| Hotline: 0983.970.780

Dân chây ỳ, DN bên bờ phá sản

Thứ Hai 27/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Dù đã nhận giá trị bồi thường vượt khung, song người dân vẫn chây ỳ để có thêm tiền, trong khi DN lâm vào cảnh lao đao. 

Đó là thực trạng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án mở rộng bãi thải của mỏ than Khánh Hòa tại xóm Làng Ngò (xã An Khánh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Hóng bồi thường giá cao

Trọng tài phân xử trắng đen trong công tác bồ thường- giải phóng mặt bằng là chính quyền các cấp đã thiếu kiên quyết khiến các hộ dân cố bám lấy những tình tiết thiếu căn cứ để đòi tiền.

Cụ thể, theo phương án mở rộng sản xuất, từ năm 2012, Công ty Than Khánh Hòa (TCty Công nghiệp mỏ Việt Bắc) đã thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng đầu tư mở rộng bãi thải Tây tại địa bàn xóm Ngò (xã An Khánh, huyện Đại Từ). Dự án có tổng mức đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng là 126 tỷ đồng và diện tích đất thu hồi hơn 34 ha.

Triển khai dự án, Công ty Than Khánh Hòa đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đại Từ và UBND xã An Khánh thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ mở rộng bãi thải Tây, DN đã chủ động trình UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép áp dụng giá đền bù đất nông nghiệp của xã An Khánh (huyện Đại Từ) bằng với giá đất nông nghiệp của xã Phúc Hà là địa bàn giáp ranh thuộc TP Thái Nguyên, đồng thời hỗ trợ thêm 10.000 đồng/m2 đất nông nghiệp tại đây.

 Dù đã nhận tiền bồi thường vượt khung với mức giá 78,7 triệu đồng/sào đất nông nghiệp nhưng cho đến nay, một số hộ dân thuộc xóm Làng Ngò vẫn không chịu bàn giao mặt bằng.

Ông Trình Văn Chiến (Trưởng xóm Làng Ngò) cho biết, lý do bà con đưa ra, là khi chi trả, các giấy tờ đều chỉ ghi là "tạm ứng" tiền đền bù mà chưa phải là số tiền thỏa thuận cuối cùng. Đến đầu năm nay, bà con lại tiếp tục đòi phải tăng lên ở mức 108 triệu đồng/sào (theo mức giá của năm 2014) thì mới giao mặt bằng.

Một lý do khác được người dân đưa ra là đoạn đường dân sinh trên địa bàn xã dài hơn 1 km đi qua khu vực bãi thải nằm trong khu vực dự án khi mở rộng đã có nhiều hộ hiến đất làm đường. Nếu DN không bồi thường diện tích đất mà dân đã hiến thì bà con nhất quyết không cho thực hiện dự án...

Ông Trương Văn Dũng (Chủ tịch UBND xã An Khánh) khẳng định, yêu cầu về bồi thường phần đất của một số hộ hiến đất để làm đường là không có cơ sở pháp lý, bởi khi thu hồi con đường qua bãi thải, DN đã đầu tư thay thế một con đường khác bằng bê tông nhựa, đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân.

UBND xã đã chỉnh sửa giấy CNQSDĐ và cũng đã hỗ trợ 40% giá trị đất mà bà con hiến để làm đường.

11-15-25_2
Không có việc làm, các thiết bị chuyên dụng với giá trị hàng chục tỷ đồng của Mỏ than Khánh Hòa đang được tháo dỡ, đóng gói để chuyển đi làm thuê

Trước thực trạng trên, ông Trương Mạnh Kiểm (Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Đại Từ) khẳng định, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo vận động, tuyên truyền để nhân dân giao đất cho dự án.

Ông Trương Mạnh Kiểm (Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Đại Từ) cho biết, chính sách bồi thường của dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tổ chức họp dân để phổ biến. Người dân viện cớ là chi tạm ứng mà không giao mặt bằng là không đúng.

Doanh nghiệp lao đao

Việc không thể giải phóng mặt bằng đã khiến Công ty Than Khánh Hòa lâm cảnh đình trệ, đời sống của hơn 1.000 lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Hồng Ngân (Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa) cho biết, trong quý I/2015, do không có bãi đổ thải, không đảm bảo tiến độ bóc tách đất đá theo thiết kế mỏ nên DN lâm vào tình cảnh bi đát.

Thậm chí DN đã phải điều chuyển cả nhân công lẫn thiết bị chuyên dùng cho các đơn vị của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh thuê lại để có thu nhập trước mắt.

Ông Bùi Trần Đông (Tổng giám đốc TCty Công nghiệp mở Việt Bắc) cho biết, trong năm 2014, Công ty Than Khánh Hòa đã thua lỗ hơn 100 tỷ đồng, thuộc diện sản xuất kinh doanh kém hiệu quả nhất trong số 14 DN trực thuộc TCty Công nghiệp mỏ Việt Bắc.

Được biết, việc sản xuất đình trệ ở Công ty Than Khánh Hòa không chỉ ảnh hưởng riêng đến DN mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Thực tế, nguồn than do công ty sản xuất là nguyên liệu chủ yếu phục vụ Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Nhà máy nhiệt điện An Khánh cùng một số nhà máy xi măng, cơ sở công nghiệp lớn trên địa bàn Thái Nguyên.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.