| Hotline: 0983.970.780

Những phận người bị tụt lại phía sau ở miền Tây xứ Huế

[Bài 2] Dân cùng cực vì thiếu đất sản xuất

Thứ Năm 25/11/2021 , 09:54 (GMT+7)

Trong khi người dân huyện Nam Đông cùng cực vì thiếu đất sản xuất thì dự án nhà máy xi măng thu hồi hàng chục ha đất lại bỏ hoang.

Nhà anh Ninh không có đất sản xuất, không có trâu bò, không có tài sản gì đáng giá nhưng vẫn được cho thoát nghèo. Ảnh: VD.

Nhà anh Ninh không có đất sản xuất, không có trâu bò, không có tài sản gì đáng giá nhưng vẫn được cho thoát nghèo. Ảnh: VD.

Nhà không có trâu, không có đất sản xuất vẫn không phải hộ nghèo

Ngôi nhà của vợ chồng anh Trần Văn Ninh – Hồ Thị Giang ở thôn 5 Thượng Quảng cũng giống nhiều ngôi nhà khác tại huyện miền núi Nam Đông: Cửa nhà tuềnh toàng, nắng rọi tứ phía. Ngôi nhà này tuy đã được cứng hóa nhưng khó khăn lắm anh Ninh mới mở được cánh cửa gỗ không có bản lề, được buộc chặt bằng dây thép để vào nhà.

Anh Ninh cho hay, cũng vì ruộng đất ít nên cuộc sống của gia đình anh mới cơ cực như vậy. Cách đây không lâu, con trâu – tài sản đáng giá nhất gia đình anh bỗng lăn đùng ra chết. Đứa con đầu vợ chồng anh, vì khó khăn nên phải bỏ học từ sớm đi làm thuê ở miền Nam. Hai đứa nhỏ sinh đôi chỉ mặc độc chiếc áo cũn cỡn, mặt mày nhem nhuốc suốt ngày quấn lấy mẹ khiến chị Giang không thể đi làm thuê kiếm tiền.

Thương con nhưng không có tiền, chị Giang thường phải sang quán hàng bên cạnh mua bữa cái trứng, khuôn đậu phụ, lúc thì con cá khô về làm thức ăn. Tiền nợ quán hàng 4-5 triệu đồng mấy năm nay vẫn không thể trả được.

Nhiều hộ dân được di dời vào khu tái định cư theo chính sách giãn dân nhưng cuộc sống vô cùng cơ cực khi không nắm trong tay tư liệu sản xuất, không có ngành nghề phụ. Ảnh: VD.

Nhiều hộ dân được di dời vào khu tái định cư theo chính sách giãn dân nhưng cuộc sống vô cùng cơ cực khi không nắm trong tay tư liệu sản xuất, không có ngành nghề phụ. Ảnh: VD.

Theo anh Ninh, gia đình anh về định cư tại thôn 5 theo chính sách giãn dân của UBND xã Thượng Quảng. Tuy nhiên, khi về đây, ngoài 2 nghìn m2 đất ở và vườn cằn cỗi không thể canh tác thì gia đình anh Ninh không được cấp đất ruộng, đất trồng rừng.

Thế mà, năm 2017, gia đình anh Ninh cũng được thôn đưa ra khỏi diện hộ nghèo của xã. Chỉ 1 năm sau, xã Thượng Quảng được công nhận là xã đạt chuẩn NTM.

“Giờ mà cho con đi nhà trẻ thì không có tiền ăn để nộp cho nhà trường nên tôi phải ở nhà trông con. Chồng đi làm bữa có bữa không, có gì ăn nấy qua ngày. Hai đứa con đi làm ăn xa, mỗi năm chỉ tiết kiệm được 5 triệu gửi về nhà nhưng mấy tháng trước nhà dột nát quá nên đứa con đi làm ở miền Nam ứng tiền công về cho ba nó mua tôn lợp lại mái” - chị Giang nghẹo ngào.

Thôn 5, xã Thượng Quảng có 87 hộ dân với 378 nhân khẩu nhưng chỉ có 9,5 ha đất trồng lúa, trong đó 7 ha trồng được 2 vụ.  Toàn thôn cũng chỉ có 28 ha đất trồng rừng và cao su, tính ra mỗi hộ chỉ có khoảng 0,3 ha.

Ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn 5 cho hay, năng suất lúa ở đây khoảng 54 tạ/ha nên tính bình quân mỗi nhân khẩu chỉ có khoảng 235 kg lúa/năm. Lương thực có thể không đến mức thiếu đói nhưng để nuôi thêm con gà, con vịt, cải thiện bữa ăn cũng đã khó khăn chứ nói gì đến phát triển chăn nuôi.

Nói đoạn, mắt ông Hải nhìn ra xa, trầm ngâm rồi tiếp: “Tôi làm trưởng thôn từ năm 1997 đến nay, qua 3 đời chủ tịch xã nhưng việc thoát nghèo ở đây là điều rất khó khăn. Dân thiếu đất canh tác, đảm bảo được lương thực hàng ngày đã là khá lắm rồi! Ở đây ngành nghề phụ không có nên người dân gần như không có thêm nguồn thu nào ngoài mấy hạt lúa và đi bốc keo thuê. Một số lao động ra ngoại tỉnh đi làm thuê nhưng thu nhập cũng bấp bênh lắm. Cuộc sống người dân ở đây hết sức cùng cực”.

Thôn Ư Rang, xã Hương Hữu có 167 hộ dân với 714 nhân khẩu nhưng không có đất trồng rừng. Đất canh tác ít, diện tích gieo trồng lúa hàng năm của thôn cũng chỉ khoảng 23 ha.

Ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn 5 cho rằng câu chuyện thoát nghèo ở đây còn lắm gian nan. Ảnh: VD.

Ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn 5 cho rằng câu chuyện thoát nghèo ở đây còn lắm gian nan. Ảnh: VD.

Ông Hồ Văn Trước, trưởng thôn Ư Rang cho hay, người dân ở đây vay nợ ngân hàng để trồng cao su từ năm 2002-2003. Nay cao su bị đổ gãy lại rớt giá nên nhiều hộ đã chặt bán gỗ cao su trả nợ, chuyển sang trồng keo. Nhưng đó cũng không phải là con đường khả dĩ có thể đem lại một tương lai tươi sáng.

“Thôn có 90 ha đất cao su thì nay đã có khoảng 45 ha chuyển sang trồng keo nhưng đây cũng là cách làm bất đắc dĩ. Cao su tuy cho thu nhập không cao nhưng hàng tháng vẫn có đồng vào đồng ra. Nhiều hộ để trả nợ phải chặt bán cao su; một số diện tích cao su bị gãy, dân không có tiền trồng lại nên đành chịu. Trồng keo với diện tích rất ít, manh mún, chu kỳ kéo dài, cái ăn hàng ngày đang chật vật thì tính gì được chuyện làm giàu?” – ông Trước buồn bã.

Hàng chục ha đất dự án bỏ hoang

Ông Trần Oánh than phiền vì đất cấp tái định cư cằn cỗi, trồng cây không phát triển. Ảnh: VD.

Ông Trần Oánh than phiền vì đất cấp tái định cư cằn cỗi, trồng cây không phát triển. Ảnh: VD.

Theo thống kê, xã Hương Hữu có 748 hộ dân nhưng diện tích trồng lúa hàng năm của xã chỉ khoảng 125,5 ha, năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha. Tính ra, diện tích gieo trồng hàng năm tại xã chỉ có khoảng 167 m2/hộ. Với dân số 3.073 khẩu, bình quân mỗi người chỉ có khoảng 230 kg lúa/năm. Xã có 290 ha rừng trồng, 158 ha cao su trong khi ngành nghề phụ không có, người dân chủ yếu đi làm thuê trong xã. Xem ra câu chuyện thoát nghèo ở đây còn xa vời lắm. Việc UBND xã Hương Hữu đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập để năm 2024 về đích NTM gần như là việc không thể.

Đây cũng là thực trạng mà xã Thượng Long cũng đang gặp phải trong quá trình xây dựng NTM.

Không chỉ xã chưa về đích NTM, tại những xã đã về đích NTM, tình trạng thiếu đất sản xuất cũng không ít. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảm nghèo và thoát nghèo bền vững của người dân.

