| Hotline: 0983.970.780

Những phận người bị tụt lại ở miền Tây xứ Huế

[Bài 4] Công bộc làm việc như thế sao dân thoát nghèo

Thứ Hai 29/11/2021 , 13:59 (GMT+7)

Giờ hành chính nhưng cả trụ sở UBND xã vắng hoe. Lãnh đạo xã không trực, ngay cả nhân viên hành chính cũng không có ai. Dân tự đến, dân tự về!

Đã giữa giờ làm việc buổi chiều nhưng hầu hết cán bộ cốt cán của xã A Roàng vắng mặt tại trụ sở. Ảnh: VD.

Đã giữa giờ làm việc buổi chiều nhưng hầu hết cán bộ cốt cán của xã A Roàng vắng mặt tại trụ sở. Ảnh: VD.

Cán bộ xã đi đâu hết để dân phải ngóng chờ?

Bốn năm trước, khi về làm việc với UBND xã A Roàng (huyện A Lưới), chúng tôi hết sức bất ngờ với việc chấp hành kỷ cương, giờ giấc làm việc của đội ngũ cán bộ cốt cán ở đây. Dù đã gần 4h chiều nhưng nhiều cán bộ vẫn không có mặt tại trụ sở. Nhiều phòng ban, dù cửa mở nhưng không một bóng dáng cán bộ công chức xã làm việc.

Câu chuyện ấy, bốn năm sau vẫn không được cải thiện là bao. 15h chiều 19/10/2021, phòng làm việc của các ông Hồ A Lua, Chủ tịch; A Viết Cối, Viên Xuân Danh, Phó chủ tịch UBND xã A Roàng; phòng làm việc của cán bộ địa chính, nông nghiệp… đều cửa đóng, then cài. Phòng làm việc của cán bộ văn thư, phòng giao dịch một cửa… mở toang nhưng tịnh không một bóng người.

Khu vực nhà để xe của UBND xã A Roàng chỉ có khoảng 5-7 chiếc xe máy. Ngay phía sau trụ sở chính của tòa nhà làm việc chính của UBND xã A Roàng, một nhóm người đang hò reo, đánh bóng bàn. Người dân xã A Roàng lên trụ sở UBND xã liên hệ công việc nhưng chờ mãi không được nên đành bỏ ra về.

Trước đó, vào tháng 4/2020, ông Thái Đặng Nhật Quang, cán bộ văn phòng Huyện ủy A Lưới được tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã A Roàng. Ông Quang là cán bộ trẻ, có năng lực nên nhận được nhiều kỳ vọng của lãnh đạo huyện A Lưới. Nhưng chính ông Quang cũng thừa nhận rằng, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ xã A Roàng là điều không phải một sớm, một chiều.

Kỷ cương làm việc của cán bộ công chức vẫn chưa thể thay đổi dù chính quyền huyện A Lưới nhiều lần chấn chỉnh. Ảnh: VD.

Kỷ cương làm việc của cán bộ công chức vẫn chưa thể thay đổi dù chính quyền huyện A Lưới nhiều lần chấn chỉnh. Ảnh: VD.

“Về nguyên tắc phải luôn luôn có 1 lãnh đạo UBND xã ở trụ sở ủy ban. Hôm nay, ngoài Chủ tịch xã đang đi học tại TP. Huế thì các ông Phó Chủ tịch, một đang đi cơ sở, một đang đi họp. Một số anh em đang được tăng cường đi làm thẻ QR phòng chống dịch Covid-19. Có thể hôm nay có sự sơ suất thôi vì khi được điều động vào đây tôi cũng đã nhiều lần chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ xã, công chức” – ông Quang cho hay.

Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể, ông A Viết Cối, Phó Chủ tịch UBND xã A Roàng đang đi họp ở đâu thì ông Quang không biết, điện thoại ông Cối cũng không liên lạc được. Cùng thời điểm trên, qua xác minh, Chánh Văn phòng UBND huyện A Lưới, chúng tôi được biết, chiều 19/10, UBND huyện A Lưới không tổ chức một cuộc họp nào và cũng không điều động Phó Chủ tịch các xã về huyện công tác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, công tác cán bộ trong thời gian qua tại huyện A Lưới đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn có 1 số anh em chưa tuân thủ kỷ cương, lề lối làm việc. Nếu cán bộ không nghiêm túc trong công tác, không quan tâm sâu sát đến đời sống người dân thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Ngay sau khi PV phản ánh sự việc, ông Hùng cho biết sẽ chấn chỉnh ngay nề nếp kỷ cương làm việc của đội ngũ cán bộ các xã.

