| Hotline: 0983.970.780

16 năm, 8 phiên tòa, không xong một vụ kiện

Thứ Ba 15/05/2018 , 08:16 (GMT+7)

Bỏ qua tất cả những chứng cứ, các bản án của 2 cấp tòa của tỉnh Nam Định đều tuyên một cách có lợi cho bên nguyên. Điều đó khiến dư luận lấy làm khó hiểu.

Phiên tòa thứ 9 sắp được TAND tỉnh Nam Định mở. Không biết lần này, sự thực khách quan có được làm sáng tỏ.

Ông Nguyễn Văn Hạnh đầy mệt mỏi khi phải qua 8 phiên tòa mà vụ án vẫn chưa kết thúc

Ngày 15/10/1982, ông Nguyễn Văn Hạnh, thôn Phúc Trọng, xã Mỹ Xá, TP Nam Định mua của cô mình là bà Nguyễn Thị Việt, một thửa đất 390 m2, trên có ngôi nhà gỗ xoan 4 gian và một số công trình phụ khác. Thửa đất đó của cụ Nguyễn Xuân Lượng, thân sinh bà Việt (đã mất). Khi mua bán, hai bên đã ra UBND xã nộp thuế trước bạ, và được chủ tịch UBND xã ký tên, đóng dấu xác nhận. Số tiền mua đất được ông Hạnh trả làm nhiều lần, lần đầu trả một nửa.

Đến năm 1984, hai bên làm lại giấy chuyển nhượng lại, có đủ chữ ký của bà Việt cùng những người con khác của cụ Lượng là các bà Hảo, Sơn (Tuyết), Phượng, thì ông Hạnh mới lần lượt trả nốt. Lần trả cuối cùng là 2 chỉ vàng, do bà Nguyễn Thị Sơn (Tuyết) nhận. Kết luận giám định số của công an tỉnh Nam Định khẳng định: Chữ ký trong các giấy tờ chuyển nhượng đất đó là chữ ký của bà Việt.

Tại thời điểm đó, khi Bộ luật Đất đai năm 1987 chưa ra đời, thì việc mua bán nói trên là hợp pháp và đầy đủ thủ tục. Sau khi ông Hạnh mua thửa đất nói trên của bà Việt, thì cụ Nguyễn Thị Xứng, mẹ ông Hạnh, đã khai hoang thửa đất giáp với thửa đất mà ông Hạnh đã mua thêm 591m2 đất nữa. Năm 1993, UBND xã Mỹ Xá đã chấp nhận diện tích này, cho cụ Xứng đóng thuế sử dụng đất.

Năm 2002, các bà Tuyết, Hà, Phượng đã đứng đơn xin UBND xã giao cho ông Nguyễn Văn Quân (con trai cụ Lượng) một thửa đất, với lý do đất của cụ Lượng đã bán hết, ông Quân sắp mãn hạn tù, khi về sẽ không có đất ở. Đơn của các bà được một hội đồng gồm 7 người có trách nhiệm ở thôn Phúc Trọng xem xét.

Căn cứ vào đó, UBND xã đã cấp cho ông Quân 1 mảnh đất thổ cư. 7 người trong hội đồng đó đã có lời khai đầy đủ về nội dung đơn của bà Tuyết. Thế nhưng không hiểu sao, sổ đỏ của ông Quân lại được ghi năm cấp là năm 1980. Khi đó cụ Lượng chưa mất, đất chưa bán và ông Quân chưa bị đi tù?

Tất cả đã chứng minh một điều, là việc mua bán thửa đất trên của ông Hạnh với bà Việt là có thật, và hoàn toàn hợp pháp, tại thời điểm đó. Năm 2002 (lúc này bà Việt đã mất), các con của cụ Lượng bỗng khởi kiện ông Hạnh ra TAND TP Nam Định, đòi ông Hạnh phải trả lại ngôi nhà và thửa đất nói trên, với lý do là họ chỉ cho ông Hạnh... ở nhờ. Điều kỳ lạ nữa là tuy diện tích đất mua bán giữa ông Hạnh và bà Việt chỉ có 390 m2, nhưng họ lại đòi cả...1.000 m2.

Tại tòa, các nguyên đơn đều không xuất trình được chứng cứ gì như hợp đồng bằng văn bản, hợp đồng miệng... về việc họ đã cho gia đình ông Hạnh ở nhờ. Trong vụ kiện này, các nguyên đơn đã không xuất trình được bất cứ chứng cứ gì để chứng minh việc họ cho gia đình ông Hạnh ở nhờ, tức tòa không có căn cứ để xác định được quan hệ giữa hai bên là quan hệ hợp đồng ở nhờ theo các quy định trên.

Ấy thế nhưng các cấp tòa của tỉnh Nam Định vẫn cứ thụ lý, và vẫn đưa vụ kiện ra xét xử. Cho đến nay, vụ kiện đã kéo dài được 16 năm, và đã có 8 phiên tòa được mở, trong đó có 4 phiên tòa cấp sơ thẩm, nhưng vẫn chưa kết thúc. Đọc kỹ các bản án, chúng tôi nhận thấy có những điều rất lạ lùng.

Thứ nhất, là vụ kiện đã được phân công cho thẩm phán giải quyết, nhưng ông phó chánh án TAND TP Nam Định (hiện nay là chánh án TAND tỉnh Nam Định) lại tự mình đến UBND xã Mỹ Xá để xác minh nguồn gốc đất của cụ Lượng. Và tuy chẳng có căn cứ gì, nhưng ông lại kết luận “diện tích đất 591 m2, hiện nay cụ Xứng sử dụng có nguồn gốc là đất của cụ Lượng”. Việc xác minh này là trái với quy định của pháp luật, thể hiện sự thiếu khách quan.

Thứ hai, là mỗi bản án lại xác minh diện tích đất được các nguyên đơn cho là của cụ Lượng một khác. Bản thì cho là 700 m2, bản cho là 900 m2, bản thì 1.000 m2 và có bản lại cho là trên 1.100 m2. Vậy sự thực diện tích đất của cụ Lượng là bao nhiêu m2? Căn cứ nào để chứng minh diện tích đó, trong khi theo bản đồ địa chính xã Mỹ Xá năm 1977 thì cụ Lượng chỉ đứng tên thửa đất có diện tích 390 m2 đã bán cho ông Hạnh, ngoài ra cụ không đứng tên bất cứ thửa đất nào khác? Trong khi lời khai của các nguyên đơn về việc cho gia đình ông Hạnh “ở nhờ” tại mỗi bản án một khác. Bản thì nói là năm 1984, bản lại nói là năm 1985.

Thứ ba, 3 bà Tuyết, Hà, Phượng đã xác nhận tại tòa, là năm 2002, họ đã có đơn xin đất cho ông Quân, với nội dung đất của cụ Lượng đã bán hết, và kết quả là ông Quân đã được giao đất. Lời xác nhận đó cùng với lời khai của 7 người có trách nhiệm của thôn Phúc Trọng về lá đơn của 3 bà, là một chứng cứ rất quan trọng để chứng minh ông Hạnh đã mua thửa đất của cụ Lượng chứ hoàn toàn không phải ở nhờ, vậy tại sao lại không được xem xét?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.