| Hotline: 0983.970.780

Xuất hiện nhiều mạch nước đe dọa cây hồ tiêu

Thứ Sáu 01/11/2024 , 16:58 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Sau bão số 6, nhiều vườn cây hồ tiêu tại xã Gio An xuất hiện mạch nước, khiến hàng chục ha hồ tiêu bị chết.

Nhiều mạch nước xuất hiện tại các vườn tiêu của người dân xã Gio An. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều mạch nước xuất hiện tại các vườn tiêu của người dân xã Gio An. Ảnh: Võ Dũng.

Sau nhiều ngày chịu ảnh hưởng bởi mưa lớn do bão số 6, hàng loạt vườn hồ tiêu của người dân xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã bị ngập úng. Sau khi nước rút, nhiều mạch nước ngầm liên tục xuất hiện khiến bộ rễ của cây hồ tiêu có nguy cơ bị úng, nấm bệnh xâm nhập. Tình trạng này đã từng xuất hiện sau trận mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2020 khiến hàng chục ha hồ tiêu tại xã Gio An bị chết và ảnh hưởng.

Ông Lê Văn Phong, người trồng hồ tiêu tại thôn Bình Sơn cho hay, năm 2020, mạch nước ngầm (người địa phương gọi là mạch nước mội) đã khiến trên 400 gốc tiêu của gia đình ông bị chết. Năm 2022, ông Phong bắt đầu cải tạo đất, phục hồi lại vườn tiêu. Thế nhưng khi vườn tiêu đang sinh trưởng, phát triển tốt thì đợt mưa bão vừa qua lại tiếp tục làm gần 200 gốc tiêu của gia đình ông Phong ngập úng do xuất hiện nhiều mạch nước nằm ngay dưới gốc các cây tiêu. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ông Phong đã xới xung quanh gốc, đào rãnh thoát nước, thế nhưng số tiêu có hiện tượng vàng lá, rụng lá vẫn ngày càng nhiều.

Mạch nước khiến rễ tiêu bị ngập úng và có nguy cơ bùng phát nấm bệnh. Ảnh: Võ Dũng.

Mạch nước khiến rễ tiêu bị ngập úng và có nguy cơ bùng phát nấm bệnh. Ảnh: Võ Dũng.

“Năm 2020, khi mạch nước xuất hiện trong vườn được 1 tháng, dù gia đình đã làm rất nhiều cách nhưng cây hồ tiêu vẫn chết. Vườn tiêu hiện tại cũng có nguy cơ chết vì hiện nay các mạch nước vẫn chảy tràn liên tục trên mặt đất”, ông Phong buồn bã.

Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, mạch nước xuất hiện vào năm 2020 đã khiến gần 20ha hồ tiêu tại địa phương bị vàng lá, thối rễ và chết hoàn toàn; hơn 60ha hồ tiêu bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng, phải mất một thời gian dài mới có thể phục hồi.

Thời điểm này, toàn xã Gio An đã xác định được 3ha hồ tiêu xuất hiện các triệu chứng vàng, héo, rụng lá, nguy cơ chết rất cao. Nếu trời tiếp tục mưa thì diện tích hồ tiêu chết có thể lên tới 10ha.

Xuất hiện ngày càng nhiều lá tiêu bị vàng, úa và rụng. Ảnh: Võ Dũng.

Xuất hiện ngày càng nhiều lá tiêu bị vàng, úa và rụng. Ảnh: Võ Dũng.

“Cây hồ tiêu có rễ bám trên thân cây làm choái nên nếu bị ngập úng thời gian đầu thì khó phát hiện triệu chứng vàng lá. Nhưng khi các mạch nước xuất hiện dài ngày thì rễ cây từ dưới đất sẽ bị úng, thối và sau một thời gian cây hồ tiêu sẽ chết hoàn toàn”, ông Hiếu cho hay.

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay người dân đang tích cực cứu các vườn tiêu. Một số việc trước mắt là phải tạo bờ rào ngăn nước từ ngoài chảy vào vườn tiêu; tạo rãnh thoát nước xung quang vườn tiêu và giữa các hàng tiêu; vùn gốc, lên mô cho cây tiêu để giảm thiểu nguy cơ tiêu chết. Một số hộ chặt tỉa cây choái, tạo độ thông thoáng để vườn tiêu nhanh thoát nước.

Người dân đang tìm mọi cách để cứu các vườn hồ tiêu. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân đang tìm mọi cách để cứu các vườn hồ tiêu. Ảnh: Võ Dũng.

“Tiêu là cây trồng chủ lực tại xã Gio An. Năm nay, giá tiêu lên cao, người dân rất phấn khởi nhưng nay lại có nguy cơ thiệt hại lớn. Nếu các biện pháp người dân đã thực hiện vẫn không hiệu quả thì buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Đây là điều rất đáng tiếc vì Gio An hiện có hàng chục ha hồ tiêu hữu cơ rất có giá trị”, ông Hiếu chia sẻ.

Cảnh giác với bệnh thối gốc và tuyến trùng 

Bà Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật liên huyện Gio Linh - Cam Lộ cho biết, việc cần làm ngay để cứu các vườn tiêu là tạo hệ thống thoát nước cho vườn; không để nước chảy qua gốc, kiểm tra bộ rễ, xử lý để hạn chế lây lan nấm bệnh. Bên cạnh đó, nông dân cần phòng trừ bệnh thối gốc và tuyến trùng gây hại; tăng cường chăm sóc, bón phân đúng thời điểm để cây hồ tiêu phát triển.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Người phụ nữ độc hành theo đuổi mô hình vườn rừng

THANH HÓA Người phụ nữ ấy quyết định từ bỏ tất cả để về với rừng, 'trả ơn' cho tự nhiên và để được sống là chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.