh thấy mình mất hết, không còn một gì từ công ăn việc làm, gia đình, bạn bè, người thân, đến cả cuộc sống cũng không thể tự chủ vì phải đi cai nghiện theo diện bắt buộc 24 tháng. Anh cũng biết, rằng mình “đã ngã”.

Nhìn con đường rộng dài, kéo từ cổng cơ sở đến khu tăng gia cho học viên, Hải như thấy những cung đường rong ruổi năm nào trên chiếc xe hàng. Ngày ấy, anh có niềm tin của mọi người, được thấy nụ cười của mẹ mỗi khi đón anh đi làm về, được cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa mỗi dịp Tết đến xuân về. Trong ánh chiều tịch mịch, giữa đợt gió mùa tê tái, Hải thấy mình thật nhỏ bé giữa núi rừng Ba Vì.

Người ta bảo, mỗi khi đông về, con người như có nhu cầu bộc bạch cảm xúc nhiều hơn. Họ không ngần ngại trao cho nhau những cái nắm tay, những cái ôm thắm thiết để sưởi ấm cả cơ thể lẫn tâm hồn con người. Với cá nhân chàng học viên của cơ sở cai nghiện ma túy số 4, nhìn nụ đào chớm nở, anh lại càng nhớ mẹ nhiều hơn. Bao nhiêu sợi dây tình cảm 43 năm qua, lúc này dường như là để dành hết cho mẹ, là ước mong được san sẻ bớt những vất vả của mẹ, hay bình dị hơn là việc không làm mẹ buồn. “Tháng trước mẹ lên thăm, động viên em phải tự lo cho bản thân”, Hải kể.

Lẽ thường ở tuổi của anh, con cái đã báo hiếu được cha mẹ. Suy nghĩ ấy dằn vặt chàng học viên khôn nguôi kể từ lúc vào cơ sở hồi tháng 6/2022. Hải bảo, bao nhiêu năm qua, chưa có khoảng thời gian nào anh suy nghĩ nhiều như vậy về cuộc sống, về tương lai. Nhiều đêm nhớ mẹ, chàng trai đến từ Hoàng Mai không ngủ được, nhiều bận phải nuốt nước mắt vào trong để tập trung học tập, tu dưỡng tốt. Với Hải, có lẽ mẹ là nguồn động viên, an ủi lớn nhất để bước tiếp. Anh một mực rằng, nơi quê nhà, người mẹ tảo tần vẫn đang ngóng trông từng ngày đón anh về.

Và phải chăng, đền đáp lại nỗi khắc khoải ấy của đấng sinh thành, trong điều kiện vấp ngã như hiện tại, đã là một thành công với anh?

Ngoài làm việc tại xưởng, học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy số 4 còn được bố trí tăng gia trồng rau, nuôi gà, vịt. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngoài làm việc tại xưởng, học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy số 4 còn được bố trí tăng gia trồng rau, nuôi gà, vịt. Ảnh: Bảo Thắng.

Chế độ ngày Tết cao gấp 5 lần bình thường

Tâm tư của Hải chỉ là một trong số 450 câu chuyện mà học viên cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội trăn trở những ngày cuối năm Quý Mão. Mỗi người từ một địa phương, một vùng miền, đến cơ sở với một tâm thế khác nhau, nhưng tựu trung, họ đều mang một cảm giác nặng nề khi đặt chân tới miền đất Yên Bài. Nỗi lo bị đánh đập, bị chèn ép, bị bắt nạt…cứ chực chờ, khiến việc đi cai nghiện có lúc từng bị so sánh với việc bị quản thúc trong trại giam.

Là cán bộ giàu thâm niên bậc nhất, Giám đốc Phạm Đình Giang bảo, hơn 20 năm trước, thời điểm bắt đầu chuyển từ Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 4 thành cơ sở cai nghiện, học viên đến nơi này với nhiều mặc cảm. Số đông khép nép, thu mình với cuộc sống mới. Chưa kể cơ sở vật chất xuống cấp, chưa được sửa chữa khiến việc giáo dục cùng một lúc hàng trăm con người, lúc cao điểm là 1.800 người, thực sự chật vật, gian nan.

