| Hotline: 0983.970.780

Tiếp bài 'Nhiều hộ mua phải lúa giống giả':

Ai đưa hàng nhái ra bán?

Thứ Ba 17/03/2020 , 08:58 (GMT+7)

Trong khi nhà phân phối khẳng định giống lúa Nghi Hương 305 “cháy hàng” từ lâu thì ở Lai Châu, bà con vẫn mua được loại giống này.

Người đàn ông này bán giống lúa Nghi Hương 305 không có tem chống hàng giả cho bà con người Mông. Ảnh cắt từ clip. 

Người đàn ông này bán giống lúa Nghi Hương 305 không có tem chống hàng giả cho bà con người Mông. Ảnh cắt từ clip

Lấy hàng giả đổi hàng giả

Sau khi xem xét kỹ những gói lúa giống Nghi Hương 305 mà bà con ở thôn Sả Séng, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa (Lào Cai) nói mua ở một đại lý nằm trên quốc lộ 4D, đoạn qua xã Bình Lư (huyện Tam Đường) thì tất cả các gói lúa giống này đều là giả.

Các gói lúa giống Nghi Hương 305 giả có nhiều điểm giống hàng thật khiến bà con ở Sả Séng khó phân biệt. Chúng cùng đóng trong gói có trọng lượng 1kg; trên bao bì đều in thông tin nhà sản xuất là Công ty TNHH Giống cây trồng kỹ thuật cao Long Bình, Tứ Xuyên, Trung Quốc…

Tuy nhiên, gói lúa giống giả cũng có những điểm khác biệt dễ nhận thấy bởi trên bao bì giả in hình ảnh bông lúa có màu hơi đen, còn hàng thật bông lúa có màu hơi xanh.

Ngoài ra, gói lúa giống giả mạo không có tem chống hàng giả của nhà sản xuất. Loại tem này khi bóc ra sẽ rách nát ngay và không thể dán lại trên vỏ bao bì khác. Và tất nhiên hàng giả cũng “quên” không in thông tin ngày đóng gói hàng hoá…

Bà con ở Lai Châu mua phải giống lúa Nghi Hương 305 giả. Ảnh: H.Đ.

Bà con ở Lai Châu mua phải giống lúa Nghi Hương 305 giả. Ảnh: H.Đ.

Sau khi biết đích xác mua phải hàng giả ông Thào A Dũng cùng bà con ở Sả Séng gom tất cả số lúa giống mua ở cửa hàng tại Bình Lư đem trả.

Ông Dũng cho biết, sau khi mang xuống chủ cửa hàng nói số giống lúa ấy trả về công ty hết rồi, nhưng ông Dũng nói giống cũ mất mùa thì bà con ăn cái gì và đề nghị gọi cho công ty phân phối giống lúa Nghi Hương 305 xuống làm việc. Bất ngờ chủ cửa hàng đổi giọng và đổi loại Nghi Hương 305 mới có tem, lại còn rẻ hơn 10 nghìn đồng mỗi gói…

Trong khi đó, có nhiều hộ dân là người dân tộc Mông phản ánh với chúng tôi, năm nay họ không thể tìm mua được giống lúa Nghi Hương 305 để xuống giống. Theo bà con, mỗi năm họ chỉ cấy một vụ nên phải tìm mua bằng được giống lúa tốt dù phải đi xa cả trăm km cũng phải tới mua bằng được.

Chúng tôi đã liên hệ nhà nhập khẩu là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Trường Giang (Quảng Ninh), công ty này khẳng định giống Nghi Hương 305 cho tới nay chưa thể nhập được về do vướng dịch Covid-19.

Toàn bộ giống năm ngoái nhập về không đủ để bán nên không có chuyện hàng tồn kho. Công ty này cũng khẳng định không thể có một giống Nghi Hương 305 thứ hai trên thị trường khi mà họ được độc quyền phân phối loại giống lúa này trên toàn quốc.

Giống lúa Nghi Hương 305 giả (trái) và thật (phải) chỉ khác nhau về màu sắc rất khó phân biệt. Ảnh: HĐ

Giống lúa Nghi Hương 305 giả (trái) và thật (phải) chỉ khác nhau về màu sắc rất khó phân biệt. Ảnh:

Lần tìm nơi bán

Theo những người dân khẳng định với chúng tôi vẫn có nơi bán giống lúa Nghi Hương 305. Chúng tôi đã quyết định đi tìm những điểm bán lúa giống này.

Tại cửa hàng vật tư nông nghiệp ở trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai), người bán hàng nhìn chúng tôi lắc đầu, Trung Quốc giờ đóng cửa rồi không có hàng đâu, bao giờ hết dịch may mới có.

Cũng như vậy, người bán hàng tại một tiệm vật tư nông nghiệp ở Bản Bo (huyện Tam Đường) nói, Nghi Hương 305 giờ đi tìm cả nước cũng không có, bây giờ Trung Quốc có dịch làm sao mà nhập được về.

Sau một ngày lần tìm thất bại, những người dân đã trực tiếp cho chúng tôi đi theo tới nơi họ mua giống lúa Nghi Hương 305... vì giống này chủ yếu bán cho bà con người Mông.

Tại 1 cửa hàng bán vật tư nông nghiệp ở xã Bình Lư (Tam Đường), chúng tôi thấy gói lúa giống Nghi Hương 305 không được bày trên kệ như những giống lúa khác nhưng khi khách hàng hỏi thì người bán hàng đưa xem cho gói mẫu. Sau khi thống nhất số lượng, người bán hàng dẫn khách vào phòng trong.

Ở căn phòng này, có nhiều bao tải trắng xếp chồng lên nhau, bên trong chứa các gói lúa giống. Người bán hàng liền lấy một bao tải còn dở và lấy từ bên trong ra các gói lúa giống Nghi Hương 305 đếm đủ số lượng gói như đã thoả thuận ban đầu với giá bán 135 nghìn đồng/gói 1 kg.

Các gói Nghi Hương 305 này chỉ có một loại tem duy nhất dán phía sau có đề tên nhà nhập khẩu là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Trường Giang, địa chỉ trụ sở: Tổ 10, khu 1, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Trên tem có cả mã lô nhập khẩu.

Tuy nhiên, một “thiếu sót lớn” là bao bì sản phẩm này là không có tem chống hàng giả...

Gói lúa giống Nghi Hương 305 thật có tem chống hàng giả (phải). Ảnh: HĐ.

Gói lúa giống Nghi Hương 305 thật có tem chống hàng giả (phải). Ảnh: HĐ.

Cũng theo người bán hàng tại đây, giá 135 nghìn đồng là giá của công ty niêm yết nên không thể bớt một đồng nào cho bà con được.

Cũng từ thông tin của người dân tại Bản Chát, xã Trung Đồng (Tân Uyên, Lai Châu) có bán loại mặt hàng này. Theo người dân, bà con ở Quỳnh Nhai (Sơn La) thời gian qua đều tới đây để mua giống Nghi Hương 305.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi mua người bán hàng này cho hay, “Nghi Hương 305 thì hết rồi, thời gian này không có. Hàng này không biết trước được vì khó nhập anh ạ. Năm nay ở đây Tân Uyên hết vụ rồi em mới nhập được, có hơn 100kg bán hết cho đội Sa Pa rồi”…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.