| Hotline: 0983.970.780

Mười hai nấm mồ trên cát trắng

Thứ Hai 10/08/2009 , 07:30 (GMT+7)

Chôn 12 người con qua đời vì chất độc da cam trên cát trắng, người cựu binh có một ao ước là xây được cho các con những nấm mồ bằng gạch vì sợ cát bay mất con, vậy mà bao nhiêu năm nay, giấc mơ ấy vẫn dang dở. Lòng người cha thì mãi dằn vặt, tái tê…

Chôn 12 người con qua đời vì chất độc da cam trên cát trắng, người cựu binh có một ao ước là xây được cho các con những nấm mồ bằng gạch vì sợ cát bay mất con, vậy mà bao nhiêu năm nay, giấc mơ ấy vẫn dang dở. Lòng người cha thì mãi dằn vặt, tái tê… 

Ôm con ba ngày, con vẫn ra đi 

Mọi người trong xóm Vạn (thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) còn nhớ như in cái ngày đầu năm 1972, lúc đó cả xóm tập trung đến để tiễn thanh niên Đỗ Đức Địu lên đường nhập ngũ. Lúc đó, chiến trường đang thời kỳ ác liệt, thanh niên được tuyển chọn vào bộ đội là một vinh dự lớn của gia đình, thôn xóm. Ai cũng mong sao anh Địu trưởng thành, lập công lớn cho xóm giềng nở mày nở mặt. 

Tân binh Đỗ Đức Địu được biên chế về một đơn vị bộ binh nhận nhiệm vụ chốt ở khu vực sân bay A So (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Biết lực lượng của ta ém xung quanh khu vực sân bay và phía dãy Trường Sơn nên không quân Mỹ đã không từ một loại vũ khí hủy diệt nào để ném xuống hòng chặn bước tiến của bộ đội.  

Anh Địu nhớ lại, có những buổi chiều, máy bay rải thuốc vàng cả bầu trời, mùi khó chịu và ai cũng có cảm giác váng vất đau đầu. Những khi hành quân qua rừng, khát khô cả cổ, anh em đồng đội cứ thay nhau múc nước suối uống cho đã khát và cũng không ai nghĩ rằng đó là di họa về sau này. 

Chiến đấu được gần hai năm, lập nhiều chiến công nên giữa năm 1974, anh Địu được đơn vị thưởng phép. Lúc đó, cô thôn nữ Phạm Thị Nức vừa hoàn thành chuyến tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường trở về. Họ gặp nhau và thành vợ chồng.

Sau ngày giải phóng, anh Địu tiếp tục ở lại công tác trên vùng đất chiến đấu ngày xưa. Chị Nức ở quê chăm việc đồng áng và đợi ngóng tin vui. Năm 1979, chị Nức sinh con đầu lòng. Nhưng niềm hạnh phúc chỉ vỏn vẹn ba ngày. Đứa trẻ mới sinh bỗng dưng bị chứng bệnh lạ, đầu phình to rồi chết. Năm sau, chị Nức lại trở dạ trong sợ hồi hộp của bà con lối xóm. Cháu thứ hai sinh ra bụ bẫm, ai nhìn cũng mừng thầm. Nhưng rồi, cũng như cháu đầu lòng, chưa đầy tháng, cháu lại bị chứng to đầu rồi lặng lẽ ra đi.

Nỗi đau xé lòng như không dừng lại, các cháu kế theo lần lượt được sinh ra và lần lượt theo nhau đi về vĩnh hằng. Mỗi lần như vậy, hai vợ chồng ôm nhau khóc tức tưởi. Rồi nước mắt cũng cạn mà chưa có đứa con nào chịu ở lại trong vòng tay bố, mẹ. 

Thắp nén nhang trầm lên bàn thờ cho các con, anh Địu kéo ghế ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm. Trên khuôn mặt xạm đen của anh hai giọt nước mắt lăn xuống gò má hóp sâu và đọng lại đó, không rơi xuống nữa. Anh nói nhỏ như đang tự nói với chính mình: “Đến đứa thứ năm, thứ sáu vẫn rứa. Có đứa khi sinh ra, tôi ôm chặt trên tay cả ba ngày đêm liền không rời, nhưng rồi không giữ được con. Có đứa, khi hay tin vợ tôi sắp sinh, đồng đội xúm lại kéo nhau về rồi thay nhau ẵm cháu với mong muốn cháu được sống với bố mẹ, nhưng ước muốn của đồng đội cũng không thể nào bù đắp được. Có cháu hy vọng hơn, sống được ba năm rồi cũng bị chứng bệnh đó mà theo các anh chị ra nằm lặng lẽ dưới cát”.  

Không biết có phải là định mà các con anh Địu ra đi mỗi cháu mỗi tháng. Vậy là mười hai tháng trong năm, tháng nào gia đình cũng có đám giỗ. Nhà khó, làm đám giỗ cũng không có gì, chỉ nén hương thắp cho con và nước mắt chát mặn. Mười hai nấm mộ lặng lẽ xếp hàng trên triền cát. Gió thổi qua ù ù, gió thổi cát bay trắng xóa.

Cứ đến ngày giỗ, anh lại ra triền cát vun lại 12 nấm mộ lên thành nấm cho có hình hài kẻo cát bay bào mòn mất. Anh ước dành dụm được chút nào đó, rồi xây cho các con 12 nấm mộ bằng gạch cho các con khỏi lạnh lẽo.