“Nhớ nhất là mùi người mỗi khi đẩy cửa vào phòng”, anh Giang kể. Theo lời anh, ngày ấy, mỗi phòng chỉ độ 15-20m2 nhưng là nơi cư ngụ của tới 30 học viên. Tường nhà nhiều chỗ bong tróc, dột nát, cả phòng chỉ có duy nhất một chiếc quạt. Ngày rét còn đỡ, ngày nóng thì thật sự bí bách, chật chội. Buổi sáng, các học viên phải xếp hàng chờ vệ sinh cá nhân, có khi cả tiếng mới đến lượt. Cơ sở vật chất không đảm bảo, khiến cho nguy cơ vỡ trại, phá trại lúc nào cũng chực chờ.

Hà Nội được coi là địa bàn tiêu thụ, trung chuyển một lượng lớn ma tuý. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 17.000 người, đúng thứ 2 cả nước và chiếm 10% tổng số đối tượng quản lý trên cả nước. Hiện thành phố duy trì hoạt động 7 cơ sở cai nghiện ma tuý, với tổng số gần 3.000 người, trong đó số cai nghiện bắt buộc khoảng 2/3, số điều trị methadone khoảng gần 200 người.

Theo quy định, chế độ ăn của học viên hiện là 48.000 đồng/người/ngày. Nhờ cơ sở cai nghiện ma túy số 4 tự cung cấp được nhiều nguồn thực phẩm, nên bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo quy định, chế độ ăn của học viên hiện là 48.000 đồng/người/ngày. Nhờ cơ sở cai nghiện ma túy số 4 tự cung cấp được nhiều nguồn thực phẩm, nên bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhận thức rõ tình trạng ấy, nên anh Phạm Đình Giang cùng ban lãnh đạo đã xây dựng quy tắc ứng xử ngay từ lúc tiếp nhận, nhằm tạo sự yên tâm nơi học viên, đồng thời luôn trao đổi, khuyến khích đồng nghiệp phải thật sự quan tâm, chia sẻ, kịp thời nắm bắt tâm tư, thay đổi tâm lý của học viên, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Do đặc thù, nên Tết trong cơ sở thường kéo dài khoảng nửa tháng. Trong thời gian này, học viên không phải đến xưởng sản xuất. Do đó, ngay từ cách đây một tháng, lãnh đạo cơ sở đã xây dựng kế hoạch đón Tết, từ việc cải tạo cảnh quan môi trường, trồng cây, vệ sinh, đến bố trí cán bộ luân phiên xuống từng phòng, động viên tạo không khí thoải mái nhất cho học viên.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, TP. Hà Nội, những năm gần đây, chế độ ăn ngày Tết của học viên cao gấp 5 lần bình thường, tương đương 240.000 đồng/ngày. Cơ sở cũng giao cho các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động trước, trong và sau Tết, và có nhiều hình thức cổ động, khuyến khích học viên tham gia đầy đủ, hứng khởi.

Tại buồng 103, Đội 2, Bùi Hoàng Hiệp đang cẩn thận lau dọn bàn thờ và tự tay chọn những gói bánh kẹo, hoa quả ưng ý nhất để đưa lên thắp hương mấy ngày Tết. Đây đã là cái Tết thứ hai của Hiệp ở trong cơ sở, những bỡ ngỡ ban đầu gần như không còn. Tay xách nách mang, Hiệp vừa nhắc anh em vệ sinh phòng, vừa lui cui chạy qua lại để tỉa tót cành đào trước sân.

Giữa không khí chan hòa, anh Dương Xuân Phú, Đội phó Đội 2 đến hỏi han tình hình đón Tết của học viên. Bên ấm trà nóng, anh Phú hỏi Hiệp cùng anh em trong phòng tình hình đăng ký quà Tết và lịch thăm hỏi của người nhà. “Điều quan trọng là mình phải vững về tinh thần. Tinh thần vững rồi thì làm gì cũng được”, anh Phú ân cần nói.

Rời buồng 103, anh Phú lại chạy qua khu bếp để thăm hỏi tổ làm giò, gói bánh chưng. Anh bảo, được cán bộ và học viên đồng tình nhất trí nên việc hậu cần, bếp núc dịp Tết chúng tôi cùng nhau lên thực đơn, cùng nhau tham gia chế biến. Ngoài ra, trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các “thầy” đã lên kế hoạch để cùng anh em học viên đón Tết ngay trong đơn vị. “Một năm, hai năm, rồi nhiều năm, cứ như vậy riết cũng thành quen”, anh Phú bày tỏ. Đến giờ, mọi cán bộ trong cơ sở cai nghiện ma túy số 4 đều coi đó là điều rất đỗi bình thường và quen thuộc.