“Phải thực hiện nghiêm túc nề nếp, kỷ cương làm việc của cán bộ, công chức. Nhưng thực tế, ở đây vẫn có tình trạng, một số anh em thấy không có người dân lên trụ sở làm việc nên tranh thủ đi muộn, về sớm” – ông Hùng lý giải.

Nhà tạm nhếch nhác, cuộc sống khó khăn đang bủa vây người dân xã A Roàng. Ảnh: VD.

Nhà tạm nhếch nhác, cuộc sống khó khăn đang bủa vây người dân xã A Roàng. Ảnh: VD.

Câu chuyện về chấp hành kỷ cương, giờ giấc làm việc của cán bộ xã A Roàng khiến chúng tôi nghĩ nhiều về trách nhiệm, bổn phận của những “công bộc” được Đảng và Nhà nước giao phó nhiệm vụ gánh vác trọng trách trước Nhân dân.

Câu chuyện này cũng lý giải phần nào, vì sao và ở đâu đó trên địa bàn các huyện phía Tây xứ Huế, không ít người dân vẫn còn rơi vào cảnh bần cùng, túng bấn nhưng vẫn chưa tìm được con đường thoát nghèo.

Thiếu những cán bộ sâu sát, gần dân, dám làm dám chịu

Tháng 3/2020, ông Đinh Hồng Lam, lúc đó đang là Phó phòng Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) huyện Nam Đông được điều động về giữ chức Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng. Lúc này Thượng Quảng đã về đích NTM được 2 năm.

Cây cao su vẫn chưa thể giúp người dân các huyện miền Tây Thừa Thiên Huế thoát nghèo. Ảnh: TT.

Cây cao su vẫn chưa thể giúp người dân các huyện miền Tây Thừa Thiên Huế thoát nghèo. Ảnh: TT.

Là một cán bộ phòng LĐTB&XH huyện về làm người đứng đầu chính quyền, người dân Thượng Quảng kỳ vọng ông Lam sẽ có những đột phá lớn trong công tác giảm nghèo  cho địa phương. Tuy nhiên, những gì chúng tôi cảm nhận lại không hoàn toàn như vậy.

Đến thời điểm giữa tháng 10/2021, khi UBND huyện Nam Đông đã có chương trình rà soát hộ dân sống trong nhà tạm nhưng bản thân ông Lam không nắm cụ thể số lượng nhà tạm trên địa bàn xã là bao. Trong khi đó, một số xã như Thượng Long, Hương Hữu, Hương Sơn đã có số liệu báo cáo về Phòng NN-PTNT huyện Nam Đông.

“Xã còn rất ít nhà tạm thôi anh. Anh em đang thống kê và sẽ cung cấp cho anh sau” – ông Lam cho hay.

Khi chúng tôi hỏi, hiện nay toàn xã có bao nhiêu hộ dân, ông Lam nhiều lần khẳng định, xã có 256 hộ. Tuy nhiên, trước băn khoăn của phóng viên, ông Lam buộc phải gọi cán bộ dưới quyền lên, xem báo cáo và cung cấp. Thực tế, xã Thượng Quảng có 565 hộ dân.

Ông Lam cũng cung cấp thêm, tỷ lệ lao động trên địa bàn xã đã qua đào tạo nghề là 49,8% và tỷ lệ lao động được đào tạo có việc làm ở địa phương này chỉ 8,17%. Những thông tin về diện tích đất canh tác, diện tích rừng, cao su trên địa bàn ông Lam cũng không nắm rõ.

Không ít hộ dân tại các huyện miền Tây Thừa Thiên Huế vẫn phải trồng sắn để tránh đói vào những ngày giáp hạt. Ảnh: VD.

Không ít hộ dân tại các huyện miền Tây Thừa Thiên Huế vẫn phải trồng sắn để tránh đói vào những ngày giáp hạt. Ảnh: VD.