Mười hai lần sinh gồm bốn trai, tám gái, cũng là mười hai lần nuốt nước mắt đưa những linh hồn bé bỏng ra đặt nằm xếp hàng dưới cát trắng, anh Địu, chị Nức tưởng chừng không thể nào sống được. 

Anh kể trong nước mắt: “Ban đầu, tôi cứ nghĩ do số phận không may mắn chứ có biết chất độc da cam da cũng chi mô. Vậy nên ai bày cái chi chi cũng lo ngay ngáy mà làm theo. Có người bày lấy chân gà đốt lên để xông, tui làm theo, có người nói nửa đêm lấy mười hai nhánh dâu tươi treo lên bàn thờ các cháu, tui cũng làm. Rồi mẹ nó sinh nở 15 lần chỉ có được ba cháu còn sống tới chừ”. 

Giành giật sự sống cho con

Bây giờ, ba đứa con còn sống, một đứa may sao phát triển bình thường,  có chồng và sinh con, có lẽ đó là niềm hạnh phúc nhất của anh chị khi cháu ngoại không thấy bị ảnh hưởng di chứng như các dì, cậu của nó. 

Cháu Đỗ Thị Hằng (sinh năm 1990), sống đến ngày hôm nay đã là nghị lực phi thường của anh chị. Những năm học tiểu học, Hằng luôn đứng đầu lớp, cuối năm thấy con nhận giấy khen về là lòng anh Địu lắng lại đôi chút. Đến năm cháu học lớp 4 thì số phận nghiệt ngã lại đổ xuống. Một buổi chiều đang trên lớp học, cháu bị co dật dữ dội, đầu tự nhiên phình to ra làm thầy cô giáo hốt hoảng. Đưa con về nhà, anh nói với chị phải cứu lấy cháu, nhất quyết phải chạy chữa cho cháu. Mượn đồng đội, vay ngân hàng, bán tất những gì có thể bán được, anh hối hả đưa cháu Hằng ra Hà Nội. Lúc đó, anh mới biết cháu bị bệnh não úng thủy. 

Tại Hà Nội, cháu Hằng được đặt hai ống dẫn thuỷ từ đầu xuống dạ dày để nước chảy xuống bụng. Mỗi ngày phải có thuốc uống chống co giật, hết thuốc Hằng lại co giật, đầu đập vào tường. Tiền thuốc cho cháu hơn 60 ngàn/ngày đã khiến anh chị tất bật chạy vạy ngày nào hay ngày đó. Tổng cộng cháu Hằng đã phải trải qua 4 lần phẫu thuật, anh chị mới giành lại được con từ bàn tay tử thần. Bây giờ cháu khá minh mẫn nhưng lại không thể nào tự đi đứng được.  

Cháu Nga (sinh năm 1994), không nói được, chân tay cứ co quắp nên đi lại cũng cực kỳ khó khăn. Cháu không thể tự làm gì được cho mình, tất tần tật mọi việc phải trong nhờ vào bố mẹ. Cả hai người con khi lên bệnh, mỗi ngày gia đình anh Địu cũng phải tốn hơn trăm ngàn tiền thuốc thang. 

Lương hưu của anh Địu cộng thêm vợ làm ba sào rưỡi ruộng cũng không đủ thuốc thang. Giật gấu vá vai lắm mới tồn tại được. Đồng đội anh mỗi lần tụ họp ghé chơi thấy ngôi nhà rách, đã cùng nhau dựng lại đỡ xập xệ hơn, nhà ba gian, nền lát đá hoa cho các cháu lê lết khỏi bẩn. Có lẽ chưa ai làm nhà lâu như anh Địu chị Nức, đặt móng nhà vào năm 1979, đến đầu năm 2004 mới hoàn thành. Ngôi nhà làm được nhờ đồng đội hỗ trợ cái gì thì làm tiếp thêm cái đó. Chắp vá như thế mà thành... 

Trước khi chia tay, anh nói với tôi: “Giờ hai vợ chồng tôi còn sức khoẻ, còn đắp đổi lo lắng cho các cháu. Mai này già rồi, hai đứa con tật nguyền biết làm sao đây?”. 

Giao lưu nghệ thuật “ Công lý và Trái tim” 

Tối 8/8, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện: “Công lý và Trái tim”.  

Phát biểu tại chương trình giao lưu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ: Mặc dù chiến tranh đã đi qua, nhưng chất độc da cam vẫn gây ra những nỗi đau và bất hạnh trong cuộc sống của nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và gia đình. Ðất nước Việt Nam tự hào về những nạn nhân chất độc da cam bởi họ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc trong cuộc chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước… Cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam còn gặp nhiều gian nan, vất vả nhưng nhất định sẽ giành thắng lợi cuối cùng…

Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam  

Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã phát động “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2009” từ 10/8 - 10/9. Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam yêu cầu các cấp Hội trong cả nước tiếp tục thực hiện tốt “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, trong đó tập trung tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về những tác hại và hậu quả lâu dài của chất độc da cam trong chiến tranh đối với sức khoẻ con người và môi trường sinh thái; tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của bạn bè quốc tế với nạn nhân chất độc da cam. Dự kiến số tiền huy động trong năm 2009 là 98 tỷ đồng sẽ trợ giúp trực tiếp cho 70.000 nạn nhân chất độc da cam trong cả nước.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.