| Hotline: 0983.970.780

Những phận người bị tụt lại phía sau ở miền Tây xứ Huế

[Bài 1] Sống mòn trong nhà nát

Thứ Tư 24/11/2021 , 15:38 (GMT+7)

Chúng tôi ngang qua những ngôi nhà rách nát, không đủ kín nắng che mưa ở miền Tây xứ Huế. Ở đó có những phận người héo hon bởi cái nghèo bủa vây.

Đã xây dựng 6 năm nhưng ngôi nhà của vợ chồng Na – Hằng vẫn chưa thể hoàn thiện vì thiếu tiền. Ảnh: VD.

Đã xây dựng 6 năm nhưng ngôi nhà của vợ chồng Na – Hằng vẫn chưa thể hoàn thiện vì thiếu tiền. Ảnh: VD.

Sáu năm không xây xong 1 ngôi nhà

Sau cuộc nói chuyện gần 1 giờ đồng hồ với ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn 5, về câu chuyện thoát nghèo ở địa phương này, chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng Hồ Văn Vi Na – Lê Thị Hằng tại thôn 3, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực tình, tôi không nghĩ đó là nhà! Nơi ở của Na, Hằng và 3 đứa trẻ chỉ nhỏ như một cái chòi canh rẫy, xung quanh được thưng bằng gỗ, bạt, trên lợp bằng proximang, nền đất. Mái nhà sát ngay trên đầu người, nắng chiều hắt vào, nóng nực khiến chúng tôi không thể đứng lâu. Nhà không có cửa, Na dùng tấm bạt đã sờn rách, bạc màu kéo vào kéo ra chắn nắng, che mưa.

Ở trong ngôi nhà này nhìn lên có thể thấy cả bầu trời. Những hôm trời mưa, vợ chồng Hằng phải dắt díu nhau sang ở tạm nhà mẹ chồng, mặc cho những thứ quần áo rách rưới, bẩn thỉu ngấm đầy nước. Hết mưa, vợ chồng Na lại đem vật dụng ra ngoài trời hong khô.

Tài sản lớn nhất của vợ chồng Na là chiếc xe máy cà tàng bà nội cho lâu nay đã hỏng không có tiền sửa chữa, tấp ở góc vườn từ bấy lâu. Trong ngôi nhà này ngoài 2 chiếc giường, chiếc tủ cũ kĩ, vài bao lúa, chiếc quạt, chiếc nồi cơm điện thì tịnh không còn gì đáng giá. Ti vi, tủ lạnh… đối với gia đình Na là thứ xa xỉ.

Là nông dân, được bố mẹ cho  2 ô ruộng (khoảng 500 m2) nhưng vợ chồng Na không có trâu bò nên cứ đến vụ lại phải đi nhờ người cày bừa giúp. Mỗi năm 2 vụ gia đình Na chỉ thu về khoảng 4 tạ lúa. Tuy chưa đến nỗi đứt bữa nhưng vợ chồng, con cái Na cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, bữa cơm, bữa cháo.

Vợ chồng Na vẫn phải ở trong ngôi nhà dột nát tứ bề, cuộc sống trăm bề thiếu thốn nhưng không phải là hộ nghèo. Ảnh: TT.

Vợ chồng Na vẫn phải ở trong ngôi nhà dột nát tứ bề, cuộc sống trăm bề thiếu thốn nhưng không phải là hộ nghèo. Ảnh: TT.

Cả 3 người con của vợ chồng Na đều còn nhỏ, người vợ lo chăm sóc con không thể đi làm. Không có việc gì khả dĩ hơn, Na theo người dân trong thôn đi bóc vỏ keo, vác keo thuê mỗi tháng cũng kiếm được 3-4 triệu đồng. Nhưng từng đó là chưa đủ cho bao nhiêu khoản chi phí:  tiền lãi vay ngân hàng, tiền ăn uống, tiền con ăn học…

Ước mơ của vợ chồng Na là xây xong ngôi nhà nhưng đã 6 năm nay, những hàng gạch được xây dang dở vẫn không thể nối tiếp.

“Năm 2015 tôi được ba mẹ chồng cho mảnh vườn để tách hộ. Vợ chồng tôi vay ngân hàng 45 triệu đồng để xây nhà nhưng chỉ đủ xây phần móng, 4 bức tường. Năm 2020, khi đáo hạn ngân hàng tôi phải đi vay khắp nơi mới đủ để trả rồi lại làm thủ tục xin vay tiếp để trả nợ nóng. Thành ra, hàng tháng chồng tôi làm được bao nhiêu thì trả lãi ngân hàng, chi phí cho cuộc sống, tiền gốc ngân hàng không có trả, nhà cũng chưa xây xong, phải sống chui rúc khổ sở” – chị Hằng nghẹn ngào.

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà đang xây dang dở tại xã Thượng Quảng. Ảnh: VD.

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà đang xây dang dở tại xã Thượng Quảng. Ảnh: VD.

Nghèo đến tận cùng như vợ chồng Na nhưng 2 năm trước thôn 3 đã đưa gia đình này ra khỏi danh sách hộ nghèo. Lý do gia đình Na “thoát nghèo”, theo vợ chồng Na là ban quản lý thôn thấy gia đình có xe máy, vợ chồng còn trẻ nên phải … nhường cho những hộ khác.

“Cũng không ai muốn mình nghèo và cũng không phải vì lười làm ăn mà nghèo. Vợ chồng tôi đều còn trẻ cũng không muốn mang tiếng nghèo nhưng ở đây ruộng đất ít quá, thiếu công ăn việc làm, không biết làm gì ra tiền để thoát nghèo. Chúng tôi thoát nghèo nhưng trong tay chẳng có tài sản gì đáng giá mà đang phải chạy ăn từng bữa” – chị Hằng chua xót.

Không chỉ vợ chồng Na – Hằng, khi đi qua nhiều thôn xóm của xã Thượng Quảng chúng tôi còn chứng kiến rất nhiều ngôi nhà được xây dở, rêu phong bám đầy. Chủ nhân của những ngôi nhà này hoặc bán xới đi làm ăn xa hoặc lên rẫy chưa về. Người dân ở đây cho hay, họ vay tiền, xây dở thì hết tiền nên đành để vậy và vẫn ở trong những ngôi nhà cũ tồi tàn.

Nhiều nhà tạm, nhà dột nát

Nhà tạm mọc lên như nấm sau mưa tại huyện Nam Đông. Ảnh: TT.

Nhà tạm mọc lên như nấm sau mưa tại huyện Nam Đông. Ảnh: TT.

Khi chúng tôi hỏi về thực trạng nhà tạm trên địa bàn, hầu hết những người đứng đầu các xã trên địa bàn huyện Nam Đông đều tỏ vẻ ái ngại, dấu diếm. Ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho hay, khi xã về đích NTM (năm 2018) thì trên địa bàn xã không còn nhà tạm. Không có nhà tạm là tiêu chí bắt buộc để các xã đủ điều kiện về đích NTM.

Tuy nhiên, khi xem hình ảnh ngôi nhà của vợ chồng Hồ Văn Vi Na – Lê Thị Hằng thì ông Lam phân trần: “Xã còn ít nhà tạm thôi! Đây là những hộ phát sinh một vài năm nay thôi, sau khi xã về đích NTM, đa phần là hộ mới cưới nhau tách ra ở riêng nên chưa có nhà kiên cố. Hiện nay xã đang thống kê số liệu, sẽ gửi các anh sau”.

Từ Thượng Quảng, chúng tôi quay lại xã Hương Hữu để ngồi nghe kể về cái nghèo ở địa phương này. Cùng với Thượng Long, Hương Hữu là một trong 2 xã của huyện Nam Đông hiện chưa về đích NTM. Nhà tạm và tỷ lệ hộ nghèo cao đang là thách thức với chính quyền và người dân nơi đây.

Trần Văn Tạo (phải) tại thôn 7, xã Hương Hữu ở trong một nhà tạm đã 7 năm nay nhưng do sinh con thứ 3 nên không được vào danh sách hộ nghèo. Ảnh: VD.

Trần Văn Tạo (phải) tại thôn 7, xã Hương Hữu ở trong một nhà tạm đã 7 năm nay nhưng do sinh con thứ 3 nên không được vào danh sách hộ nghèo. Ảnh: VD.

Theo thống kê của ông Hồ Văn Trước, trưởng thôn Ư Rang (thôn 7), toàn thôn có 167 hộ dân thì có 15 ngôi nhà tạm. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhờ ông Trước dẫn vào những hộ đã thoát nghèo, hộ không nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn thì ông Trước tỏ ra rất ái ngại.

Men theo một lối nhỏ bằng đất, rộng chỉ nửa sải tay, cành cây chĩa ra choán hết lối đi, Trần Văn Xuôi, một hộ vừa “thoát nghèo” ở thôn 7 dẫn tôi vào nhà vợ chồng Trần Văn Tạo – Ra Pát Trà.