Theo ông Lam, sở dĩ người dân Thượng Quảng còn nghèo là do cách làm ăn và chi tiêu chưa hợp lý, nguồn vốn để phục vụ sản xuất chỉ là một yếu tố nhỏ; kiến thức khoa học thì đã được hỗ trợ rồi nhưng 1 số người dân chưa thực sự chịu khó.

Tương tự, ông Huỳnh Minh Tròn, trước khi được điều động về giữ chức Chủ tịch UBND xã Hương Hữu (2018) từng là Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông. Bản thân ông Tròn cho rằng, việc rà soát hộ nghèo ở địa phương rất nghiêm túc và tỷ lệ hộ nghèo ở xã 15,51% là chính xác. Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp thông tin, nếu chỉ tính riêng thôn Ư Rang có khoảng hơn 30 hộ đang còn rất nghèo nhưng bị đánh bật ra khỏi danh sách hộ nghèo thì ông Tròn không mảy may xúc động. Một trường hợp cụ thể ở nhà tạm đến 7 năm nay, ông Tròn cho rằng có thể là do rà soát bị thiếu.

Bài liên quan

Ông Tròn và UBND xã Hương Hữu cũng tự đặt ra cho địa phương một “lệ làng” là những hộ ra ở riêng phải sau 5 năm mới đưa vào diện xem xét để rà soát nhà tạm và nhà kiên cố.

Ông Tròn cho rằng, sở dĩ người dân Hương Hữu còn nghèo là do đất sản xuất ít, nhận thức, trình độ người dân chưa cao; chi tiêu chưa hợp lý, thiếu công ăn việc làm.

Theo khảo sát của PV NNVN, một số xã của huyện Nam Đông sở dĩ chưa về đích NTM là do tiêu chí hộ nghèo, nhà tạm còn cao. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ thực hiện 6 tháng cuối năm 2021 của UBND huyện Nam Đông cũng chỉ rõ những bất cập trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Điều này khiến công tác huy động nguồn lực để phát triển kinh tế hạ tầng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu còn dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng lãng phí trong tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ hội vẫn còn xẩy ra...

Điều đáng quan tâm nhất trong văn bản của UBND huyện Nam Đông chính là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững cho người dân. Văn bản thừa nhận, vấn đề tổ chức sản xuất, thu nhập tuy đạt nhưng chưa thật sự bền vững. Thực hiện chỉ tiêu xã có mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững còn thiếu và lúng túng. Một số xã vẫn chưa xác định được sản phẩm chủ lực của địa phương mình nên rất khó thực hiện. Một số HTX đã thành lập nhưng hoạt động còn hạn chế, chưa tìm kiếm được thị trường kinh doanh và tổ chức ký liên kết với người nông dân… Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm còn thấp so với chuẩn quy định.

Không nắm rõ tình hình kinh tế - xã hội, ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng lại đổ lỗi cho người dân trong câu chuyện thoát nghèo. Ảnh: VD.

Không nắm rõ tình hình kinh tế - xã hội, ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng lại đổ lỗi cho người dân trong câu chuyện thoát nghèo. Ảnh: VD.

Ông Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông cho biết, giai đoạn 2001-2006, UBND huyện Nam Đông triển khai dự án đa dạng hóa nông nghiệp, phát triển cây cao su. Theo dự án này, mỗi hộ đồng bào sẽ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng NN&PTNT để trồng khoảng 1 ha cao su. Tổng diện tích cao su đã trồng theo dự án là 3.538 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hộ dân không thể trả nợ gốc ngân hàng, một số diện tích bị chặt bỏ do thiên tai; một số hộ chặt bán gỗ cao su trả nợ, chuyển sang trồng keo.

Tuy nhiên, theo ông Ánh, nguyên nhân chính là do một số diện tích cao su bị các công trình thủy lợi lớn như hồ Tả Trạch; các công trình thủy điện như Thượng Lộ, Thượng Nhật dâng nước. Điều này đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của địa phương.

  • Tags:
Xem thêm
Ông Bùi Xuân Diệu làm Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình

Ông Bùi Xuân Diệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

WWF-Việt Nam cam kết giúp giảm rác thải nhựa, đưa TP.Huế trở thành đô thị xanh

WWF-Việt Nam sẽ phối hợp triển khai, tiếp tục dự án giảm rác thải nhựa đến năm 2025, hứa hẹn tạo thêm cơ hội cho TP. Huế phát triển thành đô thị xanh và bền vững.