Dân nghèo cùng cực vì thiếu đất nhưng năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đầu tư xi măng Nam Đông – Việt Song Long triển khai Dự án nhà máy sản xuất xi măng. Địa điểm thực hiện dự án thuộc thôn 3, 5 xã Thượng Quảng. Để triển khai dự án này, chính quyền địa phương đã thu hồi 40 ha đất thổ cư, đất vườn của 40 hộ dân giao cho doanh nghiệp. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.437 tỷ đồng, cam kết hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2011.

Hàng chục ha thực hiện Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông – Việt Song Long bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Ảnh: VD.

Hàng chục ha thực hiện Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông – Việt Song Long bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Ảnh: VD.

Là một xã miền núi kinh tế vô cùng khó khăn, chính quyền và nhân dân Thượng Quảng hết sức phấn khởi bởi dự án được kỳ vọng sẽ đem đến công ăn việc làm, thay đổi đời sống người dân. Vì vậy, 40 hộ dân thôn 3 và thôn 5 đã đồng ý di dời nhà cửa, vườn tược đến khu tái định cư cách đó không xa.

Sau khi được giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng khu hành chính 2 tầng, nhà để xe. Nhưng khoảng chục năm nay, chủ đầu tư đã lặn mất tăm, để lại nhiều hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương này.

Thời điểm giữa tháng 10/2021, khi chúng tôi có mặt tại thôn 3, thôn 5, nhà máy chưa được xây dựng, khu nhà hành chính hoang tàn, xuống cấp. Người dân Thượng Quảng không những chăn thả mà còn đưa trâu bò vào nuôi nhốt trong khu vực này. Tầng 1 khu nhà hành chính vì thế đầy ắp phân trâu bò, nước phân chảy lênh láng khắp nơi.

Một diện tích rất lớn rộng hàng chục ha xây dựng nhà máy hiện cũng chỉ để cho trâu bò gặm cỏ. Người dân tiếc đất, không có nơi sản xuất đã tự ý trồng keo nhưng chủ đầu tư yêu cầu chặt bỏ. Vì vậy, trên diện tích được thu hồi giao cho doanh nghiệp hiện nay hoặc bỏ hoang hoặc trồng cỏ chăn nuôi trâu bò.

Ông Trần Oánh, một người có 6 nghìn m2 đất ở, đất vườn bị thu hồi để phục vụ dự án cho hay, hiện nay những hộ dân bị thu hồi đất được cấp tái định cư khoảng 1,8-2 nghìn m2 đất ở, đất vườn. Tuy nhiên, mặt bằng khu tái định cư này được đắp bằng đất đá lấy từ núi cao nên không thể canh tác; cây ăn quả đã trồng cả chục năm nay nhưng không thể phát triển nổi.

Chủ dự án lặn mất tăm, để lại nhiều hệ lụy về môi trường và sự phát triển kinh tế của người dân xã Thượng Quảng. Ảnh: VD.

Chủ dự án lặn mất tăm, để lại nhiều hệ lụy về môi trường và sự phát triển kinh tế của người dân xã Thượng Quảng. Ảnh: VD.

“Nếu muốn trồng cây, trồng rau trên đất khu tái định cư này thì dân phải bỏ tiền mua đất màu về đổ một lớp phía trên nhưng chẳng ai làm được vì không có tiền. Nơi ở mới của chúng tôi vừa chật hẹp, khó canh tác vừa rất khó khăn về nguồn nước. Nước giếng ở đây nhiễm phèn nặng, quá cơ cực, một số hộ đã chuyển đi sinh sống nơi khác. Nếu dự án không triển khai tiếp thì kiến nghị Nhà nước trả lại đất để người dân sản xuất, ổn định cuộc sống” – ông Oánh bức xúc.

Ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho hay, trước tình hình đất dự án nhà máy sản xuất xi măng đang bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất, UBND xã cũng đã có văn bản kiên nghị cấp trên thu hồi đất sản xuất giao cho dân. Qua các đợt tiếp tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND huyện, các cử tri cũng nêu kiến nghị của mình nhưng được trả lời, đây là dự án liên quan đến tỉnh, Trung ương, không thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.