| Hotline: 0983.970.780

Sống bên miệng vực

Thứ Năm 10/01/2013 , 10:21 (GMT+7)

Gần một trăm hộ dân sống ở 2 bản Quà và Chầm thuộc xã Yên Lập (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đang nơm nớp lo sợ vì nhà cửa của mình có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Gần một trăm hộ dân sống ở 2 bản Quà và Chầm thuộc xã Yên Lập (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đang nơm nớp lo sợ vì nhà cửa của mình có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Sống trong sợ hãi

Sau cả buổi đánh vật với con đường đất trơn trượt, chúng tôi mới tìm được nhà trưởng bản Quà Bùi Văn Tưởng. Ông Tưởng vừa đi nương về. Ngôi nhà sàn đơn sơ của nhà ông Tưởng nằm cheo leo bên sườn đồi. Ngồi bên hiên nhà nhìn bầu trời mây mù vần vũ, ông Tưởng buông tiếng thở dài: “Trời này là sắp mưa đây, bà con lại thêm phần khốn đốn. Sau mỗi mùa mưa chân cột nhà sàn lại bị khoét sâu thêm. Tôi đã kê kích lại mấy lần rồi mới được như vậy đấy. Cũng định tính chuyển nhà đi nơi khác ở nhưng chưa biết đi đâu".

Không riêng gì ông Tưởng, 50 gia đình khác ở trong bản cũng đang canh cánh nỗi lo. Đến nhà cụ Bùi Thị Rẳm mới thấy hết được nỗi cơ cực mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Trước đây nhà cụ ở ngay dưới chân đồi. Ngôi nhà sàn to bề thế, rộng rãi với 5 hàng chân cột cả người ôm không xuể, tưởng như chẳng gì có thể xê dịch được, vậy mà giờ đây nó chỉ còn là bãi đất trống.

Cụ Rẳm kể, cách đây mấy năm, tự dưng đất đá trên đồi lao ầm ầm vào nhà. Sau mỗi mùa mưa, nền nhà lại bị lún sâu xuống hàng mét. Thấy tình hình nguy cấp, cụ và các con đã phải chuyển nhà lên phía trên. Ở nhà mới được một thời gian, cả gia đình cụ lại nơm nớp lo âu. Đất đá ở trên đồi vẫn tiếp tục lăn xuống nhà.

Cùng ông Tưởng đi thăm các hộ gia đình khác trong bản, ai cũng thấp thỏm, nơm nớp lo âu vì tình trạng sạt lở núi diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Những vết nứt dài và to như con quái thú khổng lồ cứ gặm dần vào chân nhà sàn của bà con. Mỗi mùa mưa đi qua, vết nứt đó càng lan rộng ra. Từ một vài hộ dân bị ảnh hưởng, giờ đã lan ra toàn bản.

“Trời động mưa là các hộ gia đình lại í ới gọi nhau, di chuyển đến nhà ít bị ảnh hưởng hơn để ở nhờ. Đất đá trên đồi tựa như có ai đó ném vào chân cột nhà sàn, nghe mà rợn, chẳng ai ngủ được”, ông Tưởng cho biết thêm.

Dài cổ chờ tái định cư

Tình trạng sạt lở đất đá tại xóm Quà và xóm Chầm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Gần 100 hộ dân sống ở 2 bản này đều thuộc diện hộ khó khăn. Nhà của, ruộng vườn đất cát cha ông để lại đang đứng trước nguy cơ bị vùi lấp, xói lở. Cách đây mấy năm, dọc đường lên bản Quà đã được xây dựng 1 kè đá nhằm chống sạt lở. Công trình này cũng chỉ ngăn không cho đất đá lăn xuống đường đi chứ không thể cản được sức lở lói của cả một dãy núi.

Không riêng gì bà con lo lắng, ngay cả cán bộ xã cũng luôn đứng trên đống lửa mỗi khi mùa mưa bão về. Ông Bùi Thanh Hối, Phó chủ tịch UBND xã Yên Lập, cũng có nhà ở bản Quà. Nhà ông cũng thuộc diện có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở. Theo ông Hối, những năm gần đây, xã cũng thường xuyên lên kiểm tra vết nứt ở xóm Quà.

Được biết, cách đây 5 năm, Đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT đã từng về xã Yên Thượng khảo sát. Sau khi nghiên cứu cụ thể, chi tiết về tình trạng sạt lở ở bản Quà và bản Chầm, đoàn kết luận, các hộ dân ở 2 bản này nên được di dời đi nơi khác, tránh thảm họa có thể xảy ra. Việc di dân đi nơi khác vẫn đang là bài toán nan giải đối với chính quyền nơi đây. Mỗi hộ dân chuyển đi sẽ vô cùng tốn kém, hết hàng tỉ đồng, việc này nằm ngoài tầm của địa phương.

Thực ra cách đây 5 năm, UBND huyện Cao Phong cũng đã từng vào khảo sát, đánh giá, có tờ trình, báo cáo gửi các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình. Theo đó, từ năm 2007-2010, chủ trương đầu tư dự án di dân tái định cư vùng thiên tai đã được phê duyệt. Việc quy hoạch, tư vấn khảo sát, thiết kế và lập báo cáo kinh tế kĩ thuật dự án cũng đã hoàn thành.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến để triển khai thực hiện dự án gần 15 tỉ đồng với hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ như: San lấp mặt bằng khu tái định cư khoảng 2,3 ha, đường giao thông, công trình cấp nước sinh hoạt và SX, hệ thống điện sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà lớp học mầm non...

Tuy nhiên, gần 5 năm trôi qua, kinh phí cấp cho dự án mới chỉ có 200 triệu đồng. Với số tiền này cũng chỉ đủ để UBND huyện Cao Phong làm báo cáo kinh tế kĩ thuật, lập quy hoạch, tiến hành khảo sát, thiết kế và rà phá bom, mìn. Vì không có kinh phí nên mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.