Vợ vừa sinh đứa con thứ 3 đang trong thời gian ở cữ, Tạo tranh thủ thời gian không đi bốc vác keo thuê để quốc cỏ quanh nhà. Nhà của Tạo đã làm được 7 năm nay, rộng chừng 30m2, nền lát xi măng, xung quanh đan phên nứa, trên lợp Proximang, trống hoác, ngồi trong nhà có thể nhìn thấy bầu trời, nắng chiếu vào tận giường ngủ, mùa đông lạnh thấu xương. Cánh cửa bước vào ngôi nhà này được đan bằng phên nứa. Trong ngôi nhà của vợ chồng Tạo, tài sản đáng giá nhất là chiếc tivi cũ kỹ đã hỏng lâu nay không thể sử dụng. Không có xe máy, mỗi lần đi vác keo thuê, Tạo đều phải đi nhờ xe của người dân cùng thôn.

Thiếu tư liệu sản xuất đang khiến cái nghèo đeo đẳng người dân Nam Đông. Ảnh: VD.

Thiếu tư liệu sản xuất đang khiến cái nghèo đeo đẳng người dân Nam Đông. Ảnh: VD.

Với 200 m2 đất lúa, thiếu nước không thể làm vụ hè thu, mỗi năm gia đình Tạo chỉ thu được khoảng 1 tạ lúa. Tiền gạo, tiền chi tiêu trong nhà, tiền lãi vay ngân hàng 30 triệu đồng trồng cao su… phụ thuộc hoàn toàn vào khoản tiền Tạo đi bốc keo thuê. Nhưng khổ nỗi, không phải ngày nào cũng có việc để làm, bình quân mỗi tháng, Tạo chỉ đi làm được 10-15 ngày, tính ra thu nhập chưa tới 3 triệu đồng.

Thế mà, 7 năm nay, vợ chồng Tạo không phải là hộ nghèo; 7 năm nay gia đình Tạo vẫn ở trong ngôi nhà đáng ra không nên gọi là nhà ấy!

“Tôi vay 30 triệu đồng trồng cao su từ nhiều năm nay nhưng không có trả nên hàng tháng vẫn phải đóng tiền lãi. Nay cao su giá rẻ, tôi phải chặt, trả bớt nợ nần và trồng keo. Nhưng với 2000 m2 keo thì sau 5 năm cũng chỉ thu về dược 4-5 triệu đồng. Ở đây cũng không biết làm gì hơn là đi bốc keo thuê nhưng bữa có, bữa không” – Tạo nghẹn ngào.

Thống kê nhà tạm tại xã Hương Hữu khiến tôi giật mình và nghĩ rằng con số ấy chưa dừng lại.

Ông Huỳnh Minh Tròn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho biết, xã có 748 hộ thì có tới 51 hộ còn ở nhà tạm.

Tuy chúng tôi không thể đi hết các khu dân cư của xã để thống kê số lượng nhà tạm trên địa bàn nhưng người dân ở đây cho hay, con số ông chủ tịch xã Hương Hữu đưa ra còn khác xa so với thực tế. Không khó để chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà lụp xụp được thưng bằng phên nứa, hộ khá hơn thì thưng bằng gỗ, đa phần cửa được đan bằng tre, nứa.

Toàn huyện Nam Đông có 113 nhà tạm nhưng người dân cho biết, đó chưa phải là con số chính xác. Ảnh: VD.

Toàn huyện Nam Đông có 113 nhà tạm nhưng người dân cho biết, đó chưa phải là con số chính xác. Ảnh: VD.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Điều tra, rà soát về tỷ lệ hộ nghèo ở xã liệu đã chính xác chưa?

Ông Huỳnh Minh Tròn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu khẳng định: “Chúng tôi rà soát rất cụ thể rồi và tỷ lệ hộ nghèo toàn xã 15,51% là chính xác. Theo quy định của địa phương thì những hộ sau khi ra ở riêng 5 năm mới xem xét để có đưa vào diện hộ nghèo hay không. Còn hộ anh Tạo các anh cung cấp có thể là do quá trình rà soát bị thiếu”.

Theo thống kê của UBND huyện Nam Đông, toàn huyện hiện có 113 nhà tạm. Thu nhập là một trong những tiêu chí khó đạt nhất hiện nay của huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số những vùng tái định cư. Đại diện Phòng NN huyện Nam Đông cho biết, 7 xã hiện nay có tỉ lệ hộ nghèo dưới 5%. Hai xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Hương Hữu (15,51%) và Thượng Long (13%).

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm