Không nộp đủ các khoản thu thì… thoát nghèo
Hương Hữu là một trong 2 xã còn lại của huyện miền núi Nam Đông chưa về đích nông thôn mới (NTM) với tỷ lệ hộ nghèo 15,51%. Ngoài tiêu chí hộ nghèo, Hương Hữu còn các tiêu chí chưa đạt như thu nhập, nhà ở, lao động qua đào tạo, tổ chức sản xuất. Theo lãnh đạo xã Hương Hữu, để hoàn thiện tiêu chí hộ nghèo là việc rất nan giải.
Phải chăng vì thế mà xã giao chỉ tiêu cho các thôn phải giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bất chấp thực tế là những hộ thoát nghèo còn rất nghèo?
Ông Huỳnh Minh Tròn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu khẳng định: “Huyện có chỉ đạo các địa phương phải nỗ lực giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo còn các xã căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng chỉ tiêu phấn đấu cho từng năm, từng giai đoạn. Trước đây, xã có ra chỉ tiêu thoát nghèo cho từng thôn nhưng thực tế các thôn làm tốt hơn và thường cao hơn chỉ tiêu xã đưa ra(?)”.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì mà ông Hồ Văn Trước, trưởng thôn Ư Rang chia sẻ.
Thôn Ư Rang hiện có 24% hộ nghèo, 10% hộ cận nghèo. Nhưng con số đó chưa phản ánh đúng thực tế đời sống của người dân trong thôn.
“Những hộ đã thoát nghèo thực ra họ vẫn còn rất nghèo. Những hộ được nhận hỗ trợ cây trồng, vật nuôi thì thôn phải đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng họ cũng đang khó khăn lắm. Hàng năm, UBND xã Hương Hữu đều giao chỉ tiêu cho thôn phải giảm 2-5 hộ nghèo nhưng quả thực là rất khó thực hiện” – ông Trước chia sẻ.
Khó thực hiện nhưng không thể không làm! Vì vậy, ban quản lý thôn Ư Rưng đã nghĩ ra một cách, những hộ vi phạm dân số kế hoạch hóa gia đình nhất quyết phải đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo dù họ… càng sinh thêm con càng nghèo.
Không những thế, những hộ như gia đình ông Hồ Văn Phương, do không có tiền nộp các khoản thu của thôn, xã, của Nhà nước thì thôn cũng đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chỉ những hộ đóng góp đầy đủ thì thôn Ư Rang mới xem xét, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn.
Điều này dường như đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của những cán bộ thôn bản như ông Trước. Nhưng không làm thế, không suy nghĩ thế sao được khi ở đây số hộ nghèo còn rất lớn và không còn lý do nào khác để “loại” họ ra khỏi danh sách hộ nghèo?
Ông Huỳnh Minh Tròn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho rằng, xã không giao chỉ tiêu cho các thôn giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mọi giá mà chỉ khuyến khích các thôn và người dân chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế để thoát nghèo.
“Về thông tin một số hộ đã thoát nghèo nhưng thực tế vẫn còn rất nghèo thực ra là không đúng. Các thôn rà soát rất cụ thể nên không thể có chuyện đó. Còn chuyện người dân không hoàn thành các khoản đóng góp hay vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình mà phải đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo thì xã không chỉ đạo, các thôn căn cứ tình hình cụ thể, hương ước của làng để quyết định” – ông Tròn phân trần.
Còn ông Hồ Văn Trước, trưởng thôn Ư Rang lại có cái nhìn khác: “Những hộ đã phấn đấu thoát nghèo nhưng thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm mà vẫn phải đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo là không nên. Nói đâu chứ ở thôn tôi, vì chỉ tiêu xã giao cũng có chút áp lực nên có khoảng hơn 30 hộ đã đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng thực chất họ còn rất nghèo”.
Đừng vì nông thôn mới mà bỏ lại phía sau những phận người
Huyện miền núi Nam Đông hiện có 2 xã chưa về đích NTM là Hương Hữu và Thượng Long. Địa phương này cũng đặt mục tiêu sẽ trở thành huyện NTM trước năm 2024. Nhưng liệu các tiêu chí NTM tại Nam Đông có bên vững hay không khi nhiều phận người, vì tiêu chí giảm nghèo đang bị bỏ lại phía sau?
Từ câu chuyện của những hộ còn nghèo xơ nghèo xác ở xã Thượng Quảng nhưng vẫn đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Chánh Văn phòng Xây dựng NTM huyện Nam Đông.
Ông Ánh cũng thừa nhận, giảm nghèo là tiêu chí khó đạt nhất của địa phương. Tuy nhiên, UBND huyện Nam Đông cũng giao chỉ tiêu để 2 xã còn lại là Thượng Long và Hương Hữu về đích NTM trong năm 2023.
Có phải vì điều này mà nhiều phận người đang vô tình bị bỏ lại phía sau và những con số thống kê chỉ là những con số ảo?
Ông Ánh cho rằng, việc rà soát danh sách hộ nghèo tại các xã được thực hiện rất nghiêm ngặt, công bằng, khách quan.
Nhưng điều đó có vẻ không đúng với thực tế đang diễn ra tại các xã trên địa bàn huyện Nam Đông?
Ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn 5, xã Thượng Quảng (xã về đích NTM năm 2018) thẳng thắn bộc bạch: “Đời sống của người dân ở đây còn khó khăn vô cùng, đa số lên rừng làm nương rẫy thì lấy đâu ra thu nhập những 32-34 triệu đồng/người/năm? Theo tôi đánh giá thì thôn 5, cùng lắm mức thu nhập chỉ đạt 25 triệu đồng/người/năm thôi. Chẳng qua là vì chủ trương đạt chuẩn NTM mà phải gạt họ ra khỏi hộ nghèo. Điều tra mà thật chính xác thì thôn này còn có thêm 14-15 hộ còn thuộc diện nghèo”.
Theo ông Hải, năm 2016 tại thôn 5 còn khoảng 14-15 hộ nghèo nhưng đến nay chỉ còn 4 hộ nghèo. Ông Hải cho rằng, đây là con số phản ánh không đúng với thực tế tại thôn 5 hiện nay.
Theo Báo cáo kinh tế xã hội của xã Thượng Quảng, trong năm 2010, địa phương này còn 13% hộ nghèo (theo chuẩn cũ), thu nhập bình quân đầu người 8 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, ở một xã miền núi còn quá nhiều khó khăn như xã Thượng Quảng, chỉ 8 năm sau, thu nhập của người dân đã tăng gấp 4 lần (32,3 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (tiếp cận đa chiều) cũng chỉ còn dưới 5%. Đây cũng là thời điểm xã Thượng Quảng được công nhận đạt chuẩn NTM.
Đến năm 2020, bình quân thu nhập của người dân Thượng Quảng đã đạt 40 triệu đồng/người/năm và toàn xã chỉ còn 23 hộ nghèo.
Đối chiếu với những gì mà ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn 5 và thực trạng cuộc sống người dân Thượng Quảng, ít người dám tin vào những con số thống kê mà ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng đã cung cấp cho chúng tôi.
Còn ông Hồ Văn Trước, trưởng thôn Ư Rang, xã Hương Hữu cũng cho rằng, thôn đã đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo trên 30 hộ nhưng thực chất đang nghèo xơ nghèo xác. Đối với nông dân, đất sản xuất là yếu tố sống còn nhưng hiện đang thiếu trầm trọng.
Ông Trước cũng cho rằng, chính những chương trình hỗ trợ của cấp trên dành cho người dân cũng còn chậm và chưa mang lại hiệu quả cao: “Năm 2018, huyện có hỗ trợ những hộ nghèo dụng cụ sản xuất nông nghiệp như quốc xẻng, máy tuốt lúa và cây trồng vật nuôi nhưng thực hiện quá chậm. Đến khi những hộ đáng được hưởng chế độ này thì đã được thôn đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nên không được hỗ trợ nữa”.
Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng NTM 6 tháng đầu năm 2021 của UBND huyện Nam Đông không thống kê cụ thể bình quân thu nhập cũng như tỷ lệ hộ nghèo nhưng cũng khẳng định, về chương trình giảm nghèo và các chính sách xã hội: Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã ngày càng giảm. Đến nay có 7/9 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% (có 3 xã dưới 1%).
Ông Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông cung cấp cho chúng tôi về số liệu thu nhập bình quân đầu người của một số xã. Theo đó, xã Hương Lộc là 52,4 triệu đồng/người/năm; xã Hương Phú 52,1 triệu đồng/người/năm; xã Hương Xuân 51,08 triệu đồng/người/năm.
Tuy ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của địa phương nhưng Báo cáo cũng thừa nhận “Tổ chức sản xuất (một trong những yếu tố để nâng cao thu nhập cho người dân) đạt nhưng chưa thực sự bền vững; thực hiện chỉ tiêu “xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững” còn thiếu và lúng túng… Một số HTX đã thành lập nhưng hoạt động còn hạn chế, chưa tìm kiếm được thị trường kinh doanh và tổ chức ký liên kết với người nông dân…”.
Tỷ lệ hộ nghèo, nhà tạm sẽ không ngừng tăng
Lãnh đạo UBND các xã, trưởng các thôn chúng tôi tiếp xúc tại huyện Nam Đông đều thừa nhận, nghèo là một “đặc sản” không mong muốn ở vùng đất này. Với mức thu nhập dưới 700 nghìn đồng/người/tháng như hiện nay được xem là hộ nghèo thì thì khi Nhà nước nâng mức thu nhập thoát nghèo lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này sẽ tăng chóng mặt.