Vài năm trở lại đây, học viên tại cơ sở còn tự tay gói bánh chưng, gói giò và trải nghiệm nhiều hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Bảo Thắng.

Vài năm trở lại đây, học viên tại cơ sở còn tự tay gói bánh chưng, gói giò và trải nghiệm nhiều hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh các hoạt động đón Tết theo cách cổ truyền, cán bộ cũng tổ chức nhiều hơn những chương trình văn hóa, thể thao nhân dịp này. Hầu như ngày nào trong nửa tháng nghỉ Tết, các cuộc thi đá cầu, bóng chuyền cũng diễn ra. Đặc biệt, vào đêm 30 Tết, một hội thi văn nghệ toàn cơ sở sẽ được tổ chức.

Do đặc thù cơ quan là cơ sở quản lý, giáo dục, cai nghiện đối với người nghiện ma túy theo quyết định của tòa án, đa số học viên, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, đã bị lệ thuộc vào ma túy, dẫn đến tiền án, tiền sự, bệnh tật. Cùng với đó, là tư tưởng, nhận thức, hành vi xã hội rất phức tạp. Càng gần những ngày Tết, tâm lý của học viên lại càng bất ổn do nhớ nhà. Tình trạng những đối tượng bên ngoài tìm cách tiếp cận học viên, ném thuốc lào, thuốc lá, đồ ăn, rượu, bia, thậm chí có cả chất nghi ma túy qua hàng rào vào cơ sở giờ không còn, nhưng mỗi cán bộ, viên chức, người lao động chưa khi nào dám lơ là.

Với đa số mọi người, Tết là dịp để sum vầy cùng gia đình, người thân, nhưng Tết với cán bộ cơ sở cai nghiện ma túy là áp lực nhân lên. Chưa kể, chính sách, chế độ đãi ngộ hiện nay chưa thật tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên một số vị trí, đặc biệt là bác sĩ, y tá gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng người làm việc lâu dài. Nặng nề và vất vả như vậy, nhưng ai cũng nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm nhằm bảo đảm an ninh trật tự tại đơn vị trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội yêu cầu các cơ sở cai nghiện ma túy bố trí nhân lực, bảo đảm sẵn sàng phối hợp, tiếp nhận 24/7 với người được đưa vào cai nghiện, lưu trú tạm thời trong dịp Tết Nguyên đán.

Cánh cổng trở về không còn xa

Kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại những trung tâm cai nghiện trong năm 2023 cho thấy, cơ sở mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 50% số người nghiện. Trong khi đó, số người nghiện thực tế ngoài cộng đồng cao hơn từ 3-5 lần số người đang được quản lý. Sau mỗi đợt truy quét, số người dồn về cơ sở cai nghiện lại tăng mạnh, gây ra tình trạng quá tải triền miên. Đến nay, mới có 8/63 tỉnh, thành phố quan tâm, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa. Đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo quy định tại Nghị định 116 và số vốn được bố trí cũng ở mức rất thấp.

Một trong những định hướng được lãnh đạo Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra, là tập trung xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại cộng đồng, nhằm thu hút được đầu tư từ các cá nhân, tổ chức ngoài công lập. Đồng thời, triển khai nhân rộng các dịch vụ hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện giúp người nghiện ma túy được tiếp cận và lựa chọn dịch vụ tốt nhất phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan, những hoạt động này chưa được triển khai một cách sâu, rộng.

Anh Dương Xuân Phú, Đội phó Đội 2 đến tận phòng, hỏi han tình hình đón Tết của học viên. Ảnh: Bảo Thắng.

Anh Dương Xuân Phú, Đội phó Đội 2 đến tận phòng, hỏi han tình hình đón Tết của học viên. Ảnh: Bảo Thắng.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 không phải ngoại lệ, nhưng không vì thế mà cán bộ nơi đây lơ là trách nhiệm với cộng đồng. Buổi tối, trong phòng bảo vệ, anh Phạm Đình Giang vẫn lật giở cuốn sổ công tác. Anh bảo, đã một vài lần tiếp nhận học viên vào dịp giáp Tết, tâm lý của anh em khi đến cơ sở dịp này thường bất ổn hơn. Bởi thế, công tác chuẩn bị lại càng phải chu đáo, tránh để học viên mới có cảm giác “mất Tết”.

Dưới ánh đèn nhấp nháy mà học viên mới trang trí lúc chiều, cánh cổng dẫn vào cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội vẫn mở rộng, như một lời cam kết về sự sẵn sàng của trung tâm những ngày cao điểm cuối năm. Phía xa, gần trạm bơm nước, hàng trăm cây keo giống đã bắt đầu được tập trung tại khu đất trống, chuẩn bị cho buổi hưởng ứng Tết trồng cây vào đầu năm mới Giáp Thìn. Đó là những thứ tưởng như không thể ở những cơ sở cai nghiện cách đây vài chục năm, nơi mọi ồn ào, náo nhiệt của thế giới bên ngoài đều phải dừng lại nơi cánh cổng sắt nặng trịch.

Nhướn đôi mày về hàng đèn ngoài tỉnh lộ, anh Giang kể khẽ như muốn nói với bản thân, rằng ngày còn là cán bộ trực tiếp chăm sóc học viên, nhiều lần anh thấy họ đứng thu lu một góc nhìn về hướng nội thành. Ngày ấy, đèn đường chưa có, trước mắt của đa số chỉ là một màu đen thẳm: Hiện tại thì bức bối, có khi đánh nhau chỉ vì một bánh xà phòng, một đôi tất. Tương lai thì mờ mịt, nỗi sợ bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh khi tái hòa nhập cứ chực chờ đè nặng tâm trí. Không khí những ngày Tết tịch mịch đến mức, cơ sở thường xuyên phải liên hệ với một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, giả vờ đi hành quân ngang qua, vừa để phá vỡ sự ngột ngạt cố hữu, vừa để trấn áp những học viên có biểu hiện lơ là, tư tưởng, lập trường thiếu vững vàng.

Học viên quây quần xem tivi, theo dõi tin tức thời sự vào buổi tối, trước khi đi ngủ vào lúc 21h. Ảnh: Bảo Thắng.

Học viên quây quần xem tivi, theo dõi tin tức thời sự vào buổi tối, trước khi đi ngủ vào lúc 21h. Ảnh: Bảo Thắng.

Năm 2024, không khí vẫn tĩnh lặng như vậy nhưng một cảm giác yên bình đã nhen nhóm vào lòng người, với bất cứ ai từng một lần bước chân qua cánh cổng sắt ngoài kia. Có lẽ, đó là vì phải đi mấy vòng quanh trung tâm mới bắt gặp một, hai cán bộ đi tuần buổi tối. Hoặc cũng có thể, là cảm giác con đường sau lưng luôn được mở, tựa người mẹ hiền lúc nào cũng dang rộng vòng tay chào đón ngày trở về.

“Hạnh phúc là một cuộc hành trình chứ không phải đích đến”, Nguyễn Hưng Hải nhớ có ai đó từng nói vậy. Gần 20 tháng rèn giũa trong cơ sở cai nghiện ma túy số 4, anh càng suy nghĩ và thấy thấm câu nói ấy. Nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ được người đàn ông đầu hai thứ tóc cụ thể bằng quyết tâm nỗ lực gấp đôi người bình thường khi trở về sau hơn 4 tháng nữa. Anh tâm niệm, không thể bắt cộng đồng phải chấp nhận mình nữa, mà phải chủ động lấy lại niềm tin cho bản thân.

Ngày 28/4/2022, cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Dù trải qua nhiều biến động, tính đến nay cơ sở này đã tiếp nhận, điều trị cho tổng số hơn 15.000 lượt người. Sau thời gian cắt cơn, giải độc, học viên được tạo điều kiện để tham gia lao động trị liệu, học văn hóa, học nghề.

Ngoài ra, họ được quan tâm tư vấn hướng nghiệp, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tái hòa nhập xã hội... Nhờ đó, sức khỏe của đa số học viên có sự chuyển biến tích cực. Kết thúc thời gian điều trị, không ít người có khả năng hòa nhập cộng đồng.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà, chúc Tết công nhân, gia đình chính sách

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, chúc Tết công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh, gửi lời chúc mừng doanh nghiệp, người lao động năm mới đạt nhiều kết quả, thắng lợi mới.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xác cá voi nặng khoảng 300kg trôi dạt vào bờ biển Quảng Trị

Xác cá voi, dài khoảng 4m, nặng 300kg vừa được phát hiện tại bờ biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong tình trạng phân hủy nặng.