| Hotline: 0983.970.780

10 thuyền đi, 9 thuyền lỗ với huề

Thứ Ba 28/05/2013 , 10:20 (GMT+7)

Rời làng chài Hồ Đắng, tôi đi lên phía cảng Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, để khám phá cuộc sống đi biển của ngư dân.

Rời làng chài Hồ Đắng, tôi đi lên phía cảng Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu,  để khám phá cuộc sống đi biển của ngư dân. Bởi vì từ nhỏ, tôi biết đến biển nhưng chưa một lần được ngồi thuyền cùng các ngư dân đánh cá. Mong muốn đó thôi thúc tôi đến lạ thường.

>> Những mảnh đời ngư phủ

"Chuyến này thất bại rồi!"

Qua lời đề nghị đi biển của tôi với một ngư dân tên Thắng, anh hơi ái ngại: “Thuyền của anh chỉ đi 2 người, cho thêm em thì cũng được nhưng em có biết bơi không, có bị say sóng không, nếu có thì anh không cho đi đâu”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi gật đầu lia lịa. Đêm đó, sau giấc ngủ sớm từ 9h tối, 3h sáng là chúng tôi phải dậy chuẩn bị đồ nghề ra biển. Hôm nay đem tới 3 loại lưới, có lưới mắt nhỏ bằng nữa ngón tay út, lưới kia thì to hơn.

Anh Thắng bảo: “Mang nhiều loại để để biết có cá nào thì đánh loại cá đó. Không được mang theo gì hết, mấy cái điện thoại, máy ảnh để ở nhà cả. Gặp nước cái là hỏng hết đấy”. Thơ thẩn, tôi đành gật đầu đồng ý nhưng cũng lén đem theo được cái máy ảnh nhỏ. Vì với tôi, không ghi lại những kỷ niệm của lần đầu ra biển thì không yên được. 4h sáng, chúng tôi lên thuyền, dong ra biển.

Thuyền lướt qua mỗi đợt sóng, lại như phi lên cao, rồi đáp xuống. Với người lần đầu đi như tôi thì chẳng khác nào đi xe máy mà gặp mấy cái ổ voi, bập bênh, khó chịu. Khoảng chừng 30 phút sau, thuyền dừng lại, anh Thắng và người đi cùng bắt đầu thả lưới. Anh nói với tôi, hôm nay nước lớn, cá đi từ hướng trên xuống, nên sẽ bắt đầu thả lưới từ hướng dưới đi ngược lên theo con nước, vì cá thường đi ngược nước.


Hàng trăm người ngồi hóng đợi thuyền về

Phụ anh, tôi giúp anh thả lưới, móc vào phía dưới đuôi tàu, lần này thả lưới mắt nhỏ để bắt cá trích, cá dòng. Buộc lưới xung quanh mạn thuyển, để cận thận hơn, người đi cùng khẽ xuống dưới biển buộc một lần nữa để tránh lưới bị mắc vào thuyền. Xong xuôi, anh Thắng cho nổ máy và chạy ngược về phía trên. Vừa đi anh vừa kể về cách đánh cá cho tôi nghe. Lưới này khi thả xuống dưới, thuyền cứ chạy thẳng một mạch về phía trước, cá đi ngược ròng sẽ tự mắc vào.

Lý giải vì sao không đi vào buổi sáng, anh Thắng cho hay, 5h đến 6h sáng, bắt đầu có mặt trời, cá cũng thấy lưới, thì đời nào nó chịu chui vô, có mà hỏng. Cứ như vậy, anh chạy thẳng một mạch suốt chiều dài bờ biển tới chừng gần 7h, khi mọi người bắt đầu nhìn thấy nhau thì kéo lưới.

Mẻ lưới được kéo lên, anh lắc đầu: “Chuyến đi này thất bại rồi, số cá quá ít, chả biết đủ tiền xăng không nữa, còn công thì coi như mất”.

Dọc đường về, ba anh em nhìn nhau, thi thoảng có vài câu chuyện vui của tôi thêm vào nhưng vẫn không xua đi được cái không khí nặng nề. Theo anh Thắng thì chuyến này được chưa đến 50 kg, quá ít. Dạo này chuyến nào cũng ít, hồi tháng 6 năm ngoái, có mẻ anh bắt được cả 300 - 400 kg cá.

Thuyền đến cảng, hàng trăm người đã đứng chờ từ trước để đợi những ghe, thuyền về mua cá. Tay ai cũng mang theo cái rổ với bình nước, thuyền vừa tấp vào là họ ùa xuống đợi ngư dân đem cá thu hoạch được. Chen chúc lựa từng con cá, mớ tôm, mực, hết người này, đến người khác ngồi chụm lại một chỗ thành từng đám, từng đám trước mũi thuyền, đông đúc và náo nhiệt. Hầu như, thuyền nào cũng nhìn nhau với những cái cười trừ, vì chuyến ra biển hôm nay, ai cũng lỗ cả. Có những thuyền, đi về chi được một rổ cá nhỏ chưa đầy 30 kg. Nán lại đến 9h, tôi còn thấy vài chiếc thuyền về muộn để vớt vát thêm chút ít.

Héo hon những nụ cười

Chuyến ra khơi bằng thuyền dù chỉ vài tiếng nhưng cũng để lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Đi thuyền đã vậy, vậy trên những chiếc thúng nhỏ xíu, tròn vo thì sẽ như thế nào? Câu hỏi này buộc tôi phải giải đáp và đó là lý do tôi quay lại Hồ Đắng.

Lần này, đã có kinh nghiệm, tôi xin phép ông Thủy (xem NNVN số 105) cho một chuyến đi cùng ra biển và bảo ông yên tâm vì tôi bơi tốt và không say sóng. Nghe lời nó chắc nịch cùng cử chỉ cương quyết của tôi, ông cười và không kiểm tra mà nói: "Được, bác cho cháu đi, lỡ có lật thúng thì cố mà bám vào thúng, bác kéo lên”.

Kinh nghiệm cho ông Thủy biết rằng, mùa này có cá trích, cá dòng thôi, và phải đi ngược dòng, tức là đi từ dưới đi lên ấy. Hôm nay chỉ có khoảng 4 đến 5 thúng đi, còn phần lớn đi ở trên kia hoặc không đi vì không có cá. Chừng hơn 3h, chúng tôi bắt đầu chèo thúng ra biển. Gió không mạnh lắm nên thúng đi khá nhanh. Ông Thủy cho tôi ngồi 1 bên thúng, ông ngồi phía đối diện và dặn nhớ là phải ngồi yên, động đậy thúng lật thì... toi. Cảm giác ngồi trên thúng khác với thuyền nhiều, nó chông chênh gấp cả chục lần. Mỗi đợt sóng mạnh hay gió tạt qua thôi cũng có cảm tưởng như lật đến nơi. Tôi phải vững tim lắm, tay bám chắc hai thành thúng, răng cắn chặt mỗi lần sóng ập vào mới bớt hồi hộp.

“Làm nghề này năm ăn năm thua, có 12 tháng thì 6 tháng có cá 6 tháng không, từ tháng 10 đến giờ cá về ít lắm. Có hôm cả tuần không đi vì không có cá, chỉ quanh quẩn lượm ve chai sống qua ngày. Nói thật chứ, 10 thuyền đi thì 9 thuyền lỗ với huề, may ra được một thuyền lãi”, ông Thủy nói.

Thúng dừng, ông Thủy buộc lưới phía mép thúng, mỗi thúng có một móc nhỏ phía ngoài để móc lưới. Hai chúng tôi chia đều ra buộc hai bên, một là để công việc nhanh hơn và hai là giữ thăng bằng cho thúng. Xong xuôi, ông lại tiếp tục chèo, cũng giống như thuyền, đi ngược dòng để cá mắc phải.

Tảng sáng, khi các thúng bắt đầu thấy nhau thì họ kéo lưới lên, để cá nguyên trong lưới. Giống như nhiều hôm, chuyến đi hôm nay của ông lại không thành công, lượng cá quá ít. Mấy thúng sau nối đuôi nhau về bờ, đã có vợ ông Thủy đứng đợi phía dưới lấy cá đem đi bán. Nụ cười trừ lại một lần nữa được lặp lại sau một chuyến cá thất bại. 

Hai chuyến đi dài khiến cho tôi có nhiều trải nghiệm mới về cuộc sống của ngư dân nơi đây. Người dân làng chài cũng khổ cực, bấp bênh, cái nghề này cũng bèo bọt như nhiều nghề lao động khác. Họ thường chỉ biết cầu trời để trông vào những mẻ cá lớn hơn